Chị gái tôi đã ốm trong một thời gian dài, và khi chị mất vì sử dụng thuốc quá liều, thì điều đấy hoàn toàn không phải là một sự bất ngờ quá lớn đối với gia đình tôi.
Rõ ràng, sự quá liều thuốc ấy chính là một tai nạn, là lỗi lầm của ông dược sĩ đã điền sai đơn thuốc cho chị tôi, đưa cho chị một liều Lithium mà khiến cho thận của chị hoàn toàn ngừng hoạt động. Nhưng dù cho cái chết của chị là tai nạn hay không thì điều đấy vẫn không quan trọng. Bởi, chị đã cố gắng kết liễu bản thân một vài lần. Từ lúc tôi 12 tuổi đến lúc tôi 15, tôi đã chứng kiến ít nhất là ba lần tự tử hụt của chị. Điều này nghe có vẻ khá là kinh khủng hoặc nhẫn tâm, nhưng dù với cách nào, cái chết của chị đến với tôi như một sự giải thoát, hoặc ít nhất là sự cao trào của một thứ gì đã được định đoạt và kéo dài lê thê từ một khoảng thời gian dài ở trước đó. Chị tôi lớn hơn tôi 11 tuổi và tôi yêu chị kinh khủng, nhưng thỉnh thoảng tôi hận chị vì đã can thiệp vào quãng thời gian tuổi thơ hạnh phúc mà tôi xứng đáng được hưởng, với những ảo giác của chị, với những cuộc trò chuyện về linh hồn, những nàng tiên, và những vật thể mà chỉ có chị mới có khả năng nhìn thấy nó.
Bây giờ, mỗi khi nhớ về chị, tôi không muốn dừng lại ở bệnh tật mà tôi muốn nhìn vào sự tuyệt vời và sự tuyệt diệu của chị. Cùng với nhau, chúng tôi tìm ra cỏ bốn lá và cùng chạy đi với nhau – lúc tôi chỉ mới 5 tuổi và chị đã 16 tuổi – và cùng bước cạnh nhau trên con đường quê khi chị kể tôi nghe câu chuyện về những ngôi sao trên bầu trời, những loài động vật và cả về những cặp tình nhân. Và những câu truyên dân gian của Ireland mà chị đã đọc cho tôi bằng chất giọng dễ nghe của chị khi chị đang chơi đàn hạc (Irish harp). Những điều ấy là những thứ mà tôi đã chọn để nhớ về chị, nhưng kể cả về sau này thì chúng vẫn nhấn chìm tôi vào trong nỗi đau đớn. Đây là bản chất của sự đau khổ. Sự đau khổ sẽ không bao giờ biến mất, nhưng điều ấy đôi khi không phải là một cái gì đó quá tệ. Sẽ là sai lầm nếu như ta cố gắng để quên đi điều ấy, bởi vì đôi khi đau buồn chính là một biểu hiện của tình yêu lâu dài. Có những lúc tình yêu có thể rất đau đớn, nhưng tình yêu vẫn cần thiết trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Trước khi chị tôi mất, tôi đã đăng kí cho mình một chuyến du lịch với Scholastic International – một nhóm chuyên dẫn dắt thanh niên chúng tôi đi khắp Châu Âu,. Chị Nola của tôi đã mất khoảng 1 tháng trước khi chuyến du lịch của tôi bắt đầu, nhưng mẹ tôi, người mà sự bao dung và vị tha của bà đã khiến tôi hoàn toàn sững sờ; đã nói rằng tôi nên đi, và trở thành đứa trẻ 15 tuổi đầy ích kỉ như tôi đã từng trước đó. Và thế là – tôi lên đường, Tôi muốn nói thêm rằng mẹ tôi cũng đã phải trải qua việc bố tôi mất cách đây 7 năm, vì vậy, việc cho tôi đi du lịch là một điều mà tôi thấy rất dũng cảm nơi bà. Mẹ chưa bao giờ khiến tôi cảm thấy tội lỗi, bà liên tục giục tôi hãy đi đi, dẫu cho mẹ hầu như chưa bao giờ bước chân ra khỏi nước Mỹ, duy nhất chỉ có một lần bà đến nước Anh cùng với chị gái tôi và tôi. Trong chuyến đi ấy, tôi đã phá huỷ hoàn toàn trải nghiệm ấy với mẹ và chị bởi sự hỗn láo của tôi. Nếu như những gì tôi kể khiến tôi nghe có vẻ như đang hối hận và tội lỗi, thì thực sự “hối hận” vẫn chỉ là một điều nhẹ nhàng hơn là điều mà tôi cho rằng tôi đáng phải nhận được. Từ lâu tôi đã vỗ về được đứa nhóc hỗn láo trong tôi, và tôi đã giải quyết được nó. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh sự bao dung của mẹ tôi, bởi tuy mẹ phải chịu nỗi đau sâu sắc hơn cả tôi nhưng bà vẫn mong rằng bà có thể làm cho nỗi đau của tôi nhẹ bớt đi.
