Lạm dụng và xâm hại tình dục ở trẻ em (Child sexual abuse)

15% những nạn nhân bị bạo hành hoặc xâm hại tình dục dưới 12 tuổi; 29% ở độ tuổi từ 12 đến 17; và 44% dưới tuổi 18.

– Bé gái từ 16 đến 19 tuổi có nguy cơ trở thành nạn nhân của hiếp dâm, bạo hành tình dục cao gấp 4 lần so với tổng dân số.

3% các bé trai đang học từ lớp 5 đến lớp 8, và 5% các bé trai ở từ lớp 9 đến lớp 12, bảo rằng các em đã bị xâm phạm tình dục.

93% nạn nhân ở tuổi vị thành niên biết thủ phạm là ai. Trong đó:

+ 34.2% là thành viên trong gia đình.

+ 58.7% là người có quen biết với trẻ.

+ Chỉ 7% trong số các kẻ bạo hành là người lạ đối với trẻ.

(Nguồn)

Bạn có bao giờ ngắm nhìn những đứa trẻ đang chơi đùa trong khu phố, hay chính những đứa con vô tội của mình, và nghĩ rằng, chúng có khả năng bị lạm dụng hoặc xâm hại tình dục? Điều đó thật đáng sợ và ngoài sức tưởng tượng. Vấn đề xâm hại hoặc lạm dụng tình dục ở trẻ em vẫn luôn là một vấn đề khó bàn luận vì nó thật khủng khiếp, thật kinh tởm. Nhưng trốn tránh hay làm ngơ, giả vờ như nó không xảy ra hằng ngày hằng giờ sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Vì vậy, dù khủng khiếp, kinh tởm thế nào, chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng tỉ lệ lạm dụng tình dục ở trẻ em là rất cao và cần nhận được nhiều sự quan tâm cấp thiết.

via Pinterest

via Pinterest

Xâm hại và lạm dụng tình dục là dạng bạo hành đau lòng nhất, gây tranh cãi nhiều nhất, bị che đậy nhiều nhất, và bị hiểu lầm là ít xảy ra trong các dạng bạo hành trẻ em. 

Vậy xâm hại/lạm dụng tình dục ở trẻ em là gì?

Xâm hại và lạm dụng tình dục có thể là về mặt thể xác (touching), hoặc về mặt tinh thần (non-touching).

Các hành vi lạm dụng tình dục bao gồm:

– Về mặt thể xác (touching):

  • Xâm phạm thân thể đứa trẻ (penetrate) bằng một bộ phận cơ thể hoặc một vật nào đó.
  • Mơn trớn hoặc đụng chạm trẻ một cách không phù hợp.
  • Bắt ép (hay “yêu cầu”) trẻ đụng chạm bộ phận sinh dục của người lớn hoặc theo một cách gợi dục.

– Về mặt tâm lý (non-touching):

  • Cho trẻ tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy.
  • Phô trương, phô bày một cách không đúng đắn, phản cảm trước mặt trẻ.
  • Cố tình thủ dâm trước mặt trẻ.
  • Cố tình quan hệ tình dục trước mặt trẻ.
  • Dùng trẻ để sản xuất các sản phẩm khiêu dâm (phim, ảnh, quảng cáo,…v..v).
  • Các hành vi xâm phạm tình dục khác ở trẻ.
Child neglect by www.cypnow.co.uk

Child neglect by http://www.cypnow.co.uk

Trẻ em thường được dạy rằng phải kính nể và vâng lời người lớn, vì vậy, họ sẽ băn khoăn không biết hành vi xâm phạm của người lớn là đúng hay sai. Điều này dẫn đến việc trẻ lo sợ về việc trình báo hoặc khiến trẻ thay đổi/ rút lại bản trình báo ngay sau đó.

Khi 10 đứa trẻ bị xâm hại hay lạm dụng tình dục thì chỉ có duy nhất 1 trẻ sẽ lên tiếng. Thế thì làm sao chúng ta có thể nhận ra nếu họ đang bị xâm phạm? Những nạn nhân bé nhỏ này dù không có đủ can đảm để nói cho bạn biết, họ sẽ vẫn có những biểu hiện khác lạ về hành vi, sức khỏe và cách ứng xử, tiêu biểu như:

  • Có những hiểu biết và ham muốn tình dục không phù hợp với độ tuổi.
  • Có hành vi, biểu hiện gợi dục với người lớn hay những đứa trẻ khác.
  • Tỏ ra sợ sệt trước một số nơi như nhà tắm hoặc nhà vệ sinh công cộng (những nơi thường xuyên xảy ra các vụ xâm hại/lạm dụng tình dục).
  • Sợ phải ở một mình với con trai hay đàn ông.
  • Thường xuyên vắng phép ở trường, bất kể kết quả học tập, với đơn xin chỉ được viết bởi 1 phụ huynh (trường hợp này đáng lo ngại hơn nếu trẻ ở nhà 1 mình với cha hoặc cha dượng của mình).
  • Cố gắng trốn nhà ra đi nhiều lần.
  • Sợ giao tiếp hay các mối quan hệ cá nhân (interpersonal relationships).
  • E ngại việc trở về nhà sau khi tan trường.
  • Bảo rằng mình được dạy không được tiết lộ một bí mật nào đó.

Cụ thể hơn, ở từng độ tuổi, trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau.

limbo. by Cristina Otero

limbo. by Cristina Otero

Trẻ em có thể bị xâm phạm tình dục ở bất kỳ độ tuổi nào và việc xâm phạm có thể xảy ra một lần hoặc lập lại trong 1 khoản thời gian.

Các biểu hiện đó gồm:

– Với trẻ dưới 3 tuổi:

  • Ngủ không yên giấc.
  • Chậm lớn, chậm phát triển.
  • Có các vấn đề về đường ruột.
  • Sợ sệt.
  • Khóc la quá nhiều.
  • Thường xuyên nôn mửa.

– Với trẻ từ 3 đến 9 tuổi:

  • Sợ một người hoặc một số nơi cụ thể nào đó.
  • Lập lại những hành vi không còn phù hợp với độ tuổi (uống sữa trong bình, tiểu dầm,…v…v).
  • Gặp nhiều ác mộng.
  • Ăn uống thất thường.
  • Có các kiến thức hay hành vi về tình dục (sexual behaviours) không phù hợp với độ tuổi.
  • Xa lánh gia đình và bạn bè.
  • Tức giận, hung hăng một cách vô lý.

– Với các đứa trẻ lớn hơn hoặc ở độ tuổi vị thành niên:

  • Buồn bã, ủ rủ.
  • Có những hành vi tình dục (sexual behaviours) nguy hiểm.
  • Kết quả học tập giảm sút.
  • Ăn uống thất thường hoặc bị rối loạn ăn uống (eating disorder).
  • Trốn khỏi nhà.
  • Hung hăng một cách vô lý.
  • Tính khí thất thường.
  • Kỹ năng xã hội kém.

Ngoài ra, cơ thể của nạn nhân sẽ bị tổn thương trầm trọng, và phát lên những tín hiệu cầu cứu như:

  • Có mùi hôi lạ hoặc nồng nặc.
  • Dễ mắc các bệnh mãn tính, bệnh hoa liễu, bị nhiễm trùng nước tiểu hay có các vết thương nơi vùng kín.
  • Liên tục bị bầm, bị bỏng, bị thương.
  • Có thai nhưng đứa trẻ nhất quyết không tiết lộ danh tính người bố hay không nhận rằng mình có thai.
  • Có nhiều chất thải hay máu dính ở quần lót hay giường ngủ.

Khi biết con mình bị xâm hại hoặc lạm dụng tình dục, đương nhiên chúng ta sẽ vô cùng đau đớn, tức giận. Thế nhưng, một số phụ huynh sẽ không phải trải qua các cảm xúc đó đâu, vì chính họ đã xâm phạm con em mình. 37% các vụ lạm dụng tình dục ở trẻ em là do chính phụ huynh của em ấy thực hiện. Nếu bạn phát hiện những dấu hiệu này trong chính gia đình của bạn, thì đã đến lúc bạn phải nghi ngờ và làm một điều gì đó:

Tri Joko

Phần lớn trẻ em bị xâm hại/lạm dụng tình dục bởi 1 thành viên trong gia đình (ba, mẹ, anh trai, chú,…) hoặc 1 người có quen biết với trẻ.

  • Một mối quan hệ gượng gạo và mang tính bảo vệ quá mức (over protective) của đứa trẻ và một trong hai phụ huynh.
  • Đứa trẻ e ngại khi phải ở một mình với một trong hai phụ huynh.
  • Một trong hai phụ huynh sẽ thường xuyên sắp xếp để họ và đứa trẻ ở một mình trong một căn phòng đóng cửa.
  • Một trong hai phụ huynh sẽ cố gắng tạo khoảng cách giữa đứa trẻ và phụ huynh còn lại.
  • Những thay đổi thất thường về cơ thể của đứa trẻ mà không có lời giải thích về mặt y học.
  • Ý định tự tử ở đứa trẻ hoặc một trong hai phụ huynh.
  • Tính khí thay đổi vô cùng thất thường.
  • Đứa trẻ nạt nộ hay trở nên vô lễ, hách dịch với phụ huynh còn lại.
  • Một trong hai phụ huynh bình luận một cách gợi dục về đứa trẻ.
  • Một trong hai phụ huynh muốn đứa trẻ ngủ cùng giường với mình.

