[Rối loạn ăn uống] Kỳ 1: Hồ sơ bệnh án, nguyên nhân và đặc điểm lâm sàng

Hồ sơ bệnh án

Judy là một bé gái 12 tuổi rất có sức hút, ăn nói lưu loát và rất thông minh. Cho đến hồi năm ngoái, ba mẹ kể về cô như là “một đứa con ngoan và là một học sinh gương mẫu”. Cô xuất sắc trong việc học và luôn đứng đầu các năm học ở một trong những trường nữ sinh giỏi nhất. Cô là người luôn tuân thủ luật và biết nghe lời.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ một năm về trước, sau khi Judy nghe một lời bình luận từ bạn của mình, người đã gọi cô là Judy “béo”. Judy nặng 50kg trong khi bạn của cô nặng 40kg. Đau đớn với bình luận này và vốn là người có tính ganh đua rất mạnh, Judy quyết định thực hiện một chế độ ăn uống nghiêm ngặt để được thon thả hơn bạn mình. Mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi mà Judy bỏ bữa và chỉ khăng khăng đòi ăn rau củ và đậu phụ. Cô kiếm mọi lý do để tập thể dục và thậm chí là cô tập thể dục ngay trên giường. Chu kỳ kinh nguyệt của cô bắt đầu từ năm trước bây giờ đã ngừng hẳn lại. Judy luôn trông chừng để chắc chắn rằng em gái mình (người nhỏ hơn cô 1 tuổi) sẽ ăn nhiều hơn cô. Bạn bè và gia đình nỗ lực khuyến khích cô ăn nhiều hơn và nói rằng việc lên cân thì chẳng sao cả. Nhưng khi họ cố gắng nài nỉ Judy ăn, cô liền gào thét và khóc lóc. Kể từ đó, cô bắt đầu tự nhốt mình trong phòng.

Khi được đưa đến phòng khám, cân nặng của Judy đã sụt xuống 30kg; cô sống sót là nhờ vào chế độ ăn kiêng từ rau củ và đậu phụ. Judy được chẩn đoán là mắc chứng nhịn ăn/ chán ăn tâm lý. Judy biết mình cần phải tăng cân nhưng cô lại cảm thấy không thể làm được. Cô nói rằng cô bị điều khiển bởi những suy nghĩ khác nhau và bởi một sự thôi thúc, cái mà cô gọi là “Judy”. “Judy” nói với Judy không được ăn và phải đảm bảo rằng mọi người ăn nhiều hơn. Cô cảm thấy bị choáng ngợp bởi “Judy” nhưng cô vẫn thừa nhận rằng cô sợ lên cân và cô thực sự thích cơ thể mảnh khảnh của mình bây giờ. Judy đã được nhập viện với mục đích là tăng cân và để ăn uống lại bình thường. Khi vào bệnh viện, các bác sĩ đã phát hiện ra chứng bệnh của Judy là do những suy nghĩ tiêu cực và họ khuyến khích cô phải vượt qua những suy nghĩ này. Một chỉ tiêu cân nặng để xuất viện của Judy đã được thiết lập và cô được quyền làm mọi cách cho đến khi cô đạt được cân nặng này thì thôi. Judy đã giảm vài ký sau khi xuất viện nhưng sau đó cô đã có thể duy trì trọng lượng với một sức khỏe tốt và một chế độ ăn uống bình thường.

Source: snu-therapy.com

Source: snu-therapy.com

Lời giới thiệu

Người ta ước tính rằng 1-3% những người phụ nữ trẻ ở phương Tây mắc chứng rối loạn ăn uống như chứng nhịn ăn [hay còn gọi là chán ăn tâm thần -anorexia nervosa], chứng ăn – ói [bulimia – người mắc chứng này ăn vào rồi tìm cách ói ra để khỏi lên cân] và chứng ăn uống vô độ (binge). Ở phương tây, rối loạn ăn uống đứng thứ ba trong danh sách những chứng bệnh nghiêm trọng phổ biến nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên, sau hen suyễn và trầm cảm. Trong thời kì công nghiệp hóa, việc không hài lòng với cơ thể/ cân nặng/ vẻ bề ngoài; thân hình lý tưởng – càng thon thả càng tốt là một tư tưởng hiện đại; mặc dù trọng lượng trung bình và tỉ lệ béo phì ở phụ nữ hiện nay lại tăng.

