Nguồn: Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ
https://www.ptsd.va.gov/professional/ptsd-overview/complex-ptsd.asp
(LƯU Ý: Phân mục này dành cho những nhà nghiên cứu, nhà cung cấp dịch vụ và những người hỗ trợ tâm lý.
Translator’s note: Hãy ngừng đọc bất kỳ lúc nào nếu phân mục này khiến bạn căng thẳng.)
Complex-PTSD (C-PTSD)
Nhiều biến cố sang chấn (điển hình như tai nạn xe hơi, thảm hoạ tự nhiên…) thường giới hạn trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những người bị ảnh hưởng sẽ phải trải nghiệm cơn sang chấn mãn tính. Việc này có thể tiếp diễn trong vòng nhiều tháng, hoặc thậm chí là nhiều năm. Sang chấn kéo dài, lặp đi lặp lại sẽ để lại thương tổn tinh thần. Ở thời điểm hiện tại, khái niệm PTSD (như một kết quả chẩn định tâm lý) thường không mô tả chính xác mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Ngoài những triệu chứng chính thức của PTSD, những người trải qua sang chấn mãn tính thường gặp phải những triệu chứng khác (ví dụ như sự thay đổi trong cả việc định hình bản thân và cả cách họ thích ứng với những biến cố gây căng thẳng).
Tiến sĩ Judith Herman của trường Đại học Harvard giả định rằng một khái niệm chẩn định mới, C-PTSD, là cần thiết cho việc miêu tả những triệu chứng của sang chấn kéo dài (1). Đôi khi, những triệu chứng này được miêu tả dưới cái tên Disorders of Extreme Stress Not Otherwise Described – DESNOS (tạm dịch: Những Hội chứng Stress Cực độ Không xác định) (2). Một tổ công tác cũng đã đề xuất một khái niệm chẩn đoán mang tên Developmental Trauma Disorder (tạm dịch: Hội chứng Sang chấn [trong quá trình] Phát triển) cho những trường hợp thanh/thiếu niên phải trải qua những biến cố sang chấn mãn tính (3).
Những kết quả từ Thử nghiệm thực tế của DSM-IV cho thấy 92% các cá nhân mắc C-PTSD/DESNOS cũng có những tiêu chí chẩn đoán cho PTSD, dẫn đến việc C-PTSD đã không được xếp loại là một khái niệm chẩn đoán riêng (4). Tuy nhiên, những trường hợp liên quan đến sang chấn lặp lại, kéo dài có khả năng cần xem xét các cách trị liệu đặc biệt.
Những loại sang chấn nào liên quan đến C-PTSD?
Theo tiến sĩ Herman, khi trải qua những cơn sang chấn lâu dài, nạn nhân thường trong tình trạng bị dồn nén/giam cầm về mặt thể chất hoặc tinh thần. Trong những trường hợp này, nạn nhân bị thủ phạm điều khiển, và không có khả năng thoát khỏi mối nguy hiểm.
Một số ví dụ cho những hoàn cảnh gây sang chấn bao gồm:
- Trại tập trung (concentration camps)
- Trại giam tù nhân chiến tranh (POW camps)
- Nhà chứa mại dâm
- Bạo lực gia đình kéo dài
- Hành hạ thể chất trẻ nhỏ kéo dài
- Xâm hại tình dục trẻ nhỏ kéo dài
- Tổ chức lạm dụng/bóc lột trẻ nhỏ có sắp đặt
Những triệu chứng nào khác thường thấy với C-PTSD?
Một cá nhân đã trải nghiệm một quãng thời gian bị [kẻ khác] hành hạ liên tục và điều khiển lâu dài có thể sẽ gặp phải một số khó khăn về những vấn đề sau:
- Điều khiển cảm xúc. Có thể bao gồm nỗi buồn dai dẳng, suy nghĩ về việc quyên sinh, sự phẫn nộ bùng phát, hoặc nỗi giận bị kìm nén.
- Sự tỉnh táo. Có thể bao gồm việc quên bẵng / nhớ lại những biến cố sang chấn, hoặc đối mặt với những trải nghiệm mà cá nhân người bệnh cảm thấy tách biệt (phân ly) với thể xác hoặc tinh thần.
- Định hình bản thân. Có thể bao gồm sự bất lực, xấu hổ, tội lỗi, kỳ thị, và một cảm nhận mà khiến người bệnh thấy khác hẳn với những cá thể khác.
- Định hình sai lệch về kẻ phạm tội. Ví dụ như cung cấp cho kẻ gây hại toàn bộ quyền hạn, luôn nghĩ ngợi/bận tâm về mối liên hệ với kẻ gây hại, hay nghĩ ngợi về việc trả thù.
- Mối quan hệ với những người khác. Ví dụ như sự cô lập, mất lòng tin, hoặc sự tìm kiếm một người/nguồn giải thoát liên tục.
- Hệ thống định nghĩa của cá nhân. Có thể bao gồm sự mất một lòng tin lâu dài, hay một cảm giác vô vọng và tuyệt vọng.
Những người trải qua sang chấn mãn tính còn phải đối mặt với những khó khăn nào khác?
Bởi những người trải qua sang chấn mãn tính thường có những triệu chứng không được bao hàm trong khái niệm chẩn đoán mang tên PTSD, những bác sĩ lâm sàng có thể chẩn đoán nhầm thành PTSD, hay dựa vào một vài triệu chứng để chẩn đoán một hội chứng rối loạn nhân cách, ví dụ như Rối loạn nhân cách Bất định (Borderline Personality Disorder), Rối loạn nhân cách Phụ thuộc (Dependent Personality Disorder), hay Rối loạn nhân cách Khổ hình (Masochistic Personality Disorder).
Để xác nhận được bản chất của những triệu chứng được bộc lộ là đặc trưng của PTSD, hay người bệnh mắc PTSD kèm theo rối loại nhân cách, sự cẩn trọng là cần thiết trong quá trình thẩm định. Các bác sĩ lâm sàng cần đặc biệt tập trung thẩm định về PTSD, với hiểu biết rằng người từng trải qua sang chấn mãn tính có thể gặp một trong những khó khăn sau:
- Họ có thể tránh nghĩ đến hoặc nói đến những chủ đề liên quan tới sang chấn, bởi những cảm xúc liên quan tới sang chấn thường gây áp lực.
- Họ có thể lợi dụng chất chứa cồn hay những chất gây nghiện khác như một cách tránh né và vô cảm hoá những cảm giác và suy nghĩ liên quan tới sang chấn.
- Họ có thể tham gia vào việc gây thương tổn cho bản thân và những hình thức gây hại khác.
- Những người từng bị lạm dụng liên tục đôi lúc bị nhầm là có “khí lực yếu”, hoặc bị đổ lỗi một cách vô lý bởi những triệu chứng gặp phải do việc bị ngược đãi.
Phương pháp trị liệu cho C-PTSD
Những hình thức trị liệu thông thường, dựa trên bằng chứng thực tế có hiệu quả trong việc điều trị PTSD sau sang chấn mãn tính. Đồng thời, việc trị liệu C-PTSD thường bao gồm việc bàn về những khó khăn trong giao tiếp và những triệu chứng được nêu trên. Tiến sĩ Herman khẳng định rằng việc hoàn trả quyền lực và sự điều khiển [bản thân] cho người mắc sang chấn (translator’s note: ngắn gọn là quyền tự chủ) là cần thiết cho việc phục hồi từ C-PTSD. Những người mắc bệnh có thể được phục hồi quyền tự chủ thông qua những mối quan hệ mang tính chữa lành vết thương, tạo nên sự an toàn, cho phép hồi tưởng và than sầu, và khuyến khích việc quay trở về với đời sống thường ngày (1).
Tài liệu tham khảo
- Herman, J. (1997). Trauma and recovery: The aftermath of violence from domestic abuse to political terror. New York: Basic Books.
- Ford, J. D. (1999). Disorders of extreme stress following war-zone military trauma: Associated features of Posttraumatic Stress Disorder or comorbid but distinct syndromes? Journal of Consulting and Clinical Psychology, 67, 3-12.
- van der Kolk, B. (2005). Developmental trauma disorder. Psychiatric Annals, 35(5), 401-408.
- Roth, S., Newman, E., Pelcovitz, D., van der Kolk, B., & Mandel, F. S. (1997). Complex PTSD in victims exposed to sexual and physical abuse: Results from the DSM-IV field trial for Posttraumatic Stress Disorder. Journal of Traumatic Stress, 10, 539-555.
Dịch: Qantas V.