“The first time we felt the pain, we were taken by surprise. Each woke up blind in bed, arms searching, legs stumbling. We don’t remember much of the first time. The second time it happened, we were still surprised, having thought the worst was over. We bent over in waves of oh god, not again, and oh god, not again. The body prayed for the first time. It wanted to hit back. By the third time, we felt the pain less and we knew which path to take for fastest relief — just grit the teeth, steady breaths, and hang to whatever is nearest. It would soon be over and we would be back in our beds, covered in sweat.” – C. J. Lee

By Lee JeffriesEcc
Cơn hoảng loạn thường đến vào lúc bất ngờ nhất, và cơn đau cũng vậy. Tôi thường tự bấu vào tay đến bầm đỏ lên mỗi khi có một cơn hoảng loạn ập đến. Cơn hoảng loạn đầu tiên đến với tôi là năm tôi 11 tuổi. Nó khiến tôi sợ hãi cùng cực, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh, mồ hôi vã ra và run rẩy. Với bạn tôi, thì đó là những nỗi buồn – nhưng nó không chỉ là cơn buồn thông thường, mà còn là sự trống rỗng sâu thẳm. Không phải sự trống rỗng đến nghẹt thở gì cả, mà nó nhẹ như làn sương nhưng ta không thể thoát khỏi nó. Nó chỉ đơn giản là ở khắp mọi nơi. “Nỗi buồn” ấy là không đáy. Có những đêm bạn tôi không ngủ được, và chỉ nghĩ đến cái chết. Có những hôm nó lại ngủ cả ngày và trong những giấc mơ chập chờn ấy, nó ước rằng nó có thể ra đi trong giấc ngủ. Con bé bị chẩn đoán rối loạn trầm cảm chính, nhưng đó là câu chuyện của 10 năm sau khi mọi thứ đã trở nên tiến bộ hơn. 10 năm trước đó, bạn tôi sống trong địa ngục. Và tôi cũng vậy.
Một em trai là con của một bác tôi biết bị rối loạn lưỡng cực. Em rất hiền và học giỏi. Nhưng có lúc em lại trở nên rất khó chịu và đập phá, thậm chí có lần lỡ tay đánh cả bố mẹ. Lần đó, sau khi hết cơn, em lại gần bố mẹ, khóc và giải thích rằng em quá buồn và nỗi buồn đấy không hiểu sao lại đáng sợ như thế, và em biểu hiện thành cơn giận. Em nói trong nước mắt rằng “Con yêu bố mẹ. Con không bao giờ muốn làm như thế. Con xin lỗi”. Em chỉ mới 14 tuổi.
Tôi hiểu rằng những nỗi buồn và cơn đau ấy có thể nuốt chửng chúng ta. Tôi cũng thường tự phân tâm chính mình và chạy trốn khỏi “cơn bão” buồn rầu ấy bằng cách tức giận. Trầm cảm không phải lúc nào cũng cần phải biểu lộ ra bằng sự buồn rầu. Nó còn có thể biểu lộ bằng việc tự hủy hoại bản thân, tức giận ngoài tầm kiểm soát hoặc tự rút lui khỏi những thú vui hằng ngày và tách biệt khỏi cuộc sống. Nỗi sợ không phải lúc nào cũng là mặt mũi ủ rũ, tay chân run rẩy; mà nó còn biểu hiện ở những nụ cười gượng gạo hay sự biến mất không lý do.
Não bộ con người thật sự có quyền năng rất lớn, nhưng cũng như mọi bộ phận khác, nó cũng có lúc bị ốm. Và, ngoài việc đi khám, chữa trị ở những nơi bác sĩ có chuyên môn riêng điều trị; thì tình yêu thương và sự cảm thông cũng là một chiếc nôi ấm áp để chúng ta bấu víu vào mỗi khi đau đớn. Hãy cho bạn bè, người thương yêu của mình sự có mặt và quan tâm của mình. Nếu chúng ta sốt sắng, quan tâm đến một người bị sốt cao, bị ung thư, bị tai nạn thế nào; thì hãy làm tương tự với những người đang căng thẳng hoặc mắc các rối loạn tâm lý.
Tin vui là những trường hợp tôi kể trên đều có những kết cục tốt đẹp. Tôi đã có một gia đình nhỏ với sự thông cảm và thấu hiểu, cũng như một cộng đồng lớn hơn sẵn sàng giang tay giúp đỡ. Cô bạn tôi cũng có những người bạn khác từng trải qua những nỗi đau như thế, họ không phán xét mà chỉ đến lắng nghe lẫn nhau mà thôi. Còn em trai kia ngoài sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ còn có tình yêu thương vô bờ bến từ bố mẹ. Dĩ nhiên trái lại, một người hoàn toàn khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất, bỗng một ngày bị ảnh hưởng từ những sự kiện không may hay tiêu cực, thiếu đi sự cảm thông và đồng hành từ bạn bè hay người thân yêu; họ cũng sẽ có thể bị ốm về mặt tinh thần. Thậm chí ốm rất nặng.
Sự kỳ diệu có thể bắt đầu trong mỗi chúng ta. Hãy là chiếc nôi ấm áp, là chiếc phao hoặc cột buồm để những ai đang đau đớn và choáng ngợp có thể bấu víu vào đôi lát và bình tĩnh thở lại lần nữa. Mỗi người trong chúng ta đều sinh ra để vun vén cho chính mình và giúp đỡ những người yêu thương xung quanh mình lớn lên. Dù là niềm vui hay nỗi buồn, hãy trân trọng nó và để nó là những con đường hay tán cây che nắng, mưa, và là câu chuyện để chúng ta có thể kể về nhau trong những tháng năm cô đơn sau này.
“The deeper that sorrow carves into your being, the more joy you can contain.
Is not the cup that holds your wine the very cup that was burned in the potter’s oven?
And is not the lute that soothes your spirit, the very wood that was hollowed with knives?” – Kahlil Gibran
Khánh Linh