Một cuộc khảo sát của Psychology Today năm 1997, những cuộc khảo sát tương tự năm 1972 và năm 1985, 89% phụ nữ được khảo sát muốn giảm cân và 56% thì không hài lòng với toàn vẻ ngoài của mình (tăng từ 25% so với năm 1972 và 38% so với năm 1985). Tỉ lệ không hài lòng về cơ bắp lần lượt trong 3 năm khảo sát là 30%, 45%, 57%; vòng eo là 50%, 57%, 71% và hông/ đùi 49%, 50% , 61%. Những số liệu trong ba năm khảo sát này cho thấy sự không hài lòng về cơ thể đang tăng dần. Và sự không hài lòng thể hiện rõ rệt ở các bé gái trước tuổi dậy thì ở độ tuổi rất trẻ như 7 tuổi.

Quan niệm về cơ thể mảnh khảnh không chỉ giới hạn ở phương Tây mà còn tăng dần ở châu Á, dù dân số khảo sát thường là sinh viên và các báo cáo bắt nguồn chủ yếu từ Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Trong một nghiên cứu với 26 sinh viên nữ y khoa ở Singapore, 58% người được khảo sát cảm thấy thân hình của họ vừa hoặc rất béo, mặc dù kết quả trung bình chỉ số BMI (Body Mass Index – tỷ lệ giữa cơ thể và cân nặng) là 18,7. Một điều đáng báo động là 4/10 người có chỉ số BMI dưới 18 được báo cáo là họ đã cảm thấy rất mập. Trong một nghiên cứu về những nữ sinh người Hoa ở Singapore với tuổi trung bình là 16.5 tuổi, 56% trong số đó cảm thấy thừa cân, mặc dù chỉ số BMI trung bình của họ là 18.89 và 40% bày tỏ ước muốn được trở thành người mẫu,vũ công hoặc giáo viên thể dục nhịp điệu. Nhiều ý kiến cho rằng có lẽ quá trình tiếp nhận và biến đổi văn hóa đã góp phần tạo nên những kết quả thực tế trên. Một mẫu khảo sát những nữ sinh đại học người Hoa ở Singapore cho thấy các nữ sinh này cũng thích có một cơ thể thon gọn giống những người bạn cùng tuổi ở phương Tây. Không giống như giáo dục của cha mẹ, việc nói tiếng Anh ở nhà rõ ràng có liên quan đến việc ưa thích cơ thể mảnh khảnh, sau khi họ lưu ý đến chỉ số BMI. Một số nghiên cứu từ 3 địa điểm khác nhau ở Trung Quốc (Hồng Kông, Thâm Quyến và vùng nông thôn Hồ Nam) cho thấy việc càng quan tâm và không hài lòng về ngoại hình sẽ càng kèm theo sự phát triển kinh tế-xã hội. Nam giới cũng không hoàn toàn tránh khỏi những áp lực về ngoại hình nhưng có thể việc sợ mập của họ biến thành nỗi ám ảnh về các loại cơ bắp – mặc cảm thiếu cơ bắp/chứng ám ảnh cơ bắp, mặc cảm về ngoại hình. Một bệnh nhân nam người Trung Quốc với chứng ám ảnh cơ bắp nói rằng: “Tất cả mọi thứ (trong đời tôi) đều tập trung xoay quanh lượng cơ bắp của tôi”.