Don’t Panic: Câu chuyện về nỗi sợ [Kỳ 3 – kỳ cuối]

Don’t Panic: Câu chuyện về nỗi sợ [Kỳ 1]

Don’t Panic: Câu chuyện về nỗi sợ [Kỳ 2]

Tôi bắt đầu uống thuốc bác sĩ kê cho. Sertraline khiến tôi không ngủ được. Có nhiều hôm tôi thao thức cả đêm, sáng dậy như người mất hồn. Nhưng tôi vẫn tâm niệm “If you are going through hell, keep going” (câu nói của Winston Churchill). Tôi đi chậm, tiến triển chậm, nhưng chưa bao giờ tôi mất hy vọng. Thời điểm đó là chỉ còn 3 tháng nữa tôi sẽ phải bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Ban ngày tôi đến trường, vào phòng lab cặm cụi làm với các bạn; chiều tôi về nhà đọc sách – tất cả những đầu sách tôi đã mua để củng cố kiến thức và hiểu biết về chứng rối loạn tâm lý mà tôi đang trải qua. Tôi cố lê lết đi tập Yoga (vì thông thường những người mắc rối loạn tâm lý rất hay lảng tránh việc đi ra ngoài hay vận động). Ngày đầu tiên, tôi không tập nổi. Đám đông làm tôi sợ hãi. Ngày thứ hai, tôi bị cơn hoảng loạn tấn công khi đang tập một vài động tác rất nhẹ nhàng. Ngày thứ ba, tôi đã bắt đầu bắt nhịp được với mọi người ở đó. Ngày thứ tư, thứ năm, tôi đã quen dần. Tôi học cách điều khiển hơi thở và để suy nghĩ của mình trôi theo những động tác đó. Đầu mỗi buổi tập bao giờ cũng có một bài thiền ngắn khoảng 5 phút. Tôi cố tận dụng 5 phút đó để hoàn toàn thư giãn và thả trôi mọi cảm xúc, suy nghĩ của mình. Điều duy nhất tôi làm lúc đó là quan sát, không đánh giá, không nhận xét những suy nghĩ ấy là tốt hay xấu. Chỉ đơn giản là quan sát.

Tôi bắt đầu ra ngoài đường đi dạo một mình trở lại. Bỗng dưng tôi thấy cuộc sống có màu sắc hơn rồi.

Bảo vệ xong, nhóm của tôi được số điểm gần như tuyệt đối là 9.8/10. Tôi biết công sức của mình bỏ ra là không vô nghĩa. Sau đó, tôi bắt đầu đi xin việc. Tôi được nhận vào khá nhiều các công ty nước ngoài, chủ yếu về mảng IT và phần mềm. Trong lúc đó, tôi còn nhận được lời giới thiệu làm cho một công ty start-up ở Singapore, nhưng họ yêu cầu làm bài thi đầu vào (về thuật toán và cấu trúc dữ liệu). Họ cho tôi 24h để hoàn thành bài thi, tôi cố gắng làm và hoàn thành ở giờ thứ 12. Sau đó, tôi được nhận vào làm với mức lương là 750 đô la Mỹ (làm tại Việt Nam). Với một con bé sinh viên mới ra trường, với tôi như vậy là quá sức tưởng tượng.

Sau đó, công ty đề nghị tôi sang Sing 2 tuần để công tác. Tôi rất sợ, vì tôi chưa khỏi hẳn. Phải đi một mình đến một đất nước lạ, không người quen, không ai thân thích… Tôi bước lên máy bay mà vừa mừng vừa lo, mà thật ra là lo nhiều hơn. Ngồi trên máy bay, tôi lại bị hoảng loạn trở lại. Nhưng nhờ những kiến thức tôi đã đọc được trong sách (Ví dụ như tim người có thể đập được đến 240 nhịp/phút trong vài ngày mà không hề hấn gì), nên lúc tim đập nhanh trở lại, tôi không bị hoảng nữa. Cơn sợ hãi trôi qua, tôi tập thở ngay trên máy bay và học cách thư giãn.

