Những gì bạn cần biết về nhà trị liệu/tham vấn tâm lý

“Tôi từng làm việc với nhiều bệnh nhân mắc rối loạn tâm lý và những nhà trị liệu tâm lý đã giúp đỡ họ. Với tất cả sự chuyên nghiệp của mình, những nhà trị liệu này sẽ có vai trò giúp đỡ bệnh nhân bằng các phương pháp trị liệu tâm lý khác nhau – và thường ở một số nơi, bác sĩ tâm thần (psychiatrist) sẽ là người chỉ định nhà trị liệu nào phù hợp với bệnh nhân. Một số trường hợp khác thì bênh nhân chỉ cần trị liệu tâm lý mà không cần uống thuốc.

Những nhà trị liệu hay tham vấn chuyên nghiệp thường có ít nhất 1 bằng Thạc sĩ về Tham vấn, hoặc Tâm lý học/Tâm lý học lâm sàng, hay như ở nước ngoài là Thạc sĩ ngành Công tác xã hội. Với một số người tình nguyện hay cộng tác trong mảng này, họ chỉ cần được đào tạo qua các khóa học ngắn hạn, có các chứng chỉ về một trong các loại rối loạn cụ thể. Bất kể thế nào, những người công tác trong mảng này khi tham vấn hoặc chữa trị cho khách hàng hay bệnh nhân của họ đều phải thể hiện sự bình tĩnh, tôn trọng, không phán xét và không làm tổn thương.

Thế nhưng họ sẽ làm gì khi có bệnh nhân tấn công hay gây nguy hiểm cho họ, hoặc làm phiền hay xúc phạm đến họ?

Ở các nước như Anh, Úc, Singapore; những nhà trị liệu hoặc những người tình nguyện có quyền được bảo vệ bản thân khỏi những sự thiếu tôn trọng. Tất cả các phòng khám, bệnh viện đều có một biển báo, đại khái như “Chúng tôi sẽ cố gắng phục vụ tất cả các bạn. Nhưng bù lại, chúng tôi cũng cần được đối xử một cách tôn trọng. Chúng tôi hoàn toàn có quyền từ chối điều trị hoặc thậm chí gọi can thiệp nếu có bất cứ hành vi nhục mạ, chửi bới hoặc hành hung các nhân viên y tế, bác sĩ và các chuyên viên ở đây”.

EE805716-9EE3-4013-9697-A2C7806065A8.JPG

Người tham vấn hay nhà trị liệu được phép cảm thấy khó chịu hay tức giận, nhưng họ không được phép thể hiện ra sự khó chịu đó cho bệnh nhân hay khách hàng của họ biết. Tuy nhiên, khi sự việc đi quá giới hạn thì cả hai bên sẽ phải tạm dừng buổi tham vấn.

Vì vậy, khái niệm lịch sự, tôn trọng bệnh nhân, không gây tổn hại tới bệnh nhân chỉ thỏa mãn khi:

(1) Bệnh nhân/khách hàng thể hiện sự tôn trọng nhất định với nhân viên y tế hoặc nhà tham vấn. Những rối loạn tâm lý hay cảm xúc nhất thời sẽ được theo dõi và ghi nhận, vì mọi thứ đều có giới hạn. Người bệnh không thể vào xin tham vấn và la hét, chửi bới hay tấn công nhà trị liệu và họ vẫn phải ngồi yên phục vụ. Đa phần cách giải quyết sẽ là chuyển nhà trị liệu, hoặc ngưng buổi trị liệu và đánh giá, xem xét lại.

(2) Các nhà trị liệu hay người phục vụ bệnh nhân sẽ chỉ “chịu đựng” người họ đang tham vấn hoặc giúp đỡ. Họ không có nghĩa vụ phải nhẹ nhàng với những người khác không liên quan (ví dụ, nhà báo, người môi giới nhà đất hay người bán bảo hiểm hoặc người lạ nào đó họ gặp trên đường). Ngoài môi trường làm việc, họ hoàn toàn được hành xử như những người bình thường khác. Bất kể bạn có vấn đề gì hay không, kể cả là vấn đề tâm lý, nhưng nếu bạn làm tổn hại hay xúc phạm họ, họ có quyền phản ứng.

