“Ai bảo cô ta ăn mặc khêu gợi như thế chứ? Rõ ràng là cô ta mời chào rắc rối đến với mình mà?”
“Không có lửa thì làm sao có khói, cô ta phải như thế nào thì những người kia mới tấn công tình dục cô ấy chứ? Chẳng lẽ cô ta đang đi giữa đường thì có người nhào tới à?”
“Chuyện kiểu này chẳng bao giờ xảy ra với tôi cả. Ăn mặc đàng hoàng thì đã chẳng bị vậy!”
Thật không khó để thấy những lời bình luận này dưới bất kỳ bài viết về nạn tấn công tình dục nào. Trái ngược với sự thông cảm dành cho nạn nhân thì những người này chỉ chăm chăm vào phân tích nạn nhân đã mặc gì, cái váy có quá ngắn hay không, cái áo có hở quá hay không, mái tóc có buộc cao quá để lộ cần cổ duyên dáng mời chào khêu gợi hay không?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân này là giả thuyết về một thế giới công bằng – the just-world hypothesis. Giả thuyết này nói về việc người ta tin tưởng rằng một người sẽ nhận được những gì anh ta xứng đáng được nhận đến mức họ sẵn sàng hợp lý hóa những hành vi bất công không thể giải thích được bằng việc cho rằng đó là lỗi của nạn nhân, hoặc họ đã làm điều gì đó để bị như vậy (1).
“Mối quan hệ giữa tốt đẹp và hạnh phúc, giữa độc ác và trừng phạt mạnh đến mức khi một trong hai xảy ra thì chúng ta giả định cái còn lại là nguyên nhân. Bất hạnh, bệnh tật, tai nạn thường là dấu hiệu của tội lỗi và xấu xa. Nếu một người chẳng may gặp bất hạnh thì chắc hẳn cô ta phải làm điều gì đó tội lỗi.”
Ngay cả trong thành ngữ chúng ta luôn có những câu như “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, “Không có lửa thì làm sao có khói.” Những thành ngữ này ám chỉ rằng luôn luôn có những hậu quả có thể đoán trước cho những hành vi của chúng ta. Nếu bạn làm điều gì đó tệ hại thì nhất định sẽ có chuyện xấu xảy ra với bạn. Dường như có một thế lực công lý nào đó luôn đảm bảo rằng những hành vi tốt sẽ được đền đáp và những hành vi xấu sẽ bị trừng phạt. Và chúng ta có thể dễ dàng thấy thông qua những câu nói đầu bài rằng có rất nhiều người tin vào điều đó, bởi vì nó giúp họ hợp lý hóa những may mắn hay bất hạnh mà người khác gặp phải. Hoặc nó có thể giúp họ cảm thấy được bản thân có thể ảnh hưởng lên thế giới xung quanh theo những cách có thể đoán trước được.
“Nếu tôi làm tốt, nếu tôi chịu khó, nếu tôi đến trường… thì tôi sẽ được thưởng”
Thật đáng tiếc rằng giả thuyết về một thế giới công bằng không phải lúc nào cũng đúng. Có những người làm tốt nhưng chẳng được tưởng thưởng, hoặc có những người làm xấu thì chẳng bị trừng phạt. Khi chúng ta đặt nặng niềm tin vào giả thuyết này thì chúng ta có thể đổ lỗi cho người nghèo vì họ nghèo, hoặc đổ lỗi cho nạn nhân chỉ vì họ là nạn nhân. Chúng ta luôn muốn tin tưởng rằng thế giới này là một nơi an toàn và công bằng, nơi mà chúng ta nhận được những gì chúng ta xứng đáng được nhận, ngay cả khi có những bằng chứng chỉ về hướng ngược lại, thì chúng ta rất khó rũ bỏ niềm tin rằng thế giới này có đôi lúc rất không công bằng (2).
Khi gặp phải những bằng chứng đi ngược lại với niềm tin, nghiên cứu đã chỉ ra những người có niềm tin mãnh liệt về thế giới công bằng sẽ làm một trong hai điều sau: Hoặc là họ sẽ cố gắng loại trừ đau đớn mà nạn nhân vô tội đang phải chịu, hai là họ sẽ xúc phạm nạn nhân. Bởi vì không thể đảo ngược lại tội ác tình dục và thông qua đó xóa đi nỗi đau mà nạn nhân phải chịu, thì những nạn nhân tình dục thường bị xúc phạm, bị hạ thấp nhân phẩm và bị đổ lỗi. Trong tình huống này, người tin vào một thế giói công bằng có thể tiếp tục gìn giữ niềm tin của mình vì chẳng còn nạn nhân vô tội nào nữa mà chỉ có một người gặp bất hạnh vì những gì cô ta làm mà thôi. Họ có thể đỗ lỗi cho nạn nhân dưới bất kỳ khía cạnh nào bao gồm quần áo (váy quá ngắn, áo hơi mỏng…), hành vi của cô ấy (uống rượu, đùa giỡn…) hoặc tính cách của cô ấy (cô ta là kẻ nói dối, cô ta muốn gây sự chú ý…) (3)
Niềm tin là một thứ rất thiêng liêng, nó kết nối chúng ta lại, cho chúng ta sức mạnh và định hướng hành động của chúng ta. Biết được mọi thứ đồng nghĩa với việc chúng ta biết cách xử lý tất cả các tình huống. Chúng ta cảm thấy vui vẻ và an toàn hơn rất nhiều khi biết rằng mình cần phải làm gì, dù cho có chuyện gì xảy ra, hơn là khi chúng ta mất phương hướng và không biết phải rẽ về đâu. Và nếu chúng ta cho rằng mình biết tất cả mọi thứ và có thể làm gì nếu tình huống đó xảy ra thì dĩ nhiên chúng ta chẳng vui vẻ gì khi biết được thật ra chúng ta cực kỳ ngu ngốc và bất lực, và chúng ta cần phải bắt đầu lại từ đầu và cố gắng học xem chuyện gì đang xảy ra và làm cách nào để giải quyết nó – nếu như thật sự có bài học nào được rút ra. Đó là cảm giác quyền lực gắn liền với cảm giác về tri thức khiến con người tin tưởng vào niềm tin và sợ hãi nghi ngờ. (4)
Chúng ta cần phải nhận ra rằng, bất hạnh và điều xấu có thể xảy ra với bất cứ người nào. Thế giới này đôi khi rất công bằng, ấm áp, nhân hậu, nhưng đôi lúc cũng bạo lực, và phân biệt đối xử mà chẳng đoái hoài gì đến việc họ đã làm gì để phải nhận lấy những điều đó. Bởi vì nếu không có bất kỳ lý do xác thực nào giải thích cho việc một người phải chịu bất hạnh, thì rất khó có thể thoát khỏi sự thật rằng bạn cũng có thể là nạn nhân tiếp theo.
Be loving, be kind.
(1) https://psychcentral.com/encyclopedia/just-world-hypothesis/
(2) https://www.khanacademy.org/test-prep/mcat/individuals-and-society/perception-prejudice-and-bias/v/social-perception-the-just-world-hypothesis
(3) https://www.units.miamioh.edu/psybersite/justworld/interpersonal.shtml
(4) W.K.Clifford, The ethics of belief, 1879.
Dịch và viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
Nguồn ảnh: Calvin Jone