Sống Cùng Người Trầm Cảm

Mọi người thường hay hỏi Ken, chồng của tôi, rằng anh ấy làm thế nào để ngăn tôi tự tử. Câu trả lời của anh ấy ngắn gọn chỉ là, “Tôi không làm gì cả, là chúng tôi may mắn.”

Kể từ khi phát hành cuốn sách Struck by Living, tôi đã có cơ hội trò chuyện với hàng ngàn người có người thân yêu tự sát, nên tôi hiểu được nỗi đau của những người ở lại. Tôi luôn nói với họ rằng, điều mà người thân bạn đã làm không phải vì họ không yêu thương bạn. Câu nói này chính là kinh nghiệm của chính tôi, cũng như trong nghiên cứu của Thomas Joiner và nhiều người khác. Một khi người nào đó chọn việc tử tử, việc sống sót tùy thuộc phần nhiều vào may rủi mà thôi. Những người quyết định tự tử khá giỏi trong việc đánh lừa những người xung quanh, cả gia đình và bạn bè thân thiết. Để giảm thiểu con số người chết vì tự vẫn hàng năm (khoảng 38,500 ca so với 40,000 ca chết vì ung thư ngực), chúng ta cần phải bắt đầu từ sớm. Chúng ta cần nói đến sức khỏe tâm thần từ trước khi có ai đó cân nhắc tự tử, với tất cả mọi người, chứ không chỉ những người có biểu hiện của bệnh tâm lý.

Sau cái chết của Robin Williams, các vấn đề về những bệnh tâm lý ngập tràn khắp những mặt báo. Có rất nhiều những diễn đàn công khai để mọi người đặt câu hỏi và trải lòng. Tuy đó là một điều hay, đây là băn khoăn của tôi: rất hiếm khi chúng ta cho rằng bệnh tâm lý có thể xảy đến cho một người phải chịu căng thẳng nhiều, hoặc ngủ ít, hoặc không có ai giúp đỡ. Ở những diễn đàn đó, thường là những chuyên gia hay người thân chỉa mũi dùi vào những người bệnh, cứ như thể bệnh tâm lý chỉ dành cho những người có khiếm khuyết về di truyền vậy. Dường như không có ai trao đổi về việc chúng ta ai cũng có thể bị bệnh, và làm sao để bảo vệ chính bộ não của chúng ta. Với cách nhìn kia, chúng ta chỉ mãi đuổi theo căn bệnh, phản ứng với chúng thay vì phòng ngừa chứng. Tôi nói về sự chế ngự và ngăn ngừa bệnh, không phải vì tôi là nhà tâm lý học hay bác sĩ tâm lý, mà vì tôi là một người đã và đang kiềm chế được căn bệnh của mình.

Chồng tôi nói đúng, anh ấy đã không thể ngăn chặn tôi tự sát. Nếu không nhờ ga-ra ở nhà tôi thông gió tốt và những lần trị liệu bằng sốc điện (ECT – electroconvulsive therapy), có lẽ tôi cũng trở thành một con số mà thôi. Điều mà anh ấy ít khi đề cập tới, đó là anh ấy đã làm thế nào để giữ cho bản thân tỉnh táo ở giai đoạn căng thẳng này trong cuộc hôn nhân của chúng tôi. Trong cuộc nói chuyện TED gần đây, anh ấy đã nói đến vấn đề này. Bởi vì anh ấy đã bảo vệ chính anh ấy, nên anh ấy mới có thể ở bên cạnh giúp đỡ tôi được. Anh ấy là người đã giúp tôi phải sống, phải thử làm ECT, không có anh ấy, có lẽ tôi đã không còn ở đây. Dưới dây là những điều anh ấy đúc kết được khi giúp tôi khắc phục bệnh trầm cảm:

  1. Đó không phải là lỗi của bạn. Chúng ta thường cảm thấy mình có trách nhiệm khi người bạn đời của mình trở nên bất thường. Tuy nhìn nhận lại mối quan hệ để sửa chữa những sai lầm là việc nên làm, nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng, bệnh tâm lý là một căn bệnh. Chúng ra không trách bản thân khi người thân yêu mắc bệnh khác, như ung thư, thì chúng ta cũng không nên tự trách khi họ mắc một căn bệnh về tâm lý. Thông thường thì bệnh về tâm lý có liên quan đến yếu tố di truyền và bộc lộ ra bởi tác động nào đó từ môi trường. Các tác động đó đôi khi chúng ra có thể kiểm soát được, nhưng những phần khác, như di truyền, thì chúng ta đâu thể thay đổi được.
  2. Trầm cảm là có thật và nó là một căn bệnh. Hãy nhìn nhận về trầm xảm một cách nghiêm túc và tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia. Phủ nhận căn bệnh hay từ chối làm gì đó cho nó đều không làm cho bệnh tự biến mất. Rất nhiều khi bệnh trầm cảm có thể kiểm soát được khi chúng ta phát hiện sớm và chữa trị đúng cách. Khi để bệnh phát triển quá xa, người bệnh có thể tìm cách che giấu ý định (tự tử) của họ. (Ken đã kể rằng anh đã thấy hạnh phúc ngay ngày trước khi tôi tự tử. Bởi vì tôi đã dọn dẹp ga-ra trong trạng thái vui vẻ, điều mà anh ấy chưa thấy trong suốt vài tháng trời. Nhưng anh ấy không biết rằng dọn dẹp ga-ra là một phần trong kế hoạch tự sát của tôi. Anh ấy cũng nhớ lại những dấu hiệu bất thường trước đó từ tôi. “Được cái là tất tần tật tủ trong nhà đều được dọn sạch,” anh đùa, “nhưng giờ tôi luôn cố gắng nhắc nhở vợ tôi trước những lần cô ấy bắt đầu suy sụp như thế.”) Ngày nay, đa số chúng ta quản lý các bệnh tâm lý bằng những cuộc khủng hoảng mà không có những phương thức như tầm soát trên não bộ để phát hiện chúng từ sớm. Nếu chúng ta để những bệnh nhân ung thư vú phát triển đến giai đoạn bốn mới chữa, có lẽ số lượng người chết vì ung thư vú còn cao hơn nữa. Chúng ta cần tiếp cận với bệnh tâm lý theo cách tương tự vậy. Nhưng điều khó khăn là, những cơn hưng cảm trông có vẻ tốt và luôn được củng cố một cách tích cực. Tuy rằng trong một chừng mực nào đó, sự hưng cảm khá là tốt, nhưng những người đang chống chọi với chứng hưng cảm lại cần có gia đình lẫn bạn bè để mắt tới, đề phòng họ hưng phấn quá mức rồi vụt tắt.
  3. Hãy tìm đến mọi sự hỗ trợ có thể. Đôi khi thân nhân của người bệnh hay giấu giếm việc họ có người nhà mắc bệnh tâm lý nói chung hay trầm cảm nói riêng, vì họ cảm thấy ngại hoặc xấu hổ với mọi người xung quanh. Điều đó khiến những người thân trong nhà là những người phải chịu mọi gánh nặng trong việc chăm sóc người bệnh mà không được ai ủng hộ hay chia sẻ – và khiến cho mối quan hệ giữa người bệnh và thân nhân càng ngày càng căng thẳng hơn, có thể đổ vỡ bất kì khi nào. Bạn bè và cộng đồng xung quanh có thể giúp chống đỡ cùng với người chăm sóc cho người bệnh. (Như nhóm bạn của gia đình tôi đã giúp đỡ Ken rất nhiều trong việc quan tâm chăm lo cho tôi, thậm chí có khi họ còn luân phiên trông chừng thôi để phòng tôi làm gì tổn hại đến mình. Lúc đó tôi cũng khó chịu lắm, cứ như tôi là đứa trẻ lớn cần người trông vậy, nhưng việc tôi còn sống đến tận hôm nay là nhờ vào công sức của họ.)
  4. Hãy tự chăm sóc mình. Ken rất giỏi trong việc khoanh vùng và chăm lo cho bản thân anh khi áp lực đặt lên anh trở nên quá sức. Khi tôi trải qua liệu trình sốc điện lần đầu, anh ấy đi chơi golf. Nghe thì có vẻ thật vô tâm, nhưng thực sự lúc đó anh ấy đang chuẩn bị cho khi tôi cần đến anh ấy. Trong quá trình sốc điện, không có gì để anh ấy có thể làm cho tôi cả. Sau quá trình đó, khi tôi tỉnh lại, đó mới là khi tôi cần anh giúp đỡ. Anh đã đến ngay khi tôi cần.
  5. Hãy cởi mở. Ken hay nói rằng anh là người mở đầu câu chuyện về trầm cảm. Khi anh thừa nhận rằng tôi có vấn đề, mọi người sẽ chia sẻ câu chuyện của họ. Tôi cũng trải qua hiện tượng khỏi đầu câu chuyện kiểu này mội khi tôi nói về chủ đề này. Phải chăng chính những “vết nhơ” mà chúng ta nghĩ về bệnh khiến mọi người ngại phải chia sẻ về những người đã chế ngự thành công được những căn bệnh tâm lý của họ. Bởi vì ở ngoài kia, đã có hàng trăm hàng ngàn người đã và đang kiểm soát căn bệnh của họ và có đóng góp cho cộng đồng lẫn thế giới này.

Đó là 5 điều mà chồng tôi gọi là “Để sống với bệnh tâm lý của vợ (chồng) bạn.” Nếu bạn đọc đến hết bài này và đang giúp đỡ người thân yêu của bạn chống đỡ với bệnh tâm lý, xin cảm ơn bạn. Đôi khi vai trò này ít được biết ơn, và người thân của bạn thường xuyên chửi mắng bạn, gọi bạn là kẻ độc tài. Với những người đã trải qua và đang ở trạng thái ổn định, tôi mong bạn đừng bỏ cuộc. Những người thân của bạn có thể và sẽ trở nên khá hơn. Với những người có người thân yêu đã mất trong cuộc chiến này, xin bạn hãy nhớ rằng: họ làm thế không phải vì bạn không yêu thương họ đủ nhiều. Người ta chết vì ung thư. Người ta cũng chết vì bệnh tâm lý. Sự im lặng và tủi nhục chỉ làm chúng ta khó lòng hiểu và làm chủ được những căn bệnh trong bộ não.

___

Tác giả: Julie K. Hersh

Dịch: Amy

Biên Tập: Hải Đường Tĩnh Nguyệt

Link: https://www.psychologytoday.com/blog/struck-living/201409/how-survive-your-spouses-depression

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s