FAQ – Câu hỏi thường gặp

1. Beautiful Mind Vietnam là gì?

Chúng tôi là một nhóm phi lợi nhuận, phi chính trị, tập trung vào công tác cung cấp kiến thức về sức khỏe tâm lý cho người Việt Nam. Những kiến thức ấy gồm có kiến thức về tâm lý học lâm sàng (clinical psychology), sức khỏe tâm lý (mental health) và các rối loạn về tâm thần (mental disorder). Chúng tôi chia sẻ, hỗ trợ cho những bạn có vướng mắc về vấn đề này.

2. Đội ngũ của Beautiful Mind Vietnam tư vấn như thế nào?

Với những trường hợp gởi câu hỏi nhờ tư vấn, chúng tôi đóng vai trò là người sẻ chia ban đầu, không phải các tư vấn viên chuyên nghiệp hoặc bác sĩ chuyên ngành. Chúng tôi luôn khuyến khích các bạn liên hệ với những tổ chức có uy tín, chuyên môn cao. Có thể nói, Beautiful Mind Vietnam cung cấp sơ cứu tâm lý (psychological first aid).

3. Sơ cứu tâm lý là gì? Có đảm bảo an toàn không?

Lĩnh vực sơ cứu tâm lý được phát triển bởi Trung tâm Rối loạn Căng thẳng Hậu Chấn thương Tâm lý Quốc gia tại Hoa Kỳ (National Center for Post Traumatic Stress Disorder), và hiện đã được áp dụng tại Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ, Đội Phản ứng Nhanh (Community Emergency Response Team), Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (American Psychological Association), cũng như nhiều tổ chức khác.

Để hình dung rõ hơn, bạn có thể liên tưởng đến những trường hợp bị rắn độc cắn. Trường hợp này chắc chắn phải được đưa đến bệnh viện, có bác sĩ, công cụ, huyết thanh phù hợp. Tuy nhiên nếu ngay sau khi bị rắn cắn, nạn nhân được sơ cứu kịp thời bằng những biện pháp rất đơn giản (buộc băng gạc, sát trùng, v.v…) thì cơ hội sống sót sẽ cao hơn nhiều. Sức khỏe tâm lý cũng tương tự như vậy.

Tuy mảng chính của sơ cứu tâm lý là để áp dụng sau các thảm họa (tự nhiên và nhân tạo), khi mọi người vừa trải qua chấn thương tâm lý, nhưng hiện ở Việt Nam có rất nhiều người không biết tìm đến ai lúc gặp vấn đề tâm lý. Beautiful Mind Vietnam có thể là bước đầu tiên dẫn các bạn đến đúng địa chỉ cần tìm.

4. Đội ngũ của Beautiful Mind Vietnam có đủ kiến thức để chia sẻ không?

Những thành viên phụ trách chính mảng chia sẻ trong nhóm đều đã học qua các khóa tâm lý. Có người học chuyên ngành Tâm lý học và các chuyên ngành liên quan mật thiết. Vui lòng xem thêm tại đây.

Quy trình chia sẻ cũng được tiến hành dưới hình thức peer review, được xem lại và thảo luận cẩn thận trước khi trả lời.

5. Các thông tin do Beautiful Mind Vietnam chia sẻ có đúng không?

Chúng tôi luôn cung cấp kiến thức từ các nguồn uy tín, minh bạch. Chúng tôi có thể dẫn cụ thể tên nguồn và cung cấp link website trên mạng (nếu có).

6. Tại sao các bạn không nhận tư vấn trực tiếp qua Facebook Page Message? Chẳng phải tính tương tác sẽ cao hơn sao?

Có hai lí do chúng tôi không nhận tư vấn trực tiếp như thế. Thứ nhất để tránh việc bỏ sót câu hỏi. Số lượng câu hỏi gởi về Beautiful Mind Vietnam rất nhiều mà số admin quản lý page không thể đáp ứng việc trả lời. Những câu hỏi gởi qua website được quản lý, thông báo, update thường xuyên, hạn chế tối đa việc bỏ sót thông tin. Lí do thứ hai là để đảm bảo quy trình peer review. Câu hỏi gởi qua page sẽ được cả nhóm xem xét qua trước khi trả lời.

7. Làm sao để ủng hộ Beautiful Mind Vietnam?

Bạn có thể ủng hộ chúng tôi bằng những hình thức sau:

  • Tôn trọng, thông cảm với người khác, tránh việc lên án, phán xét, kỳ thị
  • Lên tiếng khi có người bị kỳ thị, xâm phạm. Tích cực hỗ trợ những trường hợp có thể có vấn đề về tâm lý, tâm thần, v.v…
  • Dịch các bài về tâm lý từ các nguồn uy tín và gởi về cho chúng tôi. Bản quyền bản dịch hoàn toàn thuộc về bạn. Beautiful Mind Vietnam chỉ đăng lên (một hoặc nhiều lần) trên các trang thuộc sở hữu của nhóm, hoàn toàn miễn phí đối với người đọc. Trong trường hợp mong muốn được in bản dịch của bạn, chúng tôi sẽ liên hệ tác giả và người dịch với quy trình rõ ràng, minh bạch, hợp pháp.
  • Ủng hộ tài chính qua Paypal: nklinh91@gmail.com

8. Lưu ý: Đây chỉ là kênh thông tin mang tính chất tham khảo. Mặc dù chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để những kiến thức về lĩnh vực này luôn đạt tới độ chính xác nhất định và được cập nhật thường xuyên, tuy nhiên người đọc vẫn nên tìm đến các phòng khám, trung tâm có chuyên môn cao để được tư vấn và điều trị.

