Bệnh tâm lý có phải một trò đùa?

ulrich-jakobsson

By Ulrich Jackobsson

Phần lớn chúng ta rất thích sự hài hước, tếu táo trong những tương tác hàng ngày. Tiếng cười mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần, giúp chúng ta sống một cách vui vẻ và thoải mái. Nhất là khi chúng ta đang ốm hoặc cảm thấy buồn bã, nếu có ai đó có thể chọc cho chúng ta cười thì đó là một trong những liều thuốc tinh thần hữu hiệu nhất.
 
Thi thoảng, bạn sẽ bắt gặp những câu đùa có nhắc đến một chứng bệnh tâm lý, tâm thần nào đó. Có những câu đùa, châm biếm hoàn toàn vô hại, được sử dụng để nâng cao nhận thức về sức khoẻ tâm lý, làm nhẹ bớt áp lực mà bệnh gây ra hay để làm rõ những khó khăn mà những người mắc bệnh gặp phải. Nhưng rất nhiều, rất nhiều những câu nói đùa, dù cố ý hay vô tình, lại gây ra những hiểu lầm tai hại về những chứng bệnh ấy và khiến những người mắc chúng cảm thấy xấu hổ.
 
“Nhìn ít nói, ngầm ngầm trông chả khác gì bọn anti-social cả”
 
“Thằng đấy lúc thì vui lúc thì buồn, cứ như bị tâm thần phân liệt ấy nhỉ!”
 
“Con nhỏ lúc nào cũng sợ bẩn sách bẩn vở, đúng là đồ OCD.”
 
Có thể bạn đã từng nói hoặc nghe thấy những câu đùa tương tự như trên. Những chứng bệnh tâm lý, tâm thần được lấy ra làm tính từ chỉ một trạng thái cảm xúc nào đó không liên quan, hoặc để đùa giỡn, châm chọc người khác (cho dù họ có thực sự mắc bệnh hay không). Có thể bạn sẽ nghĩ: chỉ là đùa thôi mà, có gì mà phải căng thẳng thế? Nhưng đây là những lí do vì sao bệnh tâm lý không nên được lấy ra làm trò đùa hay để làm những tính từ mang tính chế giễu:
 
1. Khi bạn sử dụng bệnh tâm lý như một tính từ miêu tả một trạng thái hoặc hành vi không liên quan, bạn đã khiến những hiểu lầm về bệnh và những người mắc chúng càng trở nên tai hại. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến sự kì thị và định kiến đối với lên những người mắc bệnh tâm lý, tâm thần vẫn còn tồn tại trong xã hội.
 
Một người đang buồn bực không nhất thiết phải mắc trầm cảm hay chứng tự kỉ. Một người hay có những trạng thái cảm xúc thất thường chưa chắc đã bị tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực. Một người cẩn thận và cầu toàn trong việc sắp xếp công việc không hẳn đã bị OCD (obsessive-compulsive disorder – rối loạn ám ảnh cưỡng chế).
 
Ngược lại, những người có vẻ như hoàn toàn bình thường vẫn có thể mang trong mình một chứng bệnh tâm lý nào đó, và họ ở khắp mọi nơi xung quanh bạn. Bạn không thể biết được khi nào câu nói đùa của mình sẽ khiến những người xung quanh bạn hiểu sai về chứng bệnh đó và đối xử với người bị bệnh một cách bất công. Và một khi đã hiểu sai về bản chất của bệnh tâm lý, những kì thị và định kiến cũng theo đó mà phát triển.
 
2. Khi bạn dùng bệnh tâm lý như một trò đùa để chế giễu và châm chọc người khác, bạn đã vô tình hạ thấp độ nghiêm trọng của bệnh và xoá mờ những khó khăn mà người mắc bệnh gặp phải.
 
Khi bạn đùa về việc một người mắc một rối loạn tâm lý nào đó, bạn có thể đã không nghĩ đến cuộc chiến mà những người mắc các rối loạn tâm lý phải tranh đấu hàng ngày. Họ không chỉ phải giải quyết những vấn đề trong cuộc sống như bao người khác, mà còn phải chịu đựng những suy nghĩ tiêu cực, những ảnh hưởng xấu mà những chứng bệnh tâm lý gây ra cho sức khoẻ tinh thần của họ và những người xung quanh.
 
Rất nhiều chứng bệnh tâm lý, tâm thần có thể dẫn đến tự tử hoặc các tổn thương nghiêm trọng về thể chất. Những người mắc bệnh tâm lý thường là nạn nhân nhiều hơn là thủ phạm của những vụ xung đột bạo lực (Appleby et al., 2001). Những người mắc bệnh tâm thần nặng, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực hay loạn thần có nguy cơ bị tấn công, cưỡng hiếp và cướp giật gấp 2,5 lần những người không mắc (Hiday et al., 1999). Những người mắc bệnh tâm lý mà không được chẩn đoán và chữa trị có nguy cơ bị cảnh sát giết bỏ trong các cuộc đụng độ gấp 16 lần so với phần còn lại của dân số (Treatment Advocacy Center, 2014).
 
Đây là vẫn còn chưa kể đến những khó khăn mà bạn bè và người thân của họ có thể gặp phải.
 
Việc sử dụng bệnh tâm lý, tâm thần để gây tiếng cười sẽ không có gì là sai trái nếu sự châm biếm và hài hước đó có mục đích làm giảm nhẹ nỗi đau của người bệnh, hay phá bỏ định kiến đối với những người mắc bệnh tâm lý. Nhưng điều này khác xa việc dùng những chứng bệnh đó để chế giễu, cười cợt, làm méo mó đi bản chất của bệnh tâm lý và khiến cho xã hội ngày càng mang nặng những hiểu lầm, kì thị.
 
 
Thu Trang
 
Nguồn:
 
 

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Bệnh tâm lý có phải một trò đùa?

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s