Những đốm lửa nhỏ

Đọc thư tư vấn gửi về nhóm và cả trong nhóm hỗ trợ nội bộ, tôi thường thấy những thông điệp quen thuộc như: “Mình không thể nói ra được với ai, kể cả bạn thân nhất” “Nhỡ họ kỳ thị, xa lánh mình thì sao” “Mình yêu cô ấy nhưng nếu cô ấy phát hiện ra mình bị rối loạn lo âu, chắc chắn cô ấy sẽ nghĩ mình là một thằng điên”. Những cảm xúc và sự mâu thuẫn bóp nghẹt họ khiến họ không thể mở lòng ra với ai được nữa. Cũng phải thôi, ngay cả những người trẻ còn có bạn nói rằng rạch tay là để thể hiện, làm màu, và tự tử là “xu hướng” ngay dưới những dòng tâm sự của một ai đó đang bị bệnh; thì khó có thể trách vì sao nhiều người không tìm đến sự giúp đỡ ngay cả khi bế tắc nhất.

Biết bao nhiêu vụ ra đi thương tâm của những người trẻ, thậm chí rất trẻ vì bị rối loạn tâm lý nhưng không thể tìm đến sự giúp đỡ. Có em bị nặng quá không chịu được đã tự vẫn, một em khác tôi biết, có xin phép gia đình để đi khám nhưng gia đình không cho phép, và nói rằng “Chỉ có bọn điên mới đi khám cái đó”. Nhiều em phải lén lút đi khám, vay tiền bạn hay thậm chí tự ý mua thuốc để rồi bị gia đình phát hiện và chửi đánh.

Nguồn: Tumblr

“Bệnh tâm lý không phải là sự yếu đuối. Nó là những căn bệnh, cũng giống như ung thư vậy. Những người mắc bệnh có thể được chữa trị và giúp đỡ, nhưng chỉ khi nào người ta thấu hiểu. Bệnh tâm lý không phải là là lỗi của ai cả. Để giúp đỡ thì chúng ta cần phải loại bỏ những hiểu lầm tai hại về bệnh tâm lý. Tới lúc đó chúng ta mới có thể giúp đỡ. HÃY HIỂU SỰ THẬT VÀ LOẠI BỎ SỰ KỲ THỊ.” – Nguồn: Tumblr

Có những cô bé, cậu bé chỉ mới học lớp 9, lớp 10 nhưng đã mắc bệnh và tự cách ly với hội bạn xung quanh vì cũng không ít em bị trêu chọc, bắt nạt ngay tại lớp. Không ai, không một ai trong số những trường hợp nêu trên từ phụ huynh, cho đến giáo viên, có thể nói với các em nhỏ của mình, rằng, đã có người lớn ở đây, hãy yên tâm, rằng họ sẽ mang các em đi chữa trị, rằng họ hiểu và họ mong điều tốt nhất cho con em mình.

Trong đám tang của một cô bé 15 tuổi tôi biết, những người họ hàng – những người đã nói em không biết nghĩ cho bố mẹ – cho đến lúc em mất vì tự tử, vẫn tiếp tục buông lời cay nghiệt, chép miệng nói vì sao em ích kỷ, vì sao em không biết nghĩ cho bố mẹ vất vả sinh thành ra em. Mà họ đâu có hiểu là em bị ốm, có điều gì đó bất thường xảy ra trong não bộ của em: mất cân bằng chất hóa học, thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh, hay có thể là tổn thương não bộ… Tại sao họ vẫn đi thăm người ốm, người bị tai nạn, người bị ung thư, nhưng không một ai đưa em đi khám hay hiểu em dù chỉ một lần?

