Thuyết nghệ thuật kịch (dramaturgy) được phát triển bởi nhà xã hội học Erving Goffman, thuộc về phạm trù tâm lý xã hội. Là một phần của thuyết giao tiếp tượng trưng (symbolic interactionism) và thuyết này được dùng trong phân tích xã hội học thường ngày. Thuyết nghệ thuật kịch dùng sân khấu như một phép ẩn dụ để giải thích hành vi con người. Theo góc nhìn này, mỗi cái nhân biểu hiện hành vi thường ngày như thể họ đang biểu diễn trên sân khấu. Danh tính được xác định qua từng vai diễn. Ở đây, thuật ngữ “vai diễn” chỉ về nhân vật trong kịch bản và cũng là vai trò trong đời thực mà mỗi cá nhân đều có như mẹ, giáo viên, bạn…Thuyết nghệ thuật kịch cho rằng sự thể hiện của một người qua các vai là một cách để gia nhập xã hội. Trong từng môi trường nhất định, bạn có những biểu hiện, hành vi, suy nghĩ khác nhau để cho phù hợp với môi trường đó.

By KLinh
Theo thuyết nghệ thuật kịch thì chúng ta có hai bộ mặt, hay hai vai diễn, trên sân khấu (front stage) và sau hậu trường (back stage). Trong xã hội, chúng ta được cho rằng phải thể hiện bản thân theo một hướng nào đó phù hợp với vai trò mà chúng ta đang có. Là học sinh thì phải lễ phép, chăm học, tuân theo nội quy trường, là con cái thì phải vâng lời cha mẹ, tôn trọng cha mẹ… Đây là những vai trò mà mỗi chúng ta đều có và vì thế chúng ta phải “hóa trang” và suy nghĩ cẩn thận trước khi hành động khác khi đang ở trước mặt “khán giả”. Gần như ở bất cứ nơi nào khi hành vi của chúng ta được quan sát bởi người khác thì đó chính là sân khấu.
Hậu trường là nơi rất riêng tư của một người, là khi họ không cần phải diễn nữa và trở về là chính bản thân mình, họ có thể tự do làm những gì họ nghĩ hay những gì mà muốn. Và có thể không ai biết họ trong hậu trường là người như thế nào
Ví dụ như một cậu bạn mới chuyển trường và cậu rất mong muốn làm quen với các bạn trong lớp. Thế nên khi được rủ đi xem đá banh cùng các bạn, cậu đồng ý ngay tắp lự và bảo rằng mình rất thích đá banh. Nhưng thật tế là cậu chẳng thích thể thao, bao gồm đá banh tý nào cả, nhưng cậu vẫn làm để tạo ấn tượng cho người khác rằng “Này, tớ rất hòa đồng, tớ thích thể thao và chúng ta có thể làm bạn với nhau.” Và cậu đang chỉ cố gắng lôi kéo thiện cảm từ những người xung quanh. Nhưng khi cậu về nhà, và chung quanh không còn bạn học, không còn những “khán giả” mà cậu có gắng gây ấn tượng thì cậu lại trở về con người của chính mình, là một chàng trai ít nói, thích mèo, thích xem những chương trình nấu ăn và nấu ngon tuyệt vời. Cậu chẳng thích thể thao nhưng không ai nhất thiết phải biết điều đó về cậu.
Phát triển từ thuyết này là quản lý sự ấn tượng trước người khác (impression management) nói về mong muốn lôi kéo hay khống chế ấn tượng của người khác về mình. Theo Goffman, chúng ta dùng nhiều cơ chế quản lý khác nhau bao gồm ngoại hình, cách giao tiếp, môi trường xã hội. Mỗi cá nhân hay tổ chức đều phải tạo dựng và giữ gìn ấn tