Kỳ 1: Những điều nên biết về tự hại (self-harm)

(Đây là kỳ đầu tiên trong loạt bài viết TỰ HẠI (SELF-HARM): BẠN CÓ THỂ CẢM THẤY KHÁ HƠN MÀ KHÔNG CẦN LÀM ĐAU BẢN THÂN)

By Kate Powell

By Kate Powell

Tự hại (self-harm) có thể là một cách đương đầu với các vấn đề. Nó có thể giúp bạn biểu lộ những cảm xúc không thể nói thành lời, làm bạn tạm quên đi cuộc sống của bản thân, hoặc giải phóng những cảm xúc đau đớn. Sau đó, có lẽ bạn sẽ cảm thấy khá hơn – ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định. Thế nhưng, khi những cảm xúc đau đớn quay trở lại, bạn sẽ có cảm giác bị thôi thúc muốn làm đau bản thân một lần nữa. Nếu như bạn muốn dừng việc cắt hoặc tự hại nhưng không biết phải làm thế nào, trước hết, hãy tự nhủ với bản thân rằng: bạn xứng đáng được cảm thấy khá hơn, và bạn có thể đạt được điều đó mà không cần tự làm đau bản thân.

Những điều chúng ta nên biết về tự cắt và tự hại

Tự hại là một cách để bộc lộc và đương đầu với những căng thẳng nghiêm trọng và những nỗi đau về cảm xúc. Nghe có vẻ đối lập với bề nổi của hành động, nhưng trên thực tế, tự hại có thể làm cho người ta cảm thấy khá hơn. Đối với nhiều người, họ cảm thấy chẳng có lựa chọn nào khác. Việc tự gây ra tổn thương cho chính mình là cách duy nhất để họ đối mặt với những cảm xúc như nỗi buồn, tự oán trách bản thân, sự trống rỗng, cảm giác tội lỗi và sự giận dữ.

Tuy nhiên, cảm giác nhẹ nhõm từ việc tự hại không tồn tại quá lâu. Nó giống như ta dán một miếng urgo lên vết thương, trong khi điều ta thực sự cần là khâu vết thương lại. Nó có thể giúp ngưng  chảy máu tạm thời, nhưng không thể chữa được vết thương thực sự. Nó làm nảy sinh ra những vấn đề mới.

Nếu như bạn giống đa số những người tự hại, có lẽ bạn đang cố gắng giấu kín những điều mình đang làm. Có lẽ bạn cảm thấy xấu hổ, và có thể bạn cảm giác chẳng ai hiểu được mình. Che giấu bản thân và cảm xúc là một gánh nặng rất lớn. Đến một lúc nào đó, sự bí mật và cảm giác tội lỗi sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ với bạn bè và gia đình, và ảnh hưởng tới cả cách suy nghĩ của bạn về bản thân. Nó có thể làm bạn thấy cô độc, vô dụng và bế tắc.

Những hiểu lầm xung quanh việc tự cắt và tự hại

Có lẽ tự cắt và các phương pháp tự hại khác là một chủ đề nhạy cảm tránh được nhắc đến, những người xung quanh bạn, và có thể cả chính bạn, sẽ mang những hiểu lầm về động cơ và trạng thái tâm lý của bản thân. Đừng để những hiểu lầm đó ngăn cản việc bạn tìm kiếm sự giúp đỡ.

Hiểu lầm 1: Những người tự cắt và tự hại đang cố gây chú ý

Thực tế: Một sự thật đau lòng đó là những người tự hại thường tự làm đau bản thân trong im lặng. Họ không cố gắng điều khiển người khác, hoặc tạo ra sự chú ý cho bản thân. Trên thực tế, sự xấu hổ và nỗi sợ có thể khiến việc tìm kiếm sự giúp đỡ trở nên khó khăn.

Hiểu lầm 2: Những người tự hại bị điên và/ hoặc nguy hiểm.

Thực tế: Những người tự hại có thể đang phải chịu đựng lo âu, trầm cảm hoặc một sang chấn trước đó, cũng giống như hàng triệu người khác, thế nhưng điều đó không làm họ điên hay nguy hiểm. Tự hại là cách họ đương đầu. Việc dán lên người khác một cái mác như “bị điên” hay “nguy hiểm” không chính xác, và không mang lại lợi ích nào cả.

Hiểu lầm 3: Những người tự hại muốn chết

Thực tế: Những người tự hại thường không muốn chết. Khi tự làm đau bản thân, họ không phải đang muốn tự sát- họ chỉ đang tìm cách đối diện với vấn đề và những nỗi đau. Tuy nhiên, những người tự hại có nguy cơ tự sát cao, và chính vì thế, việc tìm kiếm sự giúp đỡ là rất quan trọng.

Hiểu lầm 4: Nếu vết thương không quá nặng, vấn đề không quá nghiêm trọng

Sự thật: Sự nghiêm trọng của vết thương thường không liên quan đến những chịu đựng của anh ấy/cô ấy. Đừng tự kết luận rằng nếu chỉ là những vết thương nhỏ thì không có gì đáng lo.

Hiểu lầm 5: Những người tự hại hẳn phải thích thú việc làm đau bản thân

Một số người tin rằng những người tự hại cảm thấy thích thú với nỗi đau hoặc những rủi ro liên quan đến hành vi tự hại. Không có bằng chứng nào xác nhận việc người tự hại cảm nhận nỗi đau khác với những người khác. Hành vi tự hại cũng làm họ đau về mặt thể xác. Đối với nhiều người, trầm cảm làm họ cảm thấy bị tê liệt, và họ muốn được cảm thấy một điều gì đó, chỉ để bản thân thấy rằng mình vẫn đang còn sống, kể cả khi điều đó là sự đau đớn. Một số người khác miêu tả nỗi đau này là một sự trừng phạt bản thân, khi họ cảm thấy tội lỗi, tồi tệ về chính mình.

Nhận biết các triệu chứng và dấu hiệu

Tự hại bao gồm bất cứ điều gì bạn làm để chủ định làm đau bản thân. Một số cách thông thường bao gồm:

  1. Cắt, hoặc cào cấu da một cách nghiêm trọng
  2. Đốt cháy hoặc làm bản thân bị bỏng
  3. Đánh bản thân, hoặc tự đập đầu
  4. Đấm đồ đạc hoặc tự quăng bản thân vào tường hay những vật cứng
  5. Dính các thứ vào da
  6. Chủ động ngăn cản vết thương lành
  7. Nuốt những chất độc hoặc những vật không phù hợp

Tự hại cũng có thể gồm những cách ít rõ ràng hơn để làm đau bản thân hoặc đưa bạn vào những tình huống nguy hiểm như lái xe bất cẩn, uống rượu bia quá độ, sử dụng rất nhiều ma túy và quan hệ tình dục không an toàn.

Vì sao con người ta tự hại?

Theo lời của những người tự hại

“Đó là cách biểu lộ nỗi đau về tinh thần hoặc những cảm xúc mà tôi ko thể diễn tả bằng lời. Nó đặt một dấu chấm than lên những gì tôi cảm thấy bên trong!”

“Đó là cách tôi có thể điều khiển cơ thể mình, vì tôi không thể điều khiển bất cứ điều gì khác trong cuộc sống.

“Tôi thường cảm thấy trong lòng mình có một cái hố đen, ít nhất cảm thấy đau còn tốt hơn là không cảm thấy gì.”

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và bớt lo lắng hơn sau khi cắt. Nỗi đau về tinh thần dần dần tan đi vào trong nỗi đau về thể xác.”

Việc thừa nhận rằng tự hại có thể làm ta cảm thấy khá hơn có lẽ cũng là điều cần thiết- nếu không ta đã không thực hiện. Một vài lí do cho việc tự cắt và tự hại bao gồm:

  • Biểu lộ những cảm xúc bạn không thể diễn đạt bằng lời, hoặc giải phóng những nỗi đau và sự căng thẳng ở bên trong
  • Giúp bạn có cảm giác làm chủ, làm nhẹ cảm giác tội lỗi, hoặc là một cách tự trừng phạt bản thân
  • Làm bạn xao nhãng khỏi những cảm xúc quá mức chịu đựng và những khó khăn của cuộc sống
  • Khiến bạn cảm thấy mình vẫn còn sống, hoặc đơn giản là cảm thấy “gì đó”, thay vì bị tê liệt cảm giác
  • Khi mắc những rối loạn tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối lạng stress sau sang chấn, rối loạn ăn uống, vv

Nếu tự hại có thể làm bạn cảm thấy khá hơn, tại sao nên dừng lại?

Dù cho tự hại và tự cắt có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm một cách tạm thời, nó cũng có cái giá riêng. Thực tế, nhìn một cách dài hạn, nó tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết các vấn đề.

Sự nhẹ nhõm chỉ kéo dài ngắn ngủi, và ngay sau đó là những cảm xúc như sự hổ thẹn và tội lỗi. Trong khi đó, nó ngăn bạn học được những chiến lược đương đầu hiệu quả hơn.

Việc phải giữ bí mật về tự hại rất khó khăn và cô đơn. Và nó có thể gây ra những ảnh hưởng tệ hại đến các mối quan hệ với bạn bè và gia đình.

Bạn có thể làm bản thân bị thương trầm trọng ngoài dự định. Rất dễ đánh giá sai tính nghiêm trọng của một vết cắt hoặc bạn có thể sẽ bị nhiễm trùng.

Bạn có nguy cơ sẽ gặp phải những vấn đề lớn hơn. Nếu không học được cách lành mạnh hơn để đối diện với nỗi đau tinh thần, nguy cơ mắc trầm cảm, nghiện rượu bia và ma túy, và tự sát sẽ cao hơn.

Tự hại có thể mang tính gây nghiện. Khởi đầu có thể từ sự bộc phát, hoặc là điều gì đó giúp bạn được cảm thấy làm chủ, nhưng dần dần hành vi tự cắt hay tự hại có thể điều khiển bạn. Nó thường trở thành một hành vi cưỡng bách không thể nào ngừng lại được.

Điều quan trọng là: tự hại và tự cắt không thể giúp bạn giải quyết vấn đề đã khiến bạn muốn tổn thương bản thân từ đầu. Có rất nhiều cách khác để vượt qua những vấn đề cốt lõi nằm sâu bên trong.

Tổng hợp và dịch: Dahlia Nguyen

Nguồn: http://www.helpguide.org/articles/anxiety/cutting-and-self-harm.htm

https://www.mentalhealth.org.uk/publications/truth-about-self-harm

[Kỳ 2: Một số cách để hồi phục bản thân từ tự hại]

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Kỳ 1: Những điều nên biết về tự hại (self-harm)

  1. Pingback: Kỳ 2: Một số cách để hồi phục bản thân từ tự hoại (self-harm) | Những tâm hồn đẹp

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s