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự tây phương hóa và sự gia tăng tỉ lệ người giàu luôn luôn gắn liền với sự gia tăng bệnh béo phì và rối loạn ăn uống. Một ví dụ thú vị được tìm thấy ở Fiji. Đầu năm 1990, việc ăn kiêng không được mọi người tán thành và chứng bệnh rối loạn ăn uống không ai quan tâm. Cho đến cuối những năm 1990, một số lượng lớn phụ nữ (đặc biệt là những thiếu nữ) đã bắt đầu tích cực ăn kiêng. Thái độ ăn uống bất thường của họ đã được thể hiện rõ và có thể sánh bằng với người phương Tây. Suốt 2 thời kỳ, sự thay đổi nền tảng đã xảy ra – đó là sự ra đời của truyền hình với những bộ phim dài tập ở phương Tây như Beverly Hills 90210 và Melrose Place. Những người nhập cư từ châu Á đến các nước phương Tây cũng có khuynh hướng thể hiện tỉ lệ rối loạn ăn uống cao hơn so với những người ở quê nhà. Nguy cơ của chứng rối loạn ăn uống sẽ xuất hiện rõ ràng hơn ở thế hệ thứ hai và những thế hệ sau này. Điều này dường như phản ánh sự chuyển đổi rõ rệt về văn hóa giữa thế hệ đầu tiên với các thế hệ tiếp theo. Các bản báo cáo và các cuộc nghiên cứu từ những trung tâm ở Châu Á đã ủng hộ quan điểm về sự gia tăng số lượng bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống cần được điều trị; tuy nhiên có thể ngoại trừ Nhật Bản vì tỉ lệ rối loạn ăn uống ở Nhật Bản còn thấp do kinh tế thị trường ở Nhật lúc đó chỉ vừa mới tương tác thị trường với phương Tây. Một nghiên cứu từ các ca nhập viện tại Singapore cho thấy có sự gia tăng dần dần những bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống. Thật thú vị và đáng chú ý khi những nhân vật nổi tiểng chẳng hạn như nữ diễn viên Beatrice Chia và nhà báo Sumiko Tan sẵn sàng nói chuyện công khai về chứng rối loạn ăn uống của họ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây rối loạn ăn uống vẫn chưa rõ. Nó dường như là do nhiều yếu tố cấu thành. Quan điểm hiện nay tập trung vào một mô hình tâm lý – sinh lý – xã hội (biopsychosocial) của các yếu tố ảnh hưởng khác nhau như yếu tố khởi nguồn, yếu tố gây bệnh và yếu tố kéo dài bệnh. Số trường hợp ít người mắc chứng rối loạn ăn uống trong xã hội phi công nghiệp cùng với sự liên hệ chặt chẽ với hiện đại hóa, tây phương hóa đã cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng sự phát triển của rối loạn ăn uống một phần là do yếu tố văn hóa. Rối loạn ăn uống là một trong những dạng rối loạn tâm thần có liên quan mật thiết đến sự phát triển của văn hóa. Tuy nhiên, trong thực tế, các báo cáo về chứng nhịn ăn xuất hiện khoảng 300 năm trước và quan điểm cổ điển của William Gull xuất hiện ở các thế kỷ trước cho thấy sự tây phương hóa / hiện đại hóa không phải là yếu tố duy nhất gây bệnh. Tuy nhiên, nó có thể là yếu tố quan trọng nhất khiến số lượng ca bệnh tăng nhanh chóng trong các thập kỷ gần đây. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến rối loạn ăn uống là do ăn kiêng trong thời thanh niên. Việc ăn kiêng thường là do họ bị chê bai hoặc bị chế giễu, nhất là ở các bé gái – những người nhạy cảm và đang phải vật lộn với các hệ quả sinh lý, tâm lý và xã hội từ bệnh béo phì.