Ngoài ra, cả gia đình vẫn có thể bao che cho vụ xâm hại hoặc lạm dụng tình dục ở đứa trẻ.

Các gia đình đó thường có những biểu hiện:

  • Thiếu thốn tình yêu thương và hiếm khi quan tâm đến đứa trẻ, nhất là khi đứa trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ.
  • E ngại với việc đưa trẻ đến bác sĩ.
  • Không có lời giải thích thuyết phục cho những vết thương của đứa trẻ.
  • Có những quan niệm xuyên tạc, lệch lạc về tổn thương tâm lý hoặc thể chất.
  • Bảo vệ đứa trẻ quá mức, từ chối không cho đứa trẻ tham gia vào bất kỳ hoạt động xã hội nào.
  • Những gia đình có sự quản lý khắc nhiệt bởi phụ huynh.
  • Gia đình cô lập với cộng đồng và có ý định tách biệt luôn những đứa con của họ.
All in a Tear by Michael T

All in a Tear by Michael T

Mặc dù các nghiên cứu đã khảng định rằng, đối với tội phạm tình dục, các nạn nhân thường là nữ, và các tội phạm thường là nam, các bé trai vẫn có thể bị xâm phạm nhưng sau đó phải gánh chịu sự thờ ơ và bát bỏ.

Đôi lúc, đứa trẻ sẽ lên tiếng. Một số bé sẽ can đảm và báo thẳng với giáo viên, nhân viên tư vấn tâm lý, y tá, hay những người có thẩm quyền khác. Một số sẽ sợ sệt và kể cho các bạn cùng lớp mình nghe, với hy vọng là họ sẽ báo ai đó giúp mình. Một số sẽ úp úp mở mở, nói một cách trốn tránh vấn đề như “Con biết có một ai đó và họ…” hoặc kể lại cho người lớn nghe và bắt họ phải giữ bí mật. (Trẻ muốn đẩy trách nhiệm trình báo cho người khác nhưng vẫn mong muốn sự can thiệp.)

Dù trẻ có trình báo 1 cách trực tiếp, gián tiếp, hay không dám cất tiếng nào, khi phát hiện 1 đứa trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục, trách nhiệm của bạn và tôi là phải giúp đỡ và bảo vệ đứa trẻ đó. Mời các bạn tìm hiểu về cách ứng xử khi một đứa trẻ báo với bạn về một vụ xâm hại/lạm dụng tình dục hoặc khi bạn nghi ngờ một đứa trẻ nào đó đang có thể là nạn nhân.

Bài viết này đã sử dụng thông tin từ:

http://www.child-familyinstitute.org/abuse_sexsign.htm

http://everydayfeminism.com/2013/03/child-sexual-abuse-what-it-is-and-what-to-do-about-it/

http://everydayfeminism.com/2014/02/10-ways-to-talk-to-your-kids-about-sexual-abuse/

Huỳnh Kim

Một suy nghĩ 25 thoughts on “Lạm dụng và xâm hại tình dục ở trẻ em (Child sexual abuse)

  1. Pingback: Bạn có thể làm gì với nạn bạo hành tình dục ở trẻ em? | Những tâm hồn đẹp

  2. Mình có một người bạn rất thân, năm nay 20 tuổi. Bạn ấy luôn có cảm giác hình như hồi nhỏ mình bị xâm hại tình dục, bạn ấy có biểu hiện xa lánh cha mình và ghét đàn ông; và bạn ấy có những suy nghĩ về tình dục hay những ám ảnh về tình dục từ khi mới chỉ học cấp 2; nhưng bạn ấy không nhớ hồi nhỏ liệu có xảy ra những chuyện ấy thật hay không hay do bạn ấy tự tưởng tượng ra. Bạn mình bị dằn vặt rất nhiều vì việc đó. Vậy mình muốn hỏi là làm cách nào để biết được bạn mình có bị xâm hại tình dục hay không? Bạn mình càng lúc càng hoang mang vì việc đó. Và mình thực sự rất muốn tìm cách nào đó để giúp bạn ấy.

    Thích

    • Oài okay để check trước khi open can of worm…
      ————

      Chào bạn,

      Cảm ơn bạn đã liên lạc với tụi mình. Bạn có thể cho tụi mình hỏi thêm về tình hình của bạn ấy được không? Gia đình bạn ấy như thế nào? Có nhiều bạn bè thân không? Hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, học tập trong lớp ra sao?

      Biết thêm những thông tin này sẽ giúp định hướng những câu hỏi và hướng đưa ra lời khuyên về sau.

      Dù gì đi nữa, ít ra mình biết được bạn ấy cũng đang có bạn. Cảm ơn vì bạn đã là một người bạn thật tuyệt vời!

      Bình tĩnh tự tin, khoan dằn vặt đã!

