Danh dự gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, và thường chúng ta – đặc biệt là ở xã hội Việt Nam (mang nặng văn hóa Á châu), rất coi trọng giá trị gia đình. Người lớn luôn luôn đúng, và cãi lại, nói lại – cho dù có lý đến mấy, cũng sẽ bị coi là hỗn. Chính vì thói quen ứng xử như vậy, mà trẻ con trong những gia đình đó thường đánh mất khả năng bộc lộ ý kiến hoặc trở nên quá “dĩ hòa vi quý” trong rất nhiều trường hợp không cần thiết. Thế nhưng mọi thứ không chỉ dừng lại ở việc nghe lời hay không nghe lời. Nhiều trường hợp phụ huynh có xu hướng thà làm tổn thương con mình còn hơn là chịu xấu mặt với người ngoài.
 
Điển hình là câu chuyện của một người bạn tôi. Chị gái ruột của cô ấy đi lấy chồng xa, và bị chồng bạo hành, đánh đập. Mỗi khi bạn tôi lên tiếng bảo vệ chị gái là bố mẹ – thậm chí cô dì chú bác, đều xúm vào phản đối, và nói rằng “Dù sao thì cũng là anh rể mày, cũng là người lớn, hơn tuổi, nói gì thì cũng nhịn đi”. Chị ấy không dám ly dị chồng vì sợ làm mất mặt gia đình, mất danh dự của bố mẹ. Rằng ai lại chấp nhận con gái bỏ chồng, bố mẹ nuôi dạy kiểu gì lại thành ra như vậy cơ chứ. Một câu chuyện khác, với người cha vì quá coi trọng danh dự gia đình mà luôn nhận phần thiệt về mình, thậm chí là con mình. Ông ấy không bao giờ bảo vệ con, và thà để con cái chịu khổ còn hơn là mất lòng người khác. Hay đơn giản chỉ là việc đưa ra ý kiến khi con cái thấy cô/dì/chú/bác trong nhà có những hành vi không đúng, nhưng bố mẹ lại ngăn không cho con mình thể hiện ý kiến trước mặt vì như vậy sẽ bị coi là hỗn hào.
Ảnh: Hazet

Ảnh: Hazet

 
Ngay cả chuyện cưới hỏi của con cái, có những gia đình đến thời điểm này vẫn còn tin vào sự sắp đặt, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong hôn nhân. Tôi có một cậu bạn bằng tuổi, rất thông minh và tốt tính, thế nhưng chỉ vì trót từ chối việc cưới xin với con gái của bạn thân bố mẹ, vậy mà cậu ấy bị coi là hỗn láo, không ra gì, ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân. Dĩ nhiên gia đình bên kia cũng không hài lòng vì họ đã “nhắm” cô con gái rượu cho cậu bạn tôi, tuy nhiên gia đình cậu ấy còn phản đối gay gắt hơn, thậm chí dọa từ mặt nếu không đồng ý cưới.
 
Trong bộ anime/manga nổi tiếng mang tên Tokyo Ghoul, Rize đã “nói” với Kaneki rằng: “Có những thời điểm mà cậu phải hy sinh một thứ để bảo vệ thứ còn lại. Mẹ cậu đã không thể làm vậy. Đó không phải là sự tốt bụng. Đó chỉ là sự yếu đuối mà thôi” (There are times when you have to give up on one thing to preserve the other. Your mother couldn’t. That isn’t kindness. That’s just being weak). Dĩ nhiên, với tôi, yếu đuối không sai cũng không đúng. Nhưng nếu chỉ vì làm vừa lòng người ngoài, chạy theo người khác mà bỏ rơi thậm chí làm khổ con mình, thì đó là điều rất rất không nên.
 
Những chuyện như trên, chưa bao giờ là hiếm. Nó thậm chí còn xảy ra hàng ngày, hàng giờ ở ngay những nơi chúng ta đang sống, ở những nơi phồn hoa đô thị, chứ không chỉ hẳn là ở những vùng quê hay tỉnh thành lân cận. Ở những nước kém phát triển hơn nữa, ví dụ như các nước Trung Đông, hay Ấn Độ – rất nhiều các cô gái trẻ đã bị gia đình sát hại vì danh dự (hay còn gọi là honour killing). Nguyên nhân có rất nhiều, từ việc bị hiếp dâm, bị sàm sỡ cho đến việc từ chối kết hôn dưới sự sắp đặt sẵn (hay thậm chí chỉ là đi thăm họ hàng mà không hỏi ý kiến chồng hay anh trai).
 
Thế nhưng khoan bàn về những vấn đề trên, chúng ta hãy nhìn vào thực trạng gia đình tại xã hội Việt Nam nói riêng và một số nước châu Á nói chung – những áp lực phải thành đạt, phải lấy vợ/chồng để bố mẹ nở mày nở mặt, thậm chí phải chịu khổ, hy sinh hạnh phúc cá nhân để có được cái gọi là “danh dự gia đình” vẫn không có chiều hướng thuyên giảm. Kết quả là có rất nhiều cuộc hôn nhân bất hạnh trốn sau vỏ bọc gia đình hoàn hảo, hoặc nhiều bạn trẻ không được bày tỏ ý kiến sinh ra ức chế và trầm uất. Những đức tính “cả nể”, “cam chịu” không phải lúc nào cũng đúng, cũng tốt. Đôi khi, cha mẹ và con cái cần đứng về một phía và hiểu được rằng hạnh phúc của người kia cũng chính là hạnh phúc của mình (vì không chỉ có bố mẹ làm khổ con cái, nhiều trường hợp mẹ đơn thân nuôi con lớn, muốn đi bước nữa nhưng con cái phản đối và cho rằng “già rồi sao phải làm mấy thứ cưới xin xấu hổ như vậy”). Danh dự gia đình không phải là thứ mài ra ăn được, mà điều quan trọng hơn vẫn là hạnh phúc của các thành viên trong gia đình, sự hài lòng và khỏe mạnh, thoải mái về mặt tâm lý. Vì chỉ một gia đình khỏe mạnh, yêu thương và ít mâu thuẫn mới làm nên một xã hội bền vững.
 
Tác giả: KLinh

Một suy nghĩ 5 thoughts on “Danh dự gia đình

  1. Pingback: Danh dự gia đình | Vườn táo nhỏ

Bình luận về bài viết này