Bảng 1

Bảng 1

[Lời người biên tập]: Đối với người mắc chứng biếng ăn tâm lý, việc nhịn ăn thành công chính là phần thưởng đối với họ. Họ cảm thấy tự hào, và cảm thấy mình nắm quyền điều khiển trong tay. Chính nhận thức này khiến họ tiếp tục nhịn ăn để có được phần thưởng đó và chính nó cũng khiến cho việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều. Mặc dù tỷ lệ người mắc chứng này ít hơn so với các bệnh tâm lý khác, nhưng nó lại là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Ngược lại, những người mắc chứng ăn – ói, luôn có mặc cảm về quyền điều khiển. Họ cảm thấy xấu hổ, cảm thấy mình thật là vô dụng khi không kiềm chế được cơn thèm ăn để rồi sau đó họ ôm bồn cầu nôn thốc nôn tháo. Cảm xúc ngay lúc nôn xong chỉ là mỏi mệt, tự trách bản thân và sợ người khác biết. Điều này là cũng là một phần nguyên nhân gây ra các biến chứng như bệnh trầm cảm, hoặc rối loạn lo âu.

Source: Tumblr.

Source: Tumblr.
“Lana Del Rey – Ride”

Đặc điểm lâm sàng

Người mắc bệnh biếng ăn thường có vẻ ngoài dễ dẫn đến nhiều sự nghi ngờ cao. Người đó thường thiếu cân, gầy gò, xanh xao, da vàng khô. Khi nhìn vào cổ, bả vai hoặc tứ chi có thể nhìn thấy các sợi tóc tơ vàng mịn (thường thấy ở trẻ mới sinh) mọc rũ xuống. Người bệnh có thể cảm thấy lờ đờ hoặc phổ biến hơn là lo lắng và bồn chồn. Sự sụt cân nhanh chóng và nghiêm trọng là một dấu hiệu của chứng nhịn ăn. Một bài kiểm tra đơn giản để đánh giá mức độ suy giảm nghiêm trọng của cơ bắp là để bệnh nhân ngồi xổm và yêu cầu họ đứng lên mà không dùng tay để chống. Việc họ không thể làm như thế cho thấy sự suy giảm cơ bắp trầm trọng.

Chứng ăn- ói và ăn vô độ thường khó quan sát và chẩn đoán lâm sàng hơn. Tuy nhiên, chứng ăn – ói có thể đi kèm với các dấu hiệu sau: mặt sưng do tuyến mang tai phì đại; mòn men răng; dấu hiệu Russell – bao gồm những vết chai sạn, sưng lên ở mu ngón tay được tạo từ việc cọ xát vào trụ răng khi tự móc họng để gây nôn; những vết bầm ở ngực và bụng trùng khớp với đường viền của bồn cầu [ở nước ngoài, khi nôn ói, người ta sẽ nôn ở bồn cầu nên họ thường úp mặt và tì bụng vào đó làm hình thành những đường nét trên bụng/ ngực] và rối loạn điện giải như cạn kiệt natri, kali và clo. Việc lạm dụng Ipecac (một loại siro ho có thể gây nôn) có khả năng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và thậm chí là gây tử vong. Lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể gây ra một nhiễm toan chuyển hóa.

Bảng 2

Bảng 2

Những điểm chẩn đoán trên thuộc đề án phân loại DSM-IV [DSM-IV là viết tắt của chẩn đoán và thống kê hướng dẫn sử dụng trị liệu về rối loạn tâm thần].

Lưu ý: những dấu hiệu không nằm trong đặc điểm chẩn đoán cũng có thể xuất hiện. (Ví dụ: Hành vi giảm cân không phù hợp có thể xuất hiện với những người mắc chứng nhịn ăn; nỗi sợ hãi mãnh liệt từ việc tăng cân có thể xuất hiện đối với một số người mắc chứng ăn – ói và ăn vô độ).