Nếu có câu hỏi khác về Beautiful Mind VN, mong bạn gởi email về editor@beautifulmindvn.com hoặc comment dưới bài viết này.

 

Một suy nghĩ 4 thoughts on “FAQ – Câu hỏi thường gặp

  1. Mình bị mắc rối loạn hoảng sợ 1 năm nay (do mình tự chuẩn đoán chứ đi khám bác sĩ không nói gì mà chỉ cho thuốc uống) mình đã phải vào khoa cấp cứu rất nhiều lần và cũng đã đi khám khoa tim mạch, khoa não và khám tổng quát. Tất cả đều nói bình thường, các cơn hoảng sợ hầu như ngày nào cũng có. Ngày nào, và đa số là lúc nào mình cũng cảm giác sắp chết, lo lắng khi nào sẽ chết và tình trạng này sẽ kéo dài đến bao lâu đây? Hàng loạt câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu mình. Mình hoảng loạn, người hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở, đôi khi thở dốc, và choáng váng, có lúc lại cảm giác như tim không đập nữa,chỉ muốn ngất ngay tại chỗ. Và vì là lao động bên nước ngoài lên đi khám cũng không hiểu hết tiếng của họ lên cũng không thể nói rõ tình trạng của mình ra được. Bác sĩ họ kê đơn cho mình thuốc alpraline 0.5mg và propranolol 10mg ngày uống 2 lần (2 loại thuốc này đều gây nghiện và phụ thuộc thuốc) mình có lên tiếp tục uống chúng hay lên đổi loại thuốc khác ?. Bác sĩ cho mình uống thuốc Đã vài tháng nay rồi nhưng cũng không khuyên mình lên làm những gì ngoài uống thuốc cả. Mình uống thuốc thì các triệu chứng có phần giảm nhẹ. nhưng hàng ngày vẫn bị. Vì làm việc bên nước ngoài không có người thân bạn bè, không ai chia sẻ mình lại càng hoang mang lo sợ, và lại làm việc với công việc vất vả lên mình càng sợ chết. Mình cảm thấy rất bế tắc vì căn bệnh này không biết phải vượt qua nó như thế nào và ý nghĩ chết chóc ngày nào cũng hiện diện trong đầu mình, đến cả khi ngủ mình cũng chỉ nằm mơ đến cái chết. Mình phải làm sao đây? Xin hãy giúp mình !!!!!

    Thích

    • Tôi hy vọng bạn đã vượt qua, nếu vân con tình trạng đó tôi có thể giúp bạn vượt qua, bạn có thể kết nối với tôi qua FB, trong khuôn khổ thời gian tôi cố gắng. Tại sao đi khám bác sĩ không nói gì mà chỉ cho thuốc uống? Có thể biết tại sao, nhưng có thể không biết tại sao nên BS không nói.

      Đã thích bởi 1 người

  2. Mạn phép cho hỏi: Một người bình thường sau vài tháng không gặp đột nhiên trở nên ít nói, ít cười, khuôn mặt lúc nào cũng bơ phờ, lạnh nhạt như không có sự sống, cái này được coi là trầm cảm. Nhưng trầm cảm thì thường có suy nghĩ tiêu cực và nghĩ đến cái chết, người này tuy có nhưng không hề muốn chết, luôn có suy nghĩ tích cực không quá hoàn hảo, vậy là thế nào? Đã thế, nó còn tâm tình bất thường, hỉ nộ ái ố đều lộn xộn, hay có suy nghĩ tiêu cực về xã hội. Ít tham gia các họat động, ghét đám đông, khi nhìn thấy đám đông đang xung quanh hay tập trung vào mình thì khóc. Sợ tiếp xúc với người khác, nhưng đối với người thân hay bạn bè thì trái lại hẳn. Khi có người tiếp xúc với mình thì không dám nhìn thẳng vào mắt, thường né tránh như sợ sệt. Khi nói chuyện với người khác, nói sai ý mà họ mong muốn sẽ cảm thấy họ như đang khinh mình, cười nhạo mình. Là mẫu người hay khóc. Người nào nhìn nó mà chỉ liếc mắt qua rồi thì thầm với ai đó thì cho là nói xấu mình. Không những thế, nó có lúc kiềm chế cảm xúc rất tốt, nhưng đôi khi lại lộ sơ hở. Không dám đi tư vấn tâm lí, sống khép kín. Có lúc bị người khác mắng hay đánh(không có người thân, đánh trêu trong phạm vi) thì sẽ mất khống chế. Tuy không đả động gây thương tích, nhưng lại có suy nghĩ điên rồ muốn giết người đó, đôi khi lại biết tĩnh tâm theo cách đánh người trong ảo tưởng. Tự ti với bản thân, ghen ghét những người được yêu mến, học hơn mình kể cả bạn thân. Nhưng sau vài ngày, những suy nghĩ đó lại mất hẳn, không còn vương vấn một chút trong đầu nữa. Tổ hợp lại, tôi muốn biết tình trạng này là thế nào? Có nguy hiểm và ảnh hưởng đến nạn nhân hay không?

    Thích

Bình luận về bài viết này