Trút nỗi sợ đi*

*Tóm tắt sách “Trút nỗi sợ đi” của Lester Coleman, Nguyễn Hiến Lê dịch
joel-belmont

By Joel Belmont

Vì sao “nỗi sợ” lại quan trọng?

Lester Coleman là một y sĩ đã chứng kiến rất nhiều căn bệnh sợ phát sinh ở một số thân chủ, mà nếu không trị ngay thì bệnh mỗi ngày mỗi tăng, có thể biến đổi tính tình họ, hủy hoại công việc làm ăn, sự nghiệp của họ, hạnh phúc của họ và gia đình họ.
Nỗi sợ là căn bệnh “dễ lây và lây nhanh hơn bệnh dịch hạch”, bởi nỗi sợ đầu tiên chưa được trút bỏ, lại kéo theo một nỗi sợ khác, những móc xích ấy lớn dần làm con người ta lo lắng hơn. “Sức tàn phá của nó còn hơn tất cả các thứ bệnh dich gom lại bởi vì bệnh sợ làm cho tất cả các bệnh tiềm tàng trong mỗi người phát ra, còn những bệnh đã phát rồi thì nặng lên”.

Vậy nỗi sợ là gì?

Lester Coleman cho rằng nỗi sợ là “một hệ thống báo động phức tạp”, là “dấu hiệu báo ta phải phản ứng để giữ thăng bằng thể chất và tinh thần”.

Nỗi sợ do đâu mà phát sinh?

Nhiều lắm: một lời nhận xét ngẫu nhiên, một thái độ của cha mẹ đối với con cái, một câu mà trẻ nghe lỏm được; một trang sách; một người thân mất; một điều dị đoan, …”.
Ta quá quen với những đứa trẻ sợ ba mẹ chúng. Bẩm sinh nỗi sợ này không tự hình thành, mà theo tác giả, chính vì bậc cha mẹ hay lo, hay phóng đại nỗi nguy hại cho con trẻ, từ việc ăn uống đến những sinh hoạt nhỏ nhặt thường ngày. Ẩn sau tình cảm quan tâm con cái chính là sự vô tình gây hại đến cảm tính của trẻ. “Nếu con không chịu uống sữa thì xương con sẽ cong vẹo, không ngay đâu.” “Đừng ăn mau quá. Làm sao tiêu hóa được. Rồi lại đau cho mà coi.” Ẩn chứa bên trong cái sự âu yếm chính là những lời đe dọa mà trẻ phải lắng nghe hằng ngày từ lúc nhỏ cho tới lớn. Bên cạnh đó, còn có thêm một vài chi tiết ghê rợn để dọa chúng, điển hình là dọa ma. “Dọa ma” cứ tưởng là hiệu nghiệm, nhưng thực tế, trẻ dần mất tự nhiên và tạo một bức tường ngăn cách với bố mẹ chúng hơn.
Ngoài nguồn gốc từ gia đình, con người dễ bị ảnh hưởng bởi những chuyện xảy ra ở bệnh viện. Dù biết y sĩ cũng chỉ là một kẻ phàm nhân, nhưng, đâu đó trong ý thức của người bệnh, họ nghĩ các y sĩ như là một vị thần. Vì thế, tác giả cho rằng các y sĩ nên cân nhắc đến lời nói của mình, ông nhấn mạnh “một lời lỡ đễnh của y sĩ có thể làm cho một người dễ xúc động đâm ra sợ hãi và mất hết cả hạnh phúc trong đời”. Người bệnh đa phần đều mang tâm lý lo lắng, dễ bị ảnh hưởng. Vì thế, các y sĩ hay những bệnh nhân trước đây vô hình chung lại dễ dàng gây kích động đến tâm lý người bệnh hiện tại. Một em bé kể chuyện bà dì sanh con rồi chết, và thế là em nguyện không có con.
Ngoài việc bị các yếu tố bên ngoài chi phối, bản thân mỗi người bệnh lại tự chi phối chính mình bằng việc tự tạo ra những nỗi sợ, tự huyễn hoặc mình. Đó chính là “thế giới bệnh nhân”: sợ đau đớn, sợ già nua, sợ bị hất hủi ra ngoài rìa xã hội. Họ liên tục sinh ra những cảm giác sợ hãi tồn tại trong ý thức của chính mình, bị nỗi sợ ám ảnh và dày vò. Có những người vì quá sợ hãi lại đem nỗi sợ của mình gieo rắc cho người khác, và tất nhiên không thấy một chút cảm phiền.
Đa phần nỗi sợ bắt nguồn từ những giai đoạn nhạy cảm. Đó là giai đoạn tuổi thơ và tuổi thiếu niên. Chúng cũng chính là nền tảng cảm tính sau này của trẻ. Ở giai đoạn tuổi thơ, thái độ, tâm trạng của người lớn có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, phải thực sự kiên nhẫn lý giải để trẻ dễ hiểu và tin rằng bản thân chúng không bị lừa dối.
Lớn thêm một tí nữa, ở độ tuổi dậy thì thiếu niên, lần đầu tiên trẻ bắt đầu thay đổi, cuộc sống của nó được mở rộng ra ngoài xã hội, hình thành sự xung đột “giữa các bản năng của nó và cái mà người ta gọi là một thái độ được xã hội chấp nhận”. Sự hoang mang tuổi thiếu niên làm chúng dễ lo lắng, sợ sệt, mất an toàn trong xã hội vì chúng cảm thấy còn quá non nớt, thiếu kinh nghiệm khi gia nhập vào xã hội. Những khó khăn của tuổi mới lớn ngày một tăng dần đều, bởi vậy nếu tinh thần không bền vững, nỗi sợ hãi sẽ dễ dàng gặm nhấm tinh thần của chúng.

Giải pháp “trút nỗi sợ đi”

Không ai tránh được nỗi sợ, vì căn bản chúng ngự trị khắp nơi. Đừng che giấu nỗi sợ, bởi càng che đậy kĩ lưỡng, nỗi sợ càng chẳng tự dưng mất đi được. Đối với tác giả, nhận thức được nỗi sợ là một điều tốt, nhưng đối diện với chúng mới là điều đáng vui hơn.
Theo tác giả, muốn chữa trị căn bệnh sợ, trước hết phải nhận định thực tại, nhìn thẳng vào nỗi sợ của mình, xem nó tai hại ra sao, cố gắng phân tích nó, tìm nguyên nhân của nó rồi nhờ một chuyên gia tâm lý, một y sĩ, nhờ trị cho sự mất thăng bằng về tinh thần và thể chất của bạn, như vậy chắc chắn sẽ diệt được tật sợ hãi.
Nhật Hạ và Diên Bình

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s