Freedom of Alaska by Gleb Tarro

Freedom of Alaska by Gleb Tarro

Sang đến nơi, tôi gọi mãi nhưng chị chủ nhà không nhấc máy. Được một lúc, máy điện thoại bị hết pin, tôi không liên lạc được với bất kỳ ai nữa. Ngồi dưới địa điểm hẹn sẵn, cầm chiếc vali to đùng, tôi khóc. Tôi bỗng thấy mình cô đơn và mọi thứ mình làm hay con đường mình đi đều chỉ có một mình. Khóc được một lúc lâu, thì chị ấy chạy xuống xách vali lên cho tôi và xin lỗi nói là đã để tôi chờ. Tôi mừng quá, chạy theo chị lên phòng, tắm rửa và ăn tối. Cũng may là có thể vì trông tôi nhỏ bé nên ai cũng thương. Chị thi thoảng còn nấu cơm cho tôi, dọn nhà, giặt quần áo hộ tôi luôn. Tôi rất quý chị và thấy mình may mắn.

Trước khi sang đây công tác, tôi đã gửi hồ sơ apply học Thạc sĩ vào NUS (Trường Đại học Quốc gia Singapore), nhưng không nghĩ mình sẽ đỗ học bổng. Tôi đã không hy vọng nhiều. Chẳng hiểu sao khi chỉ còn 2 ngày nữa là về Việt Nam, tôi lại nhận được tin vui là hồ sơ của tôi đã lọt vào vòng trong và chuẩn bị phỏng vấn nữa là sẽ được học bổng. Thế nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi bắt buộc phải thôi việc ở công ty này. Nói chuyện với sếp thật khó khăn, vì chưa làm được bao lâu đã phải xin nghỉ. Sếp rất quý và tạo mọi điều kiện cho tôi để làm việc tốt. Đến cuối cùng, ông ấy chỉ nói một câu rằng: “Xin lỗi em vì tôi đã không giúp đỡ được nhiều. Hy vọng em tốt nghiệp xong có thể quay lại công ty làm cùng chúng tôi”. Tôi thấy cảm kích vô cùng, nửa vui mừng nhưng cũng nửa tiếc nuối. Cuộc đời là vậy, quyết định chính là mất mát.

Một thời gian sau khi tôi quay về Việt Nam, tôi lại khăn gói cùng H đi sang Singapore (may mắn thay, cả tôi và H đều đỗ NUS). Thế là lần này tôi có bạn đồng hành, không còn cô đơn như trước nữa. Thế nhưng bệnh tình của tôi thi thoảng vẫn quay trở lại. Có những đêm trước khi đi học, tôi cứ trằn trọc lo lắng mãi không ngủ được; rồi xa bố mẹ, xa nhà cũng khiến tôi bồn chồn hơn. Để chấm dứt tình trạng này, tôi quyết định đi gặp bác sĩ.

Trường tôi có một phòng khám dành cho sinh viên với giá rất rẻ. Tôi đến đó thì được tư vấn gặp Bác sĩ Koo So Meng – một trong những bác sĩ tâm thần/tâm lý hàng đầu của Singapore. Ông đã từng công tác ở Harvard Medical School (Đại học Y Harvard, Mỹ). Vì có bảo hiểm nên tôi không mất một xu nào khi đi tư vấn, chỉ có 3 buổi đầu là phải mất tiền vì lúc đó thủ tục bảo hiểm chưa làm xong (bình thường ông ấy tư vấn với giá 180$/giờ tại bệnh viện tư của mình là Mt. Alvernia). Bác sĩ hỏi tôi rất nhiều về gia đình và những thói quen của tôi. Nhờ vậy, tôi phát hiện ra bệnh của mình có yếu tố di truyền (Bà nội tôi cũng có biểu hiện của rối loạn lo âu, bố tôi thì cũng có biểu hiện của rối loạn ám ảnh cưỡng chế thể sạch sẽ). Ông ấy có kê cho tôi Proctin 20mg và Lorazepam phòng khi tôi có biểu hiện lo âu đến mất ngủ. Trong một tháng đầu, tác dụng phụ là quá tầm kiểm soát của tôi: Tôi bị tiêu chảy, đi ngoài liên tục. Sáng nào dậy tôi cũng nôn nao, tim đập nhanh, choáng váng và người rất mệt mỏi. Tôi còn hay bị giật mình và chân tay run rẩy. Tôi nói lại điều này với bác sĩ, ông ấy nói rằng rất xin lỗi vì tôi đã phải trải qua những triệu chứng đó, nhưng một mặt vẫn khuyên tôi nên kiên trì tiếp tục điều trị. Tôi có tra trên mạng thì những triệu chứng tôi gặp là phổ biến với những người uống SSRI. Ngoài ra, ông ấy còn nói tôi nên tiếp tục điều trị bằng liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) ở phòng tư vấn tâm lý (miễn phí) cho sinh viên tại NUS.