Và thế là tôi đã đi đến châu Âu. Đã có những lúc tôi hoàn toàn quên về chị mình, những lúc mà tôi toàn tâm toàn ý đối với một chàng trai tôi thích năm 15 tuổi. Và đã có những lúc tôi nhớ tới chị, lúc mà tôi thắp một cây nến ở Notre-Dame và Chartres, dẫu cho chúng tôi là người Do Thái. Đó chỉ là một hành động đầy nhu nhược, nhưng ít nhất nó cũng đánh dấu được sự mất mát của tôi, đánh dấu được sự mất mát của thế gian này với một người trẻ 25 tuổi – người mà đáng nhẽ ra đã có thể đóng góp được rất nhiều thứ. Nó không chỉ nằm ở việc chấp nhận, bởi vì sẽ không có điều gì gọi là chấp nhận sự đau buồn, sẽ không bao giờ là như vậy cả. Tôi chỉ đơn giản đánh dấu nỗi đau của tôi như bây giờ, thắp sáng lên một ngọn nến khác mà sẽ dần dần cháy hết.
Khi tôi nghĩ về chuyến đi của tôi với Scholastic International như tôi thỉnh thoảng vẫn hay nghĩ về, tôi hiếm khi liên hệ chuyến đi ấy với cái chết của chị tôi, mặc dù thú thật là tôi nên làm vậy. Điều này dẫn đến điều kia. Nhưng trong chuyến đi ấy, tôi đã cố gắng để chế ngự những ý nghĩ về cái chết của chị tôi, như một kiểu tự phòng vệ về mặt tâm lý. Có phải tôi đã từng kể với những đứa khác rằng chị tôi đã mất một tháng trước đó không? Tôi không nghĩ là tôi đã nói. Và bởi vì tôi không nhận thức được nỗi đau của chính mình, vậy nên sự kì quặc trong những hành vi của tôi dường như là khó có thể giải thích được đối với những người trong đoàn. Tôi nhớ rằng có một cậu bạn đã yêu cầu tôi ngừng nhìn chằm chằm về phía anh ấy khi chúng tôi đang ngồi trên xe buýt đến Innsbruck, Austria. Có phải là tôi đã nhìn chằm chằm vào phía cậu ta không nhỉ? Tôi cũng chả để ý lắm, nhưng tôi chắc chắn rằng tôi có nhìn cậu ta, nhưng không phải nhìn vào cậu ấy, mà là nhìn xuyên qua cậu ấy, nhớ về chị tôi và tự hỏi rằng tôi đang làm gì ở đây. Tôi đang làm gì ở đây cơ chứ? Tôi vẫn không biết câu trả lời cho câu hỏi ấy, nhưng sự chăm chú của tôi – dẫu cho nó khiến cậu bạn ấy cảm thấy phiền – thì nó vẫn là một cái nhìn thẳng vào bên trong, cái kiểu nhìn của một người trong sự thẫn thờ – người mà đến tận bây giờ vẫn không thể hiểu nổi tại sao mình lại lên đường khi chị ấy ra đi.
Nguồn: Travelling with grief – professor Robin Hemley.
Dịch: Bống
Hiệu đính: Khánh Linh