Một cậu bé bị ấu dâm và người ta nói rằng cậu bé là con trai, mười ba mười bốn tuổi cũng đã lớn rồi, “phải biết tự bảo vệ bản thân chứ”. Một cô bé học sinh, đi học thêm về muộn và bị bóp ngực, chia sẻ những trải nghiệm của mình trên mạng và tiếp tục bị nói là câu like, và còn bị đe dọa, chửi rủa. Vậy còn những đứa trẻ 8 tuổi, những em bé hơn như vụ ấu dâm ở Vũng Tàu thì các em phải biết “tự bảo vệ bản thân” thế nào đây? Những câu chửi rủa ác nghiệt, rape joke tràn lan với những người bị nạn và ngay cả những người dũng cảm đứng lên nói lên tiếng nói của mình. Những người thông cảm và giang tay giúp đỡ còn bị nói rằng “Hay là bị hiếp chết rồi nên mới hiểu nhau như vậy”…

Đó là những gì đang-xảy-ra tại đất nước này, vào những năm 2015, 2016 và 2017 của thế kỷ hai mươi mốt.

Tôi biết cho dù chúng tôi có cố gắng đến mấy thì cũng sẽ có những nơi thông tin hay ánh sáng chưa thể với tới được. Những gì tôi và nhiều bạn khác làm, những cá nhân nhỏ bé khác đang cố gắng giải thích, cố gắng giúp đỡ nhiều người hơn cũng chỉ là những đốm lửa nhỏ, nhen nhúm trong chính cộng đồng của mình. Chúng ta phải bắt buộc, trong chính suy nghĩ của mình, phá bỏ những định kiến đóng thành tường thành dày và lạnh lẽo ấy.

12190909_1649466811988968_5168093976864809636_n

“Mẹ tôi nói với tôi rằng: Chính bởi những chấn thương mà biến chúng ta thành người bảo hộ. Vì đau khổ đã làm da thịt chúng ta kiên cố lên và làm cho trái tim chúng ta mềm yếu hơn, và nếu chúng ta học cách sống chung với bóng ma của những điều đã từng gây ra cho chúng ta trước đó, chúng ta mới có thể cứu rỗi được những người khác từ những kết cục tương tự” – Viết tay: Khánh Linh – Quote: S. S. Gibson

Tôi mắc Rối loạn ám ảnh cưỡng chế và Rối loạn hoảng sợ đã được gần 14 năm nay. Hiện tại, tôi đang có một công việc ổn định và đã lập gia đình. Bạn đời của tôi là một người hướng nội, có dấu hiệu của bệnh sợ xã hội và trầm cảm (nhưng anh từ chối điều trị và đi khám trong suốt khoảng thời gian trước đó). Tôi không thể tưởng tượng nổi nếu không có một người hiểu về bệnh của mình và những tổn thương của mình như vậy, liệu hiện giờ tôi còn có thể đứng đây nữa không? Những người bị tổn thương giống nhau sẽ tìm đến với nhau, sẽ dễ dàng hơn để giải thích hơn với một người khỏe mạnh, hoặc với những người chỉ đơn giản họ nghĩ, “tất cả chỉ là ở trong đầu mày thôi”. Đúng, câu đó thật ra không sai, vì khi ai đó bị ngã, bị đau, bị ốm, thì cũng là do não bộ nhận được tín hiệu đau đó mà thôi, nhỉ?

Có thêm một người hiểu mình, thêm một người nói rằng “Mình ở đây nghe cậu. Mình hiểu mà” chắc chắn là sẽ đỡ hơn rất nhiều. Chúng ta đâu biết, có những trận chiến ai đó trải qua trong thầm lặng khó khăn đến nhường nào. Nhưng phán xét thì luôn luôn là dễ dàng. Vì vậy, nếu bạn đọc được những dòng này, hỡi bạn của tôi – tôi muốn nói rằng cuộc sống này vô cùng khó khăn và nếu chỉ cần hiểu nhau thêm một chút thì cuộc đời sẽ bớt gồ ghề hơn. Dĩ nhiên, thực tại thì luôn khó khăn, nhưng sự tử tế chính là liều thuốc chữa lành tâm hồn tốt nhất.

Và tôi tin rằng, trong tâm khảm của mọi người đều có những đốm lửa nhỏ ấy. Chỉ là, chúng ta có biết hay không, có muốn đánh thức chúng dậy hay không mà thôi.

Tác giả: Khánh Linh

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Những đốm lửa nhỏ

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s