Nghe lời ông, tôi đăng ký một liệu trình trị liệu ở đó, và gặp một nhà trị liệu rất dễ thương. Chị ấy rất trẻ, có khi chỉ hơn tôi vài tuổi. Chị ấy rất dễ chịu, luôn lắng nghe và đặt câu hỏi ở một mức chừng mực, không bị dồn dập quá. Chị ấy dạy tôi tập thở, và chỉ cho tôi cách ghi nhật ký lại những lần tôi lên cơn hoảng loạn hoặc có những suy nghĩ lo âu. Sau đó, chị ấy nói với tôi kỹ càng hơn về liệu pháp nhận thức – hành vi, chỉ ra chỗ nào tôi có thể áp dụng được lên những phần nào tôi suy nghĩ bị sai (ví dụ như việc mỗi lần tôi chuẩn bị hoảng loạn là tim tôi đập nhanh – tôi liền nghĩ chắc chắn là mình sẽ bị đau tim; hay việc mỗi lần tôi thấy choáng váng, tôi liền suy diễn rằng chỉ vài phút nữa là tôi sẽ ngất). Chị ấy nói rằng tôi phải thay đổi vế “Nếu – Thì” trong tư duy của mình.

Freedom by Paulo Escudero

Freedom by Paulo Escudero

Được vài tháng, tôi đỡ hơn rất nhiều và không cần phải đến gặp chị ấy nữa. Thuốc cũng ngấm dần và cơ thể tôi bắt đầu làm quen với thuốc. Liều 20mg là liều thấp nhất và cũng tương đối an toàn nếu kiên trì dùng, mặc dù với một số người nó có thể làm thay đổi hormone trong cơ thể. Tôi được bác sĩ khuyến khích tập thể dục, tập chạy và tập đi vào chỗ đông người như một kiểu liệu pháp phơi nhiễm (Exposure therapy). Trước giờ tôi vẫn sợ chạy, vì chạy xong tim tôi đập nhanh và nó gần như mô phỏng việc tôi chuẩn bị lên cơn hoảng loạn vậy. Nhưng lần này tôi đã quyết tâm. Ban đầu tôi chỉ chạy được 1 phút, sau đó nâng lên 2 phút, rồi 3 phút, 5 phút… Mất gần 1 tháng để tôi làm quen, nhưng kết quả thì tuyệt vời. Những suy nghĩ đáng sợ, lạ lùng cũng dần biến mất, hoặc thi thoảng có xuất hiện trở lại nhưng tôi mặc kệ. Vì thật ra suy nghĩ cũng chỉ là suy nghĩ. Tâm trí tôi cũng có cách vận hành riêng của nó, người ta gọi đó là mental event (sự kiện tâm lý), không phải lúc nào mình cũng kiểm soát được. Suy nghĩ không phải là con người tôi, nó không đánh giá tôi là ai, quan trọng là tôi hành động thế nào. Thứ duy nhất mà con người ta có thể kiểm soát, đó là thái độ và hành động của bản thân.

