Nhật ký rối loạn lo âu (I)

 

Screen Shot 2017-08-20 at 12.25.37

Chào nhật ký,

Đã hơn 2 tuần kể từ ngày mình tăng liều và thêm thuốc mới. Mình tạm lánh khỏi những nguồn cơn tiêu cực và tránh đọc những thứ dễ gây trigger cho bản thân mình, không vào Facebook nữa. Đợt vừa rồi mình có cãi nhau với một người bạn, và người đó nói với mình rằng mình là một người “thần kinh không bình thường”. Phải rồi, vì mình bị rối loạn tâm lý mà.

Mình vẫn cố gắng đi làm. Tác dụng phụ của thuốc làm mình ngủ không ngon, hay mơ và khó dậy hơn. Mỗi sáng việc thức dậy và bước ra khỏi nhà đối với mình là một việc hết sức khó khăn. Mình cảm thấy lúc nào cũng đang như đi trên dây vậy. Cảm giác có thể bị rơi   xuống, đổ sập bất cứ lúc nào, nên mình rất vội vã, kiểu như mình cứ sợ hãi một điều gì đó không thành lời, không có thực. Dù cảm thấy vội vã như vậy nhưng mọi việc mình làm đều chậm chạp dần đi. Mọi âm thanh nếu với người khác là bình thường thì với mình chúng rất ầm ĩ và khó chịu. Mình buộc phải đi làm, vì nếu không sẽ không có tiền để điều trị.

Mình lên chỗ làm, chào mọi người và ngồi vào bàn làm việc. Mình sợ cảm giác phải mở email ra. Có quá nhiều thứ phải để tâm và hoàn thành. Mình sợ mình sẽ lo lắng đến phát điên, dù mình biết tất cả những người mắc rối loạn lo âu đều có cảm giác như vậy, và họ đều ổn, chỉ là quá lo lắng mà thôi. Ăn sáng xong, mình cảm thấy tim mình đập nhanh dần lên, cảm giác khó chịu trong dạ dày tăng. Các cơ trong cơ thể mình căng cứng, vai mình nhướn lên, lông mày nhíu lại. Chỉ trong vòng nửa tiếng, mình lại bị cơn panic attack đầu tiên trong ngày. Mình bắt đầu toát mồ hôi, thở gấp. Cảm giác sợ hãi tăng vọt. Adrenaline trong cơ thể mình đang tiết ra không ngừng, và mình có thể cảm thấy từng đợt sóng lo âu hiển hiện trong dạ dày, trong lồng ngực. Dĩ nhiên, như mọi khi, mình hít thở sâu, thả lỏng cơ thể và tự trấn an mình rằng mình ổn, mình an toàn, và cơn hoảng loạn trôi qua sau 10 phút.

Đó mới chỉ là cơn đầu tiên trong ngày.

Mình đi ra nhà ăn để ăn trưa, quá đông người và quá ồn ào. Mình ăn nhưng không thể hoàn thành hết đĩa cơm vì cổ họng mình như có cái gì đó nghèn nghẹn. Trống ngực lại xuất hiện, và mình muốn thoát ra khỏi đây. Đông người quá. Khó chịu quá. Mình bỏ nửa đĩa cơm, và vội vã đi xuống thang cuốn và quay lại chỗ làm để lấy chút yên tĩnh. Ngồi được một chút, mình lại có cảm giác muốn vào nhà vệ sinh. Mình cứ như vậy vài lần chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, không thể nghỉ ngơi hoàn toàn.

Chiều, mình có cuộc hợp với sếp lúc 3 giờ. Mình phải chuẩn bị mọi thứ xong xuôi để báo cáo, và giải thích nếu cần. Mình không thể nói với sếp về tình trạng bệnh của mình được, nhỡ đâu bà ấy sẽ đuổi việc mình, nhỡ đâu bà ấy sẽ kỳ thị mình. Nhưng mình vẫn phải hoàn thành công việc tốt như những đồng nghiệp bình thường khác, nếu không sẽ bị phê bình. Mình nên nói gì trước đây? Hồi hộp quá. Tim mình lại đập nhanh trở lại, mình tự đặt tay lên lồng ngực và thở dài, “Tim ơi, mày lại bắt đầu nhạy cảm rồi. Không sao đâu, tao không bị nguy hiểm gì cả, tao an toàn. Rồi mọi thứ sẽ ổn và sẽ qua thôi.” Dù rất khó chịu, nhưng mình bắt đầu học cách thả lỏng và chấp nhận mình có một cơ thể và tâm trí nhạy cảm.

Mình bắt đầu chấp nhận và cho phép tim mình đập thật nhanh và mạnh.

Mình chấp nhận và cho phép đôi chân mình bị run khi cơn hoảng loạn ập tới.

Mình chấp nhận và cho phép bàn tay mình toát mồ hôi lạnh.

Mình cho phép dạ dày mình cảm thấy bồn chồn và khó chịu.

Mình cho phép những cảm xúc lo âu đang dâng lên trong đầu mình.

20046476_10154659816591720_5143232801265461494_n

Nguồn: Pinterest

Và mình chấp nhận và cho phép bản thân mình đang mệt mỏi. Mình sẽ không chống lại những cơn hoảng loạn, không chạy trốn. Mình sẽ chỉ nghỉ ngơi, cố gắng tìm nguồn cơn vui vẻ và lạc quan. Mình thầm cảm ơn não bộ rằng chúng đang cố bảo vệ mình khỏi những hiểm nguy khác, và mình an toàn.