      Spec

      Thích

      • Bạn mình có khá ít bạn bè thân thiết, và lại càng rất ít khi bạn ấy chia sẻ mọi chuyện với ai, mình là người duy nhất bạn mình từng chia sẻ chuyện đó. Gia đình bạn ấy không được hạnh phúc lắm, bố bạn là người gia trưởng, hồi nhỏ bạn mình thường xuyên bị bố mẹ đánh, không vì lý do gì cũng đánh, nhiều hôm mình thấy bạn ấy đến lớp mà mắt sưng húp vì khóc nhiều và có lần mình thấy trên lưng bạn ấy có rất nhiều lằn roi do bị bố đánh. Bạn mình không thích đến những chỗ đông người, bạn ý thích ngồi một mình và đọc sách hơn. Và bạn ý đặc biệt không thích tiếp xúc với các bạn nam và tỏ ra rất tiêu cực với phái nam nữa.

        Thích

      • Chào bạn,

        Theo như mình phán đoán thì bạn của bạn rất có thể đã bị xâm hại, nhưng cảm giác không nhớ là do phản xạ tự vệ của bạn ấy cố tình đẩy cái ký ức đó đi nên dần nó như kiểu nửa thật nửa không… Chứ thông thường không ai biết mà tự nghĩ ra cái đó đâu. Còn nếu may mắn mà bạn của bạn không bị xâm hại thật thì rất có thể do bạn ấy đọc nhiều sách hoặc xem nhiều film rồi coi đó là thật (trường hợp này thì hiếm hơn). Về điểm này bạn có thể khuyến khích giúp bạn ấy đi bác sĩ tâm lý cho an tâm nhé.

        Bạn có thể tiếp tục ở cạnh bạn ấy, nói với bạn ấy rằng nếu có tâm sự gì thì cứ viết hết ra 1 cuốn sổ hoặc blog riêng. Nói với bạn ấy rằng trên đời còn nhiều người đàn ông tốt hy sinh cho người khác, nói rằng bạn đừng sợ hãi cũng như đừng mất niềm tin quá.

        Về địa điểm khám, bạn có thể dẫn bạn mình ra một trong các địa điểm sau đây

        Hà Nội:
        *Tư vấn:
        – Ngàn phố tâm lý (http://www.tamlynganpho.com/)
        *Điều trị bằng thuốc:
        – Bệnh viện Việt Pháp HN
        – Bệnh viện tâm thần HN
        – Viện sức khỏe tâm thần (http://bachmai.gov.vn/index.php…)
        Ngoài ra bạn có thể ra VINMEC hoặc BV Hồng Ngọc để kiểm tra thử, nhưng mình nghĩ đó là BV tư nên chắc cũng đắt
        TP.HCM:
        – Bệnh viện Việt Pháp HCM
        – Welink.vn (tư vấn, giá khoảng 650k/buổi)
        – Tâm Gia An: http://www.tamgiaan.com/

        Chúc bạn của bạn mau khỏe, bạn cũng ráng giữ skhoe để làm chỗ dựa cho bạn của mình nha!

        Thân mến,

        KLinh

        Thích

      • Bạn trả lời cho bạn đang bận, mọi người trong nhóm cụng bận nữa nên giờ này mới trả lời lại cho bạn T.T Tụi mình xin lỗi bạn nhiều nheng, để bạn chờ lâu quá, tới 9 ngài lận T.T

        Bạn nói bạn của bạn đi khám sớm nheng, có tin gì thì báo tụi mình biết dới.

        Còn câu hỏi thắc mắc gì nữa thì bạn cứ để lại còm-men, tụi mình giúp được gì tụi mình giúp

        Cám ơn bạn vì đã gởi câu hỏi cho tụi mình và đã là một người bạn tốt. Mình cũng mong bạn của bạn mau khoẻ, bạn cũng nhớ nghỉ ngơi giữ sức phẻ nheng ^^

        Ngày lành nhe bạn.

        Thân mến,

        V.

        Thích

  3. Pingback: Tổng hợp confession chia sẻ về quấy rối tình dục | Ném đá ngôn tình <3

  4. Pingback: Lạm dụng tình dục ở trẻ em (Child sexual abuse) - Tâm Lý Học Tội Phạm

  5. Mình cảm ơn bạn nhiều lắm vì đã phản hồi ❤
    Mình đã xem lại và đúng là lỗi tại mình. Cho mình xin lồi 😥 *cuối đầu
    Bài này cũng chỉ dịch từ các trang nước ngoài thôi bạn, Bốn chấm đó là mình dịch từ link thứ hai được đính kèm ở cuối bài đó bạn ^_^ Trong trang đó, người ta cũng dẫn link qua trang RAINN, nên mình đã làm tương tự, và nghĩ rằng họ đã kiểm rồi nên mới làm thế. Mình ẩu gì đâu á 😥
    Mình sẽ sửa phần đó lại, thay thế bằng thông tin được dịch thẳng từ RAINN luôn. 😀
    Một lần nữa, cảm ơn bạn nhiều lắm ❤

