Gaslight – thủ thuật thao túng nạn nhân và những hệ quả của nó

Gaslight, về mặt định nghĩa, là một thủ thuật để điều khiển, bạo hành và thao túng nạn nhân khiến cho nạn nhân sợ hãi và nghi ngờ bản thân mình. Nói tóm lại, mục đích tối thượng của Gaslight là để ghi đè và sửa chữa sự thật mà nạn nhân muốn phơi bày.

Thuật ngữ gaslight (nghĩa đen: “Thắp sáng đèn ga”) đến từ vở kịch Gas Light (1983) nói về hành vi bạo hành tâm lý có hệ thống của nhân vật Jack Manningham lên vợ ông là Bella Manningham. Jack dùng đèn ga để tìm báu vật ở gác xép, nhưng khi người vợ nhận ra đèn đang mờ đi và bàn với chồng về chuyện đó thì ông phủ nhận và bảo rằng đấy chỉ là do bà tưởng tượng ra. Đây là một dạng bạo hành tâm lý rất hiệu quả vì nó khiến nạn nhân tự nghi ngờ cảm xúc, bản năng và sự tỉnh táo của mình. Khi đó, kẻ bạo hành sẽ có rất nhiều quyền lực lên nạn nhân và có thể dễ dàng kiểm soát nạn nhân. Một khi nạn nhân đã mất khả năng tin tưởng vào chính bản thân mình thì họ sẽ khó mà rời bỏ người bạo hành hơn.

gaslight1.jpg

Ảnh từ bộ phim Gaslight

Người bạo hành có thể dùng những chiêu trò sau để gaslight nạn nhân:

1. Từ chối:
Người bạo hành có thể giả vờ không hiểu hoặc từ chối lắng nghe hay chia sẻ cảm xúc. Họ sẽ nói những câu như “Tôi không muốn nghe về vấn đề này nữa” hoặc là “Anh/em/bạn đang cố làm tôi hoang mang phải không”.

2. Phản kháng:
Người bạo hành sẽ chất vấn trí nhớ của nạn nhân mặc dù nạn nhân đã nhớ đúng. Một ví dụ là trong phim Gas Light, Jack thay đổi vị trí của các đồ vật trong nhà và khi Bella chỉ ra sự khác biệt đó thì Jack khăng khăng bảo rằng vợ mình bị điên và trí nhớ cô có vấn đề. “Anh/em sai rồi, anh/em chẳng bao giờ nhớ gì cả!” hay “Nhớ lần trước anh/em cũng nghĩ vậy mà rốt cuộc anh/em đã sai đấy!” là những câu nói điển hình của kẻ sử dụng chiêu trò này.

3. Ngăn chặn/Đánh lạc hướng:
Người bạo hành tìm cách đánh lạc hướng bằng cách thay đổi chủ đề sang chất vấn suy nghĩ của nạn nhân. Chiêu trò này được thể hiện qua những câu như “Rõ ràng là mày đang tưởng tượng ra thôi chứ làm gì có chuyện như thế!”, “Con không đủ trình độ để hiểu, để nhận thức sự việc nên mới có phản ứng bốc đồng như vậy”, hoặc “Cái này chắc lại là suy nghĩ điên rồ từ đứa bạn của anh/em chứ gì! Sao cứ nghe lời nó mãi thế!”

4. Tầm thường hóa:
Người bạo hành sẽ không coi trọng cảm xúc hay suy nghĩ của bạn. Họ sẽ nói những câu như là “Anh/em nhạy cảm quá đấy!” hoặc “Chuyện chẳng có gì mà sao mày cứ làm quá lên vậy!” hoặc “Cô/cậu định cãi nhau chỉ vì chuyện cỏn con như thế này thôi à?”

5. Giả quên/Chối bỏ:
Người bạo hành giả vờ như họ đã quên mọi chuyện hoặc chối bỏ sự thật rằng họ đã làm việc gì đó, ví dụ như việc họ chối bỏ rằng họ đã hứa với nạn nhân để không phải thực hiện lời hứa. Họ sẽ coi lời cáo buộc đúng đắn của nạn nhân là vớ vẩn vì họ “chưa bao giờ làm như vậy”. Hoặc khi người bạo hành có câu nói mang tính xúc phạm nạn nhân và biết đó là sai, nhưng khi nạn nhân phản kháng hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, người đó sẽ lái câu chuyện sang một hướng khác và chối biệt việc mình đã làm.