Tôi đã từng nghe một câu chuyện về một anh phóng viên khá thô lỗ khi anh ta phỏng vấn một nhà trị liệu tâm lý. Thoạt đầu chỉ là những chia sẻ bình thường, nhưng sau đó, anh ta xoáy sâu vào cá nhân của nhà trị liệu này, mỉa mai cô ấy về việc cô ấy không nên tiếp tục làm nghề trị liệu nếu cô ấy “nhạy cảm”. Khi biết cô ấy đã ly dị chồng, anh ta còn nói rằng, “Cô là nhà tham vấn về lĩnh vực hôn nhân gia đình, nhưng cô không giữ được chính gia đình của mình. Vậy cô nghĩ sao?” Đau khổ và tức giận, cô ấy đuổi anh phóng viên ra khỏi nhà, thì anh ta đe dọa sẽ cho cô ấy lên báo vì “là nhà trị liệu nhưng có thái độ tồi tệ”. Rất may sau đó, cô ấy có thuê luật sư và chuẩn bị kiện anh phóng viên vì tội quấy rối và xúc phạm danh dự thì anh ta đã xin lỗi và sau đó không bao giờ làm phiền cô ấy nữa.

Tôi cũng đã chứng kiến vài chuyên khác tại môi trường tham vấn tâm lý ở Việt Nam. Có rất nhiều người khi đăng ký buổi tham vấn nhưng không có mặt, bỏ buổi, hoặc tới rất muộn khiến cho trung tâm tham vấn gặp khó khăn trong việc xếp lịch. Có thể bạn chưa biết, số lượng trung tâm tham vấn hoặc nhà trị liệu so với người dân có nhu cầu tại Việt Nam chênh lệch cực kỳ lớn, có thể nói là quá ít.  Vì vậy, chất lượng có thể không được đảm bảo tốt như ở nước ngoài – không hẳn là về trình độ – mà còn về cơ sở vật chất, khó khăn trong quản lý và cả vấn đề tôi nói ở trên – rất nhiều người bỏ buổi trị liệu không báo trước khiến cho người khác thật sự có nhu cầu lại không thể đến.

Bên cạnh đó, có khá nhiều người tự xưng là “nhà trị liệu” hay “nhà tham vấn” chuyên nghiệp nhưng không có bằng cấp cụ thể hoặc có liên quan. Chúng ta cần cẩn thận trước những người thế này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tâm trí của bản thân. Thậm chí ngay cả khi có bằng cấp, vẫn có nhiều người mang định kiến, phán xét hoặc chuyên môn kém thì bạn cần phải thay nhà trị liệu ngay lập tức.

Tôi hy vọng sắp tới nước ta sẽ có mã ngành cụ thể và có thêm nhiều trung tâm tham vấn chuyên nghiệp để phục vụ người dân, CŨNG NHƯ chế độ bảo vệ và chăm sóc cho những người làm công tác ở mảng tâm lý-tâm thần như thế này.”

– Từ một nhà công tác xã hội tại nước ngoài gửi cho BMVN. Xin chân thành cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến.

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Những gì bạn cần biết về nhà trị liệu/tham vấn tâm lý

  1. Xin lỗi vì mình bình luận ko liên quan lắm, vì là mình lo bình luận ở bài cũ các bạn ko thấy. Mình có gửi email nhờ tư vấn từ “lucnhi102@gmail.com” đến “editor@beautifulmindvn.com” vào ngày 23/5. Mình ko dám hối đâu ạ, mình chỉ là ko biết các bạn đã nhận dc email chưa và ko biết các bạn còn nhận tư vấn ko ạ? 

    Thích

Bình luận về bài viết này