    Đã thích bởi 1 người

  6. Pingback: Bạn cần làm gì khi muốn quan hệ tình dục? | Những tâm hồn đẹp

  7. Pingback: Bạn cần làm gì khi muốn quan hệ tình dục? | Awmegwaa Kioku

  8. Chúng toi rất cảm ơn những bài viết trên trang Những tâm hồn đẹp, bổ sung thêm kiến thức cho chúng tôi trong công việc hien nay là “Hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái bị BLGĐ và mua bán trở về tại Nhà bình yên-TT Phụ nữ và Phát triển- HLHPNVN”.

    Thích

  9. Lạm dụng tình dục ở trẻ em, dù mức độ như thế nào, cũng sẽ để lại những hậu quả tệ hại. Nhưng không chỉ có phủ phạm có thể làm đau trẻ nhỏ, mà có khi, chính những người thân của trẻ, có thể vô tình làm đau vết thương ấy nhiều hơn nữa.

    Mình năm nay 19 tuổi, và lần đầu mình bị lạm dụng là vào năm 9 tuổi.

    Mình còn nhớ rõ buổi chiều hôm ấy, mình đi chơi cùng lũ bạn trong xóm, vì đi cả đám, ngõ lại nhỏ, nên chắn đường của một người đàn ông đang chay xe đạp ngang qua. Ông ấy có phàn nàn với tụi mình nên khi đó, mình còn nhớ rõ đã nhìn ông ấy và nói:”Tụi con xin lỗi.” Ông ta nhìn mình cười hì hì, rồi nói:”Không sao đâu con.” Rồi bất ngờ với tay véo lấy ngực mình.

    Lúc ấy, mình rất ngây thơ, không biết một chút gì về giới tính, cơ thể cũng chưa hề phát triển. Nhưng trong khoảnh khắc ấy, mình đã chết điếng. Tay chân mình lạnh ngắt. Và khi người đàn ông đạp xe đi rồi, trong đám bạn đằng sau mình còn nghe được tiếng tụi nó thì thầm với nhau “Ổng bóp dú nó kìa.”

    Có những lúc bạn bối rối, ngượng ngùng đến mức, mà cảm thấy hai má mình nóng ran và có thể nghe rõ tiếng tim đập thình thịch bên tai? Đó chính xác là những gì mình cảm thấy lúc đó. Mình bước thật nhanh, nhưng cố kìm nén ham muốn nhấc chân chạy, vì mình sợ quê, mình muốn tỏ ra thật bình tĩnh trước tụi bạn. Không một cái ngoái đầu, mình bước thẳng vào nhà với ý nghĩ rằng “Coi như là xong, tụi nó sẽ quên hết”. Thật ngây thơ làm sao, suy nghĩ của một đứa trẻ.

    Nếu chưa ai trải qua cảm giác đó, bạn sẽ không hiểu được, vì nó đau khổ vô cùng. Bất thình lình, bạn bị bắt ép phải tiếp cận với một điều bạn chưa hiểu, một điều khiến bạn sợ hãi mà bạn không thể giải thích được. Cái cảm giác đó, đáng sợ hơn các bạn có thể tưởng tượng được khi đọc những dòng này do mình viết ra.

    Mình đã bối rối đến mức nào khi ấy. Không biết nên nói may mắn hay xui xẻo, ba mẹ mình có việc phải đi khỏi nhà. Mình còn nhớ mình đứng ở bậc thềm gần cửa, tay chân vẫn lạnh lẽo vô cùng, nhìn ba dắt xe ra ngoài và mẹ đội khăn mũ. Mình không hiểu rõ tính chất của sự việc đã xảy ra, tất cả mình biết chỉ đơn giản mình cảm thấy “bất thường”. Thật sự rất đáng sợ, vì thậm chí khi ấy mình còn không biết việc bị bóp ngực liệu có phải là vấn đề, hay đó chỉ là một động tác “nựng” của người lớn với con nít. Và có lẽ đó mới là thứ dằn vặt và khiến mình đau khổ nhất.

    Mình đã rất lưỡng lự, cứ tự nói với bản thân “Nói hay không nói? Nói hay không nói?”. Cho đến khi bố mẹ mình đã gần ra khỏi cửa, mình mới kêu lên “Mẹ ơi”, giọng mình yếu ớt, khàn khàn mà đến lúc này, mình như vẫn có thể tự mình nghe thấy tiếng “Mẹ ơi” ấy bên tai. Đến giờ mình vẫn chưa biết tại sao lúc ấy mình DÁM nói, có lẽ vì sợ? Có lẽ vì biết rằng, khi bố mẹ đã bước ra khỏi cửa, mình sẽ không bao giờ có thể nói cho họ nghe nữa?

