Quora là nơi mọi người đăng những câu hỏi và có những chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau lẫn người thường vào trả lời. Các chủ đề trên Quora rất thú vị và bạn có thể học được nhiều thứ mới trên đó. Đây là một trong những trang web mình để chế độ nhận email để có thể nhận được tin nhắn về những câu hỏi hay thuộc chủ đề mình thích. Bạn nào thích thì có thể check thử xem.
Dưới đây là một câu hỏi trên Quora mà mình tình cờ đọc được và rất thích.
Câu hỏi: Điều gì những nhà tâm lý học nghĩ nhưng giữ cho riêng mình và không nói với thân chủ mắc trầm cảm?
Trả lời: Betsy Kassoff, nhà tâm lý học lâm sàng (từ 1985-hiện tại)
Trong 30 năm tư vấn cho những người trầm cảm (và nhiều người khác) có một vài điều tôi suy nghĩ, nhưng hiếm khi nói, ít nhất là trong khoảng thời gian đầu của quá trình chữa trị.
Người đó trầm cảm, hay là không vui? Hai cái này không giống nhau. Người trầm cảm cảm thấy bơ vơ và tuyệt vọng. Họ gặp vấn đề với ăn uống và ngủ quá nhiều hoặc quá ít. Họ đánh mất cảm giác thỏa mãn với những hoạt động đã từng khiến họ cảm thấy hạnh phúc. Cuộc sống nhìn như màu xám với họ, hoặc trống trải, hoặc khắc nghiệt. Người không hạnh phúc có thể cảm thấy không vui về những thứ đặc biệt – như công việc, bạn đời, cô đơn hoặc những tình huống khó khăn như vừa mất người thân. Họ có thể không hạnh phúc, nhưng họ có những khoảng thời gian họ cảm thấy như là chính mình, hoặc có thể làm dịu bản thân, như có một người đã nói “Tôi ghét cuộc sống của mình…nhưng khi tôi đọc một cuốn sách ở nhà, tôi cảm thấy hạnh phúc.”
Có sự liên quan của các chất kích thích ở đây không? Những người uống rượu hoặc dùng các chất gây ảnh hưởng đến tâm trí như cần, hay ma túy đá có thể đang trong xu hướng dùng thuốc, rồi vã thuốc. Nói theo góc nhìn hóa học thần kinh thì các triệu chứng vã thuốc có thể giống trầm cảm. Nên tôi cần phải đánh giá khả năng ấy.
Liệu họ có muốn tốt hơn không? Với một số người, trầm cảm đã trờ thành một cách sống đau đớn nhưng quen thuộc. Có lẽ họ cảm thấy tội lỗi vì mình là người sống sót, hoặc không xứng đáng có được hạnh phúc vì con họ đã mất, hoặc họ gắn liền với suy nghĩ “chiếc ly vơi một nửa” (1) vì những lý do tâm lý. Tôi cố gắng hiểu xem liệu đây có phải là xu hướng lâu dài và liệu họ có u buồn đến mức cố gắng thử những thứ có thể giúp họ khá hơn.
Họ có tập thể dục không? Đây là một trong những cách hiệu quả nhất và ít xâm nhập, một cách hồi phục từ trầm cảm. Và cả khi họ không cảm thấy muốn tập, họ có thử không?
Họ có đang giam mình trong những lối suy nghĩ khiến họ mắc trầm cảm không? Liệu họ có tưởng tượng ra một cuộc sống thành công mà không có những đau đớn trong đó hay không. Nếu có, tôi sẽ đề nghị thử phương pháp trị liệu nhận thức-hành vi cho những suy nghĩ sai lầm.
Và cuối cùng, liệu có có sẵn sàng thử thuốc chống trầm cảm. Đây không phải là phương pháp hàng đầu của tôi, nhưng bên cạnh tư vấn trị liệu, nó cũng là một công cụ hữu dụng. Khi bệnh nhân từ chối phương pháp này, hoặc nghĩ đây là viên thuốc kỳ diệu thì tôi muốn hiểu tại sao.
Trầm cảm là thứ mà hầu hết các nhà trị liệu gặp phải hằng ngày khi hành nghề. Mặc dù tôi chia sẻ khá nhiều về suy nghĩ của tôi khi đánh giá. Những câu hỏi trên tôi có thể không chia sẻ ngay lập tức, hoặc ít ra trong những cách mà tôi đã nói bên trên. Tôi muốn hiểu những trải nghiệm của bệnh nhân về những đau đớn của họ trước khi tôi có thể hình thành được phương án điều trị thích hợp.
Trầm cảm có thể điều trị được, và nếu bạn đang mắc phải nó, xin hãy hỏi để được giúp đỡ.
….
(1): Chiếc ly nửa vơi (glass is half empty): Đây là một cách ví von trong tâm lý học. Một ly nước có thể “nửa đầy” (half full) hoặc “nửa vơi” (half full) tùy theo cách nhìn nhận của một người, phân biệt ra thành không lạc quan / tiêu cực, hoặc lạc quan / tích cực
Trong bài dịch mình có bỏ đi một câu rất nhỏ, không gây ảnh hưởng đến cả bài vì mình nghĩ nó có thể dễ khiến các bạn hiểu lầm.
-Nguyệt-
Link câu hỏi: https://www.quora.com/What-do-psychologists-think-but-keep-to-themselves-about-depressed-people