Khám tổng quát hệ thống tim mạch có thể cho thấy huyết áp thấp và nhịp tim chậm không bình thường. Sự bất thường của điện tâm đồ (ECG) bao gồm khoảng QT kéo dài, sóng U nhô lên và loạn nhịp tim. Trường hợp cực độ nhất là lạnh người và cổ chân phù nề sau khi ói hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng. Do lưu thông ruột chậm, lạm dụng thuốc nhuận tràng và nhu động ruột giảm, có thể người bệnh sẽ thường khó chịu về việc chướng bụng và táo bón. Những bệnh nhân ở châu Á thường gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc bằng lời nên việc diễn đạt bằng cơ thể phổ biến hơn. Chụp xương có thể phát hiện hiện tượng rỗng xương làm tăng nguy cơ rạn nứt. Đôi khi tìm thấy hàm lượng chất khoáng trong xương như photphat, magiê và kẽm thấp.

Đối với cơ quan sinh sản, mất kinh nguyệt xảy ra do lượng oestradiol (estrogen được tạo ra từ chất này) thấp và lượng GnRH (hóc môn thúc đẩy sự phóng thích LH trong chu kỳ rụng trứng) giảm. Vì thế những người mắc chứng biếng ăn rất khó rụng trứng cũng như khó thụ thai [lời người biên tập]. Trong một số báo cáo nghiên cứu về chứng rối loạn ăn uống, khi chụp CT, tình trạng teo não đã được báo cáo; song, trong một số trường hợp, ít có sự thay đổi về tình trạng của não bộ sau khi lấy lại trọng lượng. Mức độ quan trọng của tình trạng này vẫn còn chưa xác định . Trạng thái nửa đói trong chứng nhịn ăn phản ánh sự giảm lượng huyết học (thiếu máu và giảm bạch cầu), giảm chức năng hormone (giảm hormone sinh dục) và hạ đường huyết. Nồng độ cortisol trong máu có thể tăng để đối phó với tình trạng căng thẳng.

Rối loạn ăn uống có sự liên quan cao đến các dạng rối loạn tâm thần khác, cụ thể là trầm cảm, rối loạn lo âu (đặc biệt là nỗi ám ảnh xã hội và rối loạn ám ảnh cưỡng chế), rối loạn nhân cách, rối loạn gây nghiện, rối loạn kiểm soát xung động và rối loạn đa nhân cách. Sự xuất hiện của bất kỳ những rối loạn này ở một người phụ nữ trẻ làm tăng khả năng rối loạn ăn uống, bằng chứng là trầm cảm chính là hệ quả phụ của rối loạn ăn uống. Điều quan trọng là phải phân biệt giữa chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn nhân cách ám ảnh, những người hay bị ám ảnh và có tính cách cầu toàn thường mắc chứng nhịn ăn. Các giai đoạn chuyển đổi nhân cách và rối loạn kiểm soát xung động (như tự cắt, tình dục bừa bãi và trộm vặt) thì phổ biến đối với những người ăn uống vô độ hơn.

Kỳ sau[Rối loạn ăn uống] Kỳ 2: Các bất thường và cách điều trị

Tài liệu tham khảo

  1. Garner DM, Garfinkel PE (Eds) Handbook of treatment for eating disorders. 1997 Guildford Press, New York
  2. Brownell KD, Fairburn CG, Eds. Eating Disorders and Obesity: A Comprehensive Handbook. 1995 Guilford Press; New York
  3. Fairburn C. Overcoming Binge Eating. 1995 The Guildford Press, New York
  4. Ung EK, Lee S, Kua EH. Anorexia nervosa and bulimia – A Singapore Perspective. Singapore Med J 1997; 38:332-5

Nguồn: Ghi chép và nghiên cứu của Bác sĩ Ung Eng Khean, Singapore.

Người dịch: Zoey & Vù Vù.

Biên tập: Nguyệt, Khánh Linh.

Một suy nghĩ 1 thoughts on “[Rối loạn ăn uống] Kỳ 1: Hồ sơ bệnh án, nguyên nhân và đặc điểm lâm sàng

  1. Pingback: [Rối loạn ăn uống] Kỳ 2: Các bất thường và cách điều trị | Những tâm hồn đẹp

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s