    Thậm chí khi mẹ dừng lại, bước đến bên mình chờ đợi, mình còn định không nói nữa, mình đã tính sẽ nói dối rằng:”Thôi không có gì đâu” như cách mình vẫn thường làm mỗi khi muốn “thú tội” mà không đủ can đảm.

    Mẹ vẫn ở bên hỏi mình muốn nói gì. Mình cứ ngập ngừng một lúc mãi rồi mới lấy hết dũng khí nói rằng:”Có một bác bóp ngực con.” GIọng mình khi ấy nhỏ đến mức như đang thì thầm. Mẹ không nghe thấy, và mình buộc phải nói to hơn.

    Mẹ im lặng…

    Rồi sau đó mẹ hỏi mình thêm một hai câu hỏi gì đó, nói một số điều nào đó với mình, nhưng mình không thể nhớ.

    Và các bạn biết cảm giác mình khi ấy như thế nào không? Mình cảm thấy nhẹ nhõm. Là một đứa trẻ, mình đã nghĩ rằng, chỉ cần nói cho người lớn nghe, thì mọi chuyện sẽ ổn thôi. Việc không còn chỉ mình mình phải mang theo “sức nặng” của điều gì đó trên vai, thật sự giống như là….được “cứu rỗi” một nửa vậy. Ít nhất là những gì mình đã cảm thấy.

    Khi trẻ con ngập ngừng tiếp cận với bạn, lưỡng lự muốn nói một điều gì đó, xin bạn đừng coi thường. Tất nhiên đó có thể là một việc gì đó rất ngốc nghếch, nhưng cũng có những lúc, đó là khi đứa trẻ ấy đã lấy hết can đảm trong mình để chia sẻ với bạn. Và nếu bỗng dưng đứa trẻ lại bảo rằng không có gì, thì xin bạn đừng nhún vai tảng lờ, vì có thể đó là giây phút nỗi sợ hãi đã chiến thắng quyết tâm nói ra ở trẻ. Hãy động viên, cho trẻ biết rằng bạn ở đó để sẵn sàng quan tâm, lắng nghe những gì trẻ muốn nói, hãy kiên nhẫn, vì điều đó sẽ tiếp thêm rất nhiều động lực ở trẻ con. Bạn có lẽ sẽ không biết rằng, đôi lúc sự lơ đễnh ở người lớn, có thể khiến trẻ em mất niềm tin ở họ đến mức nào.

    Và cách bạn ứng xử trong tình huống đó, mình có thể nói rằng: Tránh né hoặc vờ như không hề có chuyện gì xảy ra – đó không hề là một cách hay ho gì cả.

    Cuối cùng mẹ rời nhà đi cùng với ba.

    Mình còn quá nhỏ để đọc hiểu cảm xúc khi ấy, và chính mình cũng đang quá bối rối để có thể nhận thấy điều gì. Đến tận bây giờ, mình vẫn chưa hề biết cảm giác của mẹ khi ấy, bà đã nghĩ gì. Liệu mẹ có đau đớn, khổ sở? Nhưng sự việc hôm ấy, đã bị chôn rất sâu.

    Dù cố gắng như thế nào, mình cũng không thể nhớ được những gì xảy ra sau đấy khi bố mẹ về nhà. Liệu mẹ mình có kể cho bố nghe? Mình không nghĩ vậy. Nhưng có một điều mình chắc chắn, mẹ không bao gờ nói thêm một lời nào vời mình về việc xảy ra hôm đó ngoài những lời ngắn ngủi bà nói trước khi rời nhà.

    Mình trở về là một đứa trẻ hồn nhiên, tươi vui một thời gian rất dài sau đó, cất đi những ký ức kinh khủng ngày hôm ấy.

    Nhưng mình không hề quên.

    Bởi vì như các bạn đã thấy, 10 năm sau, mình vẫn có thể kể lại cho các bạn sự việc hôm đó, thậm chí nhớ đến từng chi tiết lặt vặt.

    Trong suốt thời gian sau, đôi lúc, bất thình lình, mình lại nhớ đến sự việc ngày hôm đó. Nhưng điều tồi tệ là, càng lớn, càng hiểu biết, ký ức ngày hôm ấy càng trở nên rõ ràng với mình. Khi mình hiểu được việc làm của người đàn ông bệnh hoạn đó kinh khủng đến mức nào, khi biết rằng mình đã trở thành nạn nhân trong vô số những ca lạm dụng tình dục trẻ em, thì các bạn biết không? Mình đã rất giận mẹ.