Sau một thời gian, hiện tại tôi đã ngừng thuốc và thấy khá hơn rất nhiều. Những cơn hoảng sợ hay ý nghĩ lo âu ngày một thưa dần. Nếu có lúc nào đó tôi thấy mình như sắp hoảng loạn, tôi lại tự cười với mình và nghĩ “Nào, thử xem có vấn đề gì không”, và như một loại báo động giả, cơ thể tôi lại trở lại bình thường. Cứ như thế, tôi trở lại học tập và làm việc bình thường, bình tĩnh và sáng suốt hơn bao giờ hết. Sau đó tôi vẫn quay trở lại diễn đàn nomorepanic để giúp đỡ những người giống mình, chia sẻ kinh nghiệm và động viên mọi người ở đó. Tôi thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn rất nhiều trước đó.

Tác giả: Khánh Linh

Hiện tại, tác giả đang là sáng lập viên của tổ chức phi lợi nhuận Beautiful Mind VN – một tổ chức chuyên cung cấp các kiến thức về sức khỏe tâm lý và rối loạn tâm lý cùng dịch vụ tư vấn miễn phí cho người Việt Nam; là một nhà hoạt động xã hội cho những người bị rối loạn tâm lý tại Việt Nam – thành viên của tổ chức Mind.org.uk – một tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm lý tại Anh Quốc. Công việc chính của tác giả là nghiên cứu viên kiêm kỹ sư thuộc Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ của chính phủ Singapore (A*STAR). 

Một suy nghĩ 26 thoughts on “Don’t Panic: Câu chuyện về nỗi sợ [Kỳ 3 – kỳ cuối]

  1. Pingback: Don’t Panic: Câu chuyện về nỗi sợ [Kỳ 2] | Những tâm hồn đẹp

  2. Đọc hết 3 phần hồi kí của chị, em thực sự rất cảm động và khâm phục. Đúng là với người không bị bệnh, rất khó để hiểu tâm trạng của chị nhưng có lẽ vì em mắc chứng kiểu cứ nghe bệnh là bị tưởng tượng ra bệnh (đương nhiên là theo cách của em) nên chắc em hiểu phần nào :v
    Trải qua được quãng đường bao năm để vượt lên bệnh tật đã là một kì tích, em vẫn đọc blog của chị, thấy rất sâu lắng, có lẽ chỉ những người chịu nhiều tổn thương và qua nhiều trải nghiệm mới hiểu nên rất khâm phục chị. Mong chị luôn cố gắng tiếp tục duy trì dự án thế này nhé, em nghĩ không chỉ rất informative mà còn rất inspiring 😀
    Beautiful people will make a beautiful world 😀

    Thích

  3. Bạn thân mến,

    Nếu được bạn có thể tâm sự với tụi mình qua đây hoặc gửi vào email: counselling@beautifulmindvn.com nhé. Bọn mình luôn luôn ở đây để lắng nghe và giúp đỡ bạn trải qua khó khăn trong cuộc sống.

    Sẽ có những thời điểm bạn cảm giác không thể chịu được nữa, nhưng chỉ cần vượt qua được bạn sẽ mạnh mẽ lên rất nhiều và khi nhìn lại, sẽ thấy rằng mình đã nghị lực thế nào bạn nhé.

    Là một người mẹ thương con đến vậy, sao bạn không cho bản thân mình cũng như con gái bạn một cơ hội nữa…

    Mong tin bạn nhé,

    KLinh

    Đã thích bởi 1 người

  4. Cảm ơn chia sẻ của bạn. Mình có cô ng yêu hay cáu gắt cô ấy nói là bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế loại nhẹ. H mình cũng k biết phải giải quyết như thế nào, chỉ biết im lặng khi cô ấy cáu lên thôi.