Gaslighting thường diễn ra rất chậm. Ban đầu, hành vi của người bạo hành có vẻ như rất bình thường và vô hại. Tuy nhiên, qua thời gian, những hành vi này sẽ được lặp lại và tiếp diễn đến khi nạn nhân cảm thấy hoang mang, lo lắng, sợ sệt, cô độc, trầm cảm, và cuối cùng họ có thể bị mất khả năng nhận thức chuyện gì đang diễn ra và đâu là sự thật. Khi đó, họ sẽ phải nhờ vả và phụ thuộc vào người bạo hành để xác định đâu mới là thực tế, từ đó tạo nên một tình huống khiến việc dứt bỏ là vô cùng khó khăn.

***

Dưới đây là một trường hợp điển hình của gaslighting và bắt nạt nạn nhân. Beautiful Mind VN vừa nhận được thông tin từ một nhóm bạn hiện đang học lớp 11 ở một trường THPT tại Hà Nội. Các thông tin dưới đây được xác nhận là có thật. Chuyện không có gì to tát, nhưng lại diễn biến từ việc xúc phạm cá nhân cho đến việc thao túng nạn nhân.

Một nữ sinh lớp 11 (tạm gọi là A) có nhét một bức ảnh thần tượng của mình vào thẻ học sinh, trong thẻ học sinh đó còn có một tấm ảnh hai bạn nữ ôm nhau và tóc của các em xòa lên mặt. Bảo vệ của trường thấy ảnh thần tượng che mất ảnh thẻ thì mới thu lại và nói sẽ đưa lên giáo viên chủ nhiệm để giải quyết. Tuy nhiên hôm sau khi đi học thì bạn của em A có nói lại rằng, có thầy giáo cầm thẻ của em đi nói với các bạn khác và đòi gặp em. Lúc gặp, thầy chỉ ra cái sai của em là để ảnh thần tượng che ảnh thẻ và em A đã nhận sai. Tuy nhiên, lúc sau thầy lật mặt sau và nói “Con gái để ảnh ôm hôn bạn như thế này có được không”, thì em A mới giải thích là “Bọn con không hôn nhau đâu ạ”, nhưng thầy lại đáp lại “Thầy không muốn nói nhiều về chuyện đồng tính nhưng con để ảnh này là vô văn hoá, vô học”. Sau đó, thầy bắt em nữ sinh đó viết bản tường trình. Khi cầm tấm ảnh đó lên một vài lớp khác, thầy giáo còn nhận xét rằng tấm ảnh này là phản cảm, là vô văn hóa. Bạn thân của nữ sinh này (tạm gọi là B) sau đó đã thấy bức xúc thay cho bạn và đưa ý kiến của mình lên mạng, nói rằng thầy xúc phạm bạn của mình và có phần kỳ thị cộng đồng LGBT. Cá nhân chúng tôi nhận xét cô bé có phần bốc đồng nhưng sự việc cô bé nêu ra về thầy giáo nói như vậy là đúng. Tuy nhiên, trong những status em B đăng lên mạng và bao gồm cả livestream, cũng không có từ ngữ nào thiếu tôn trọng để nói về cá nhân thầy giáo.