    Giận mẹ vì bà là người mình đã tìm đến để tìm kiếm một sự an ủi, nhưng bà đã bà ứng xử như chuyện mình trải qua là không có vấn đề gì cả. Mình giận bà vì đã tránh né, không đặt dấu chấm cho sự việc chiều hôm ấy, cái cách mẹ vờ như mọi chuyện vẫn ổn đã tạo thành một bóng ma đeo bám mình mãi.

    Mình đã nghĩ điều này trong đầu rất nhiều: dù không thể ở bên cạnh mình ngay sau đó, thì ít nhất, tối hôm ấy, bà cũng hãy nói với mình rằng:”Chuyện người đàn ông ấy đã làm với con là sai. Không ai được phép đụng vào người con khi con không cho phép. Con phải nhớ như vậy. Không sao nữa rồi, có gì thì cứ nói với bố mẹ.” Mình đã ước bao nhiêu mẹ đã làm thế, chứ không phải vờ như con gái mình chưa hề bị lạm dụng!

    Có lẽ nếu mẹ nói ra những lời đó, ít nhất mình cũng đã không day dứt, đau khổ đến vậy.

    Cái cách bà đã chọn, khiến mình cảm thấy như thể bà không quan tâm.

    Việc người nghe NHẬN THỨC được những gì nạn nhân phải trải qua, tốt hơn rất nhiều so với việc người nghe giả bộ như chưa từng có vấn đề gì. Quá khứ không thể thay đổi, đặc biệt nếu kẻ lạm dụng là một con người hoàn toàn xa lạ như trường hợp của mình, thì bạn sẽ gần như bất lực trong việc tìm ra cách xử lý vấn đề. Nhưng ít nhất, bạn còn có thể an ủi nạn nhân về mặt tinh thần.

    Những khi ký ức chiều hôm ấy tràn về, mình nhìn mẹ và muốn khơi lại vết sẹo cũ, muốn hỏi rằng liệu bà còn nhớ điều mình đã nói, mình muốn biết tại sao, bà lại vờ như chưa có chuyện gì xảy ra với mình. Nhưng mình không muốn mẹ đau khổ. Và nếu bà thậm chí không nhớ việc đó, thì mình sẽ càng đau khổ hơn.

    Mình đã suy nghĩ rất nhiều, bất kỳ khi nào mình chợt nhớ lại sự việc chiều hôm ấy, mình lại cố gắng lý giải mọi điều và cuối cùng khi lớn lên, mình đã đi đến kết luận rằng chắc mẹ cũng đã rất bối rối, và hẳn mẹ cũng phải đau lòng khi mình sợ sệt nói bà nghe rằng một người đàn ông đã lạm dụng tình dục con gái bà. Một người đàn ông vô danh mà bà không thể tìm đến để lật tẩy bộ mặt bệnh hoạn của hắn. Và có lẽ vì bối rối, bà đã chọn cách đóng kịch hẳn với hy vọng rằng mình cũng sẽ cảm thấy chưa có điều gì tồi tệ xảy ra. Nhưng cách bà ứng xử thật sai lầm. Đó có lẽ là sai lầm lớn nhất trong việc nuôi dạy con cái mà mẹ mình mắc phải. Tuy nhiên khi lớn hơn nữa, mình hiểu được rằng mẹ không hoàn hảo, nhưng mẹ đã cố làm hết mình vì con của bà. Và mình đã hoàn toàn có thể tha thứ cho mẹ, vì mình biết, việc làm của bà là xuất phát từ tình yêu thương.

    Sẽ không cách nào phủ nhận được, mình đã mang một nỗi giận dữ với mẹ mình một thời gian dài. Và hệ luỵ của ngày hôm ấy? Mình không thể sẻ chia với mẹ, hay bất kỳ ai những nỗi buồn và vấn đề mà mình vướng phải. Mình đã từng có những thôi thúc mãnh liệt dùng dao rạch vào lòng bàn tay của chính mình để giúp vơi đi nỗi đau tinh thần bằng nỗi đau thể xác. Làm đau bản thân? Đã từng. Tự sát? Đã trải qua. Điên rồ nhỉ? Nhưng bạn có thể hiểu rằng, nếu không thể trao gửi niềm tin vào một ai khác, thì bản thân sẽ cố tìm cách giải toả của riêng mình, dù cho việc ấy tiêu cực như thế nào. Và mình không muốn đứa trẻ nào phải trải qua những cảm giác cô độc ấy chỉ vì một bóng ma ở quá khứ.