Mình dần nhận ra, chỉ khi nào mình ngưng giằng co với chính bản thân mình, ngưng chống lại những cảm giác khó chịu mà thay vào đó chấp nhận và hiểu rằng mình sẽ không sao, lúc đó mình mới thật sự hồi phục. Lo âu (anxiety) không phải là kẻ thù, mà nó là một người bảo hộ chúng ta khỏi những nguy hiểm. Chúng tồn tại từ khi tổ tiên chúng ta còn phải săn bắn hái lượm và sống ở những nơi hoang dã.

Giằng co và chạy trốn khỏi chính bản thân mình sẽ là một cuộc chiến mà ta thua ngay từ đầu, vì chúng chính là một phần cơ thể, một phần của cơ chế tự bảo vệ này.

Mình sẽ vẫn duy trì nếp sống như thế, cố gắng ngủ đủ, ăn đủ. Mình sẽ đi bơi, đi bộ nhiều hơn và tập thở những lúc nào mình rảnh rỗi. Dù những cơn hoảng loạn, những suy nghĩ ám ảnh, lo âu chẳng thoải mái chút nào, nhưng rồi chúng cũng sẽ qua. Mình sẽ xem phim bộ trở lại, chơi điện tử, tập một nhạc cụ gì đó. Mình sẽ không để sự lo âu, hoảng loạn ảnh hưởng và giam cầm mình. Ngược lại, mình sẽ là người nắm đằng chuôi. Lo âu ngăn cản mình làm điều gì, mình sẽ làm điều đó, lo âu nói với mình phải trốn trong nhà, mình sẽ đi ra ngoài.

Dù rất khó, nhưng mình sẽ làm được, phải không nhật ký?

20.8.17

Ảnh và bài: KLinh

 

Một suy nghĩ 10 thoughts on “Nhật ký rối loạn lo âu (I)

  1. Mình hiện tai cũng đang đấu tranh với nó Cũng 4 năm rồi . Chưa sử dụng thuốc; cũng sử dụng tâm lý trị liệu . Mà cũng chưa hết . Trải qua bao nhiêu lần cơ thể bị hành hạ và hoảng loạn. Keep fighting ^^

    Thích

  2. Chào bạn,
    Ông xã mình cũng đang gặp chứng bệnh này, mình đã đưa chồng mình đi khám bác sỹ đông y và đang uống thuốc. Nhưng mà mình cũng rối bời, vì ông lúc nào cũng hoảng loạng và bất an.
    Mình đang tìm sách về bệnh này để đọc nhằm mong giúp chồng mình giải toả được phần nào nhưng sách thì không có nhiều.
    Bạn giờ ổn chưa? Bạn có thể chia sẽ kinh nghiệm giùm mình được không?

    Mình cảm ơn,

    Thích

  3. Tớ củng vậy, sự quá nhạy cảm làm mình mệt mỏi nhưng…rồi sẻ ổn, mình củng có nhật ký lo âu ghi chép những suy nghĩ tiêu cực của mình, và bạn nói đúng, những người bị rối loạn lo âu ai củng có những “rào cản” như vậy.
    01626478245. Kb với mình và cùng nhau sẻ những bí quyết để thắng “nó” nha

    Thích

  4. Hi mọi người,

    Thật may mắn là ông chồng mình đã gặp người cung cảnh ngộ và chỉ cho chồng mình đến thăm khám bác sỹ Ngô Tích Linh. Bây giờ ông chồng mình đã phục hồi gần như hoàn toàn.
    Đây là địa chỉ phòng khám của bác sỹ Linh: 60/13 Nguyễn Trãi, phường 03, tp hcm.
    Mọi người có thể tra google để biết đường đi.
    Mình mong là thông tin này có thể giúp dc nhiều người cùng cảnh ngộ.
    Mình hi vọng mọi người sẽ chiến thắng bệnh này.

    Thích

  5. Những bài viết trong này rất hay, mình bị rối loạn lo âu cùng OCD cũng cỡ 2 năm nhưng gần đây cỡ đầu năm nay thì mới nặng hơn mình cảm thấy rất mệt mỏi đặc biệt là vào giấc trưa. Trong đầu với 1 đống suy nghĩ tiêu cực, lo lắng, sợ hãi mình cũng sợ virus nhưng khác 1 chỗ mình không sợ virus gây bệnh trên người mà mình sợ virus trên máy tính, dt thông minh, mạng… sợ nó hoạt động không đúng sợ nó hư sợ bị thu thập thông tin mật khẩu… Dù mình biết hư thì sửa hoặc cài lại hay mua cái mới… rất nhiều cách nhưng mình vẫn không cách nào dứt khỏi cảm giác lo lắng và nghĩ đến nó đặt biết là cái smartphone giờ mình dẹp nó luôn rồi chuyển sang xài cục gạch nhưng đôi lúc thấy người khác sử dụng vẫn có cảm giác lo lo khó tả dù mình biết đó là do mình đang bị rối loạn lo âu dẫn đến như vậy. Mình kiểm tra mọi thứ khá nhiều lần đặc biệt là mấy thứ có kết nối mạng và cũng tránh đọc mấy tin tức có liên quan… Hiện tại mình đang uống Kim Thần Khang dc khoảng gần 2 tháng chưa biết ra sao nữa đang rất hoang mang mấy bạn ạ… Hiện tại mình cũng bỏ Fb và cũng ít vào mail lắm luôn mà cũng chả biết mail và fb của mình còn vào được không mình cũng chả buồn để tâm… CHÁN tất cả :((

    Thích

Bình luận về bài viết này