Đến hôm nay, hai nữ sinh này bị gọi xuống Ban giám hiệu của nhà trường làm việc. Hai em bị tách ra riêng và bị chất vấn bởi các thầy cô, bị bắt viết bản tường trình lại sự việc (em B bị chất vấn tới 4 tiếng liền). Đoạn nào các thầy cô thấy không vừa ý thì em đó sẽ bị bắt viết lại. Em B còn bị moi móc là đang vu khống, bịa đặt nếu như dòng nào, chi tiết nào không đúng ý thầy cô. Khi B phản ứng lại là thầy có nói như vậy là sai thì các thầy cô nói rằng, thầy giáo đó không hề nói như vậy. Em A có nói rằng những gì thầy nói với BGH là hoàn toàn sai lệch với những gì thầy đã nói với em. Riêng em B, các thầy cô nói em đã bị kích động bởi những lời nói sai sự thật của em A, rằng em “đáng thương”, “không mong em hiểu vì trình độ nhận thức của em chỉ đến vậy”. Em B còn bị thầy hiệu phó cười khẩy và tỏ thái độ rõ rệt khi em đang cố gắng bảo vệ bản thân. Các em còn bị nói rằng mình đang vu khống, xúc phạm và bịa chuyện về thầy giáo. Em B cũng đã kêu gọi mọi người tôn trọng thầy trên Facebook cá nhân, nhưng nhà trường tự động bỏ qua động thái này của em mà chỉ tập trung vào việc em đang “vu khống, xúc phạm”. Trong video livestream, em có nói một vài từ đệm bằng tiếng Anh, nhưng là cách em thể hiện bức xúc chứ không hề nhắm vào thầy giáo. Vì cho rằng thầy có phần kỳ thị và chưa hiểu về LGBT+, em B đã đăng tải bức ảnh mà bị thầy giáo nói như trên, để hashtag ủng hộ và có ý định mong muốn trường thêm cởi mở hơn, nhưng các thầy cô vin vào đó và nói em đang cổ súy, khiêu chiến với nhà trường cho dù em đã nhận lỗi ở các mặt em cảm thấy chưa đúng.

Nếu các em “còn làm lớn chuyện” thì sẽ bị mời Công An và thậm chí đưa sự việc lên Bộ. Riêng em B, em còn bị dọa là sẽ bị ghi vào học bạ và thành vết nhơ. Em B trong lúc hoảng sợ đã đòi gặp mẹ nhưng các thầy cô không cho và tiếp tục cô lập em, nói rằng đây là nhà trường đang làm việc với em, rồi sẽ nói chuyện với mẹ em sau. Chưa kể, một số lớp khối trên (lớp 12) có nghe được thầy nói như vậy nhưng đã bị “quán triệt” và không có ai đứng ra làm chứng cho các em nữa. Chúng ta có thể thấy sự việc này thoạt nghe có vẻ không có gì nhưng nó đã bao hàm các dạng Gaslight như 2 (Phản kháng), 3 (Ngăn chặn/Đánh lạc hướng) và 5 (Giả quên/Chối bỏ).

Nghề giáo là một nghề vô cùng cao quý. Chúng tôi luôn cho rằng các thầy, các cô sẽ là cứu cánh, là người bạn, là người nâng đỡ, bảo vệ và thấu hiểu cho các em. Nhưng trong trường hợp này, một số người đã lạm dụng quyền hạn của mình để đe dọa, áp đặt lời nói lên các em để che giấu sự thật; thậm chí còn nói ngược lại các em là đang vu khống, xúc phạm thầy giáo. Đây là một điều không thể chấp nhận được và cần được thay đổi. Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ không có ai bị bắt nạt, bị gaslight, bị thao túng như trên chỉ vì dám nói ra sự thật. Đôi khi, chúng ta cần bỏ qua cái tôi quá lớn ấy để tiếp tục trở thành chỗ dựa cho các em. Ai cũng có sai lầm, nhưng điều quan trọng là nhận ra sai lầm và sửa nó chứ không phải là lấn sâu thêm vào những sai lầm khác. Hiện tại, hai em nữ sinh này đều đang cảm thấy bị đe dọa và hoảng sợ.
Hậu quả của Gaslight (thao túng nạn nhân) có thể rất nặng nề, nhẹ nhất là khiến cho nạn nhân tự nghi ngờ bản thân cho đến nặng hơn cả là đẩy nạn nhân vào rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu và không còn tỉnh táo. Chúng ta cần phải để ý từng lời nói, hành động của mình và cố gắng đừng dồn ép người khác vào đường cùng chỉ để chứng minh quan điểm của mình là đúng.

Nguồn tham khảo:

http://www.whiteheathervn.com/tigravem-hi7875u/gaslight

http://www.loveisrespect.org/content/what-gaslighting/
https://en.wikipedia.org/wiki/Gaslighting

Tổng hợp và viết: KLinh

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Gaslight – thủ thuật thao túng nạn nhân và những hệ quả của nó

  1. Pingback: ANEW – chương 13 – LET IT BE

Bình luận về bài viết này