    Vì vậy xin mọi người, khi đã đọc qua câu chuyện này của mình, đừng chọn cách tảng lờ đi vấn đề và vờ như mọi chuyện vẫn ổn, bạn không hề khiến cho đứa trẻ cảm thấy tốt hơn đâu. Hãy NHẬN THỨC sự việc, CHẤP NHẬN nó dù bạn cũng rất đau, nhưng hãy hiểu, nỗi đau của bạn có bằng với nỗi đau nạn nhân trải qua không? Tuỳ vào độ tuổi, hãy chọn cách giải thích và an ủi phù hợp với trẻ. Hãy cho chúng biết rằng không phải lỗi của chúng khiến chúng phải trải qua những việc như thế, chính hành động của những người lớn xấu xa kia mới là sai. Hãy cho trẻ biết rằng bạn quan tâm, yêu thương chúng nhiều như thế nào. Và dù có chuyện gì, nếu chúng sợ hãi, lo lắng một điều gì đó, thì chúng sẽ luôn có bạn ở bên để lắng nghe.

    Điều mình mong mẹ nói với mình ít hơn rất nhiều những gì mình khuyên ở các bạn, nhưng giá như bà đã làm được. Các bạn hãy hiểu rằng, những lời an ủi, một cái ôm hôn, có thể xoá tan đi rất nhiều đau khổ ở trẻ em, hơn rất nhiều sự đóng kịch và câm lặng đấy.

    Không biết bao nhiêu lần khi gõ những dòng này, mình đã muốn xoá đi tất cả. Mình chưa từng nói cho ai biết việc mình đã trải qua. Nhưng mình đã quyết tâm rất nhiều để chia sẻ câu chuyện của chính mình, để giúp mọi người hiểu rõ hơn về lạm dụng tình dục trẻ em và cách bạn nên ứng xử. Trẻ nhỏ có thể hồn nhiên, vô tư và chóng quên, nhưng có một số điều, bao nhiêu thơ ngây cũng không đủ vùi lấp đi đâu. Xin các bạn hãy nhớ điều đó.

    Đã thích bởi 2 người

    • Cảm ơn bạn. đã nói ra ký ức đau khổ của mình để cho người khác hiểu được suy nghĩ người trong cuộc!
      Mình nghĩ là bạn đã đau khổ rất nhiều vì nhận thức được chuyện đó, mình có thể cảm thông nhưng ắt hẳn không thể nhận thức được hết sự đau khổ ấy.
      Quá khứ qua đi rồi, mình nghĩ nếu được bạn hãy bỏ nó để bạn sống tốt hơn, nó chỉ làm bạn dằn vặt và làm phiền cuộc sống thực tại mà thôi! Bạn hãy tin tưởng rằng, luật Nhân-Quả luôn hiện hữu bất cứ nơi đâu và bất cứ thời gian nào!
      Mong bạn bình yên!

      Thích

    • Minh rất muốn chia buồn với bạn. Mình hiểu nỗi đau mà bạn phải trải qua vì mình cũng từng là 1 nạn nhân nhưng chuyện đó xảy ra khi mình còn bé hơn bạn lúc ấy nên mình không hiểu gì. Sau này khi lớn lên mình nhớ lại và hiểu ra chuyện gì đã xảy ra với bản thân. Lúc đó thì đã quá muộn để lên tiếng và mình đã chọn im lặng. Đến tận bây giờ ngoại trừ người bạn cùng phòng của mình ra không ai biết chuyện đó. Điều tồi tệ hơn cả là kẻ gây ra chuyện đó là 1 người họ hàng của mình và bây giờ mình vẫn gặp người đó mỗi khi gặp mặt họ hàng. Mỗi khi nhớ lại quá khứ mình cũng có cảm giác giống hệt như bạn nhưng chúng ta không thể thay đổi quá khứ nên mình mong bạn hãy mạnh mẽ và sống tiếp nhé. Vẫn cò nhiều điều hạnh phúc ở tương lai, bạn còn trẻ mà.

      Thích

  10. Tôi từng bị lạm dụng.
    Năm 8 tuổi,khi đang đi một mình,một người đàn ông bằng tuổi bố tôi,đã dùng bàn tay bẩn thỉu sờ vào ngực,vào vùng nhạy cảm của tôi. Tôi ko hiểu chuyện gfi xảy ra,nhưng tôi biết đó là một điều không đúng đắn, nên tôi đã bỏ chạy, Nhưng chỉ 1′ ngắn ngủi bị động chạm ấy đã làm tôi mất ngủ nhiều đêm,tôi kinh tởm kẻ đó,thậm chí thấy kinh tởm chính mình.
    Thời gian cứ thế trôi,cho đến một ngày tôi đã lớn, 16,17 tuổi,tôi bị cưỡng bức thực sự.
    Mọi ký ức ùa về với tôi cùng một lúc.

    Vậy mà,tôi vẫn giữ im lặng cho đến tận bây giờ. Tôi vẫn chịu đựng nó một mình mỗi ngày, đôi lúc là tự hành hạ bản thân………

    Thích

  11. Pingback: BẠO HÀNH TRẺ EM LÀ GÌ ? – Hàm Anh Trứ Hoa

Gửi phản hồi cho nhumotconmua98 Hủy trả lời