    Thích

  5. Chào bạn,
    Cách đây khỏang 3 năm, mình cũng từng bị các triệu chứng của bệnh này nhưng lâu lâu mới bị, cho đến gần đây , những triệu chứng đó xuất hiện thường xuyên hơn, cứ cách 1 tuần là mình lại bị và mỗi lần bị, mình phải đi cấp cứu, truyền nước biển xong thì hết, mỗi lần lên cơn sợ, là tim mình đập nhanh 130 – 135 nhịp / phút, tay vã mồ hôi, cảm thấy khó thở, cảm giác như mình sắp chết, không kiểm soát được hành vi, và cứ lo sợ không biết khi nào mình lại bị nữa. Đến đầu thứ 2 tuần này, mình đi khám ở bệnh viện tâm thần ở đường Võ Văn Kiệt, bác sĩ đã chẩn đóan mình bệnh : Rối lọan hỏang sợ (kịch phát từng giai đọan) và cho uống thuốc, 2 tuần sau tái khám, bác sĩ nói bệnh này không thể hết liền, mà phải từ từ mới hết được.

    Mình rất mong được kết bạn với bạn và nhờ bạn chỉ gíup những cách có thể gíup mình vượt qua cơn hỏang sợ khi nó tái phát bất ngờ. Hy vọng nhận được hồi âm của bạn ^^

    Thích

  6. Mình không hiểu lắm về panic, nhưng m cũng một thời gian dài bị stress thì phải (m không gặp bác sĩ nên không biết có phải không), cảm giác ăn đồ gì cũng ghê ghê, hay nói chuyện với người khác trong tâm trí.. nhưng khi m chạy (mỗi ngày 5km mặc dù ăn uống cũng không đầy đủ lắm) thì m dừng được các suy nghĩ trong đầu, mỗi khi suy nghĩ nhiều m lại chạy hoặc bơi, hoặc có khi chỉ vô tình bắt buộc có việc phải đi bộ.. m nghĩ vận động cơ thể giúp tâm trí m..

    Thích

  7. Em thường hay lo âu quá mức, khó chịu, dễ mất sức. Nhiều khi cứ ngày này qua tháng khác em luôn cảm thấy cuộc đời mình thật tồi tệ, còn bản thân sống thật vô nghĩa, là gánh nặng của mọi người. Em còn xua đuổi những người yêu thương mình nhất. Em vẫn chưa biết được thật sự bệnh của mình là như thế nào. Đọc xong 3 bài của chị em cảm thấy có thêm chút động lực để vượt qua và tiến bước. Cảm ơn những chia sẻ của chị. :3

    Thích

  8. Xin cảm ơn sự chia sẻ của tác giả. Em cũng bị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và em bị từ khi em 15 tuổi, đến này đã 8 năm. Những chia sẻ của chị rất hữu ích với em nói riêng và những bạn đã và đang mắc những chứng bệnh tâm lý nói chung. Một lần nữa, em cảm ơn chị và xin chúc chị, chúc tổ chức Beautiful Mind VN ngày càng thành công.

    Thích

  9. Đọc bài của chị. Em thấy chị thật mạnh mẻ. Em năm nay 22t em củng đang mắc chứng rối loạn lo âu. Cụ thể là em rất sợ hiv. (và em biết những nổi sợ chỉ là nổi sợ mà thôi). Nhưng em củng phải nên điều trị phải ko chị. Vì lo âu củng khiến những sinh hoặt. Công việc của em bị ảnh hưỡng.

    Thích

  10. em cũng đang được chuẩn đoán là rối loạn hoảng sợ 6 tháng nay , em cũng đãng có những suy nghĩ đáng sợ như tự làm hại bản thân hoặc mọi người xung quanh , nhưng đấy cũng chỉ là suy nghĩ vì em biết nó không phải điều mà lương tâm và lý trí của em muốn , lúc đầu em nghĩ liệu mình có phải một kẻ tâm thần hay bị điên hay không , sau khi được một người bạn giới thiệu trang web này em đọc hết cả 3 kỳ bài về nỗi sợ của chị , nó giúp em nhận ra cũng có những người bị như mình , giúp em yên tâm và bớt sợ hãi hơn , yên tâm điều trị bệnh của mình hơn ❤ rất cảm ơn chị và những gì chị đã viết

    Thích

  11. ngồi đọc những dòng chia sẻ của chị. em cũng không biết bản thân mình đang bị như thế nào. Dạo gần đây luôn cảm giác nhộn nhạo, sợ việc ra không gian quá rộng mà không có gì để tập trung vào để làm hoặc nghe hoặc viết. Cũng có tình trạng lo sợ tim đập nhanh và như sắp ngất. Ngay cả việc điều khiển bản thân thoải mái hơn và để ngủ một cách dễ dàng thì không thể. gần như một ngày chỉ ngủ được khoảng 3 tiếng là cao. Mỗi khi căng thẳng lại có xu huớng tự làm đau bản thân mình thì mới cảm thấy thoải mái hơn. Muốn san sẻ hơn nhưng lại sợ những câu người khác nói lại ảnh hưởng tới việc điểu tiết suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Bản thân dạo này không thể tập trung cụ thể vào một việc gì cả,… làm mọi thứ giữa chừng rồi quay sang làm những việc khác và lại bỏ dở.

    Thích

  12. Khi mình lên cơn hoảng loạn mình cảm thấy rất mất phương hướng và rã rời chân tay, tim mình đập không theo nhịp và trong người cảm thấy sợ hãi mọi thứ xung quanh, thấy thời gian lúc ấy bế tắc vô cùng! Đó chỉ là những lúc nhẹ và bình thường. Mình cũng bị ocd, khi trong đầu mình nghĩ đến cái ý nghĩ gì mới lạ là mình bắt buộc phải ghi ra, kể cả đang lái xe….nó ảnh hưởng đến học tập và sự tập trung của mình kinh khủng. Do vì là nhà không điều kiện mình không tâm sự với ai cả, mà mình đã tự cố nỗ lực 200%, bạn bè xung quanh mình thấy như hư vô và bỏ ở đó! Mình tự biết bản thân mình và không cầu ai tin tưởng. Từ cấp ba, thành tích cũng được nhưng đã sụt giảm trầm trọng! Mình như bị ai đó kìm chân, chán nản vô vọng tột độ! Người ta nói mình thay đổi….nhưng họ đâu hiểu, nhưng mình vẫn chấp nhận. Trong gia đình mình cũng có người mắc bệnh tâm thần, ba mình thì là người hay lo lắng và nghiêm nghị. Mình đã từng nghĩ trước khi ba ra đi, mình sẽ không tự tử. Mình cũng từng có quãng thời gian theo mình là buồn nhất trong cuộc đời….nhưng mà mình biết, mình không trách ai cả….Con đường mình đến đâu thì đến. Không ai bao dung mình nhưng mình thì vẫn sẽ bao dung người khác! Cảm ơn đã cho mình chia sẻ! Bạn đã rất may mắn và nên nhớ hãy giữ vững phong độ bạn thấy thoải mái nhất bạn à.

    Thích

  13. e là con trai lớn trong nhà năm nay 22 tuổi luc trước thì rat manh mẽ và hoạt bát hk hỉu s tự nhiên mắt phải căn bệnh rới loạn lo au này càng ngày càng mặc cảm xem mh là gánh nặng của gia đình ko dám ns ra bệnh của mình vs 1 ai từ khi đọc bài viết này e cảm thấy mình như được uống liều thuốc tinh thần e cảm ơn chị linh rat nhieu chuc chi koa nhieu thanh cong va suc khoe va cho e hoi hien h chi dang dung thuoc j và dùng như thế nào ak

    Thích

  14. Những chia sẻ đã làm tỉnh thức suy nghĩ của tôi về rối loạn thần kinh thực vật. Cuộc đời còn rất nhiều thứ tuyệt vời phải không chị Khánh Linh và mọi nỗ lực và không ngừng cố gắng của chúng ta bao giờ cũng cho quả ngọt.

    Thích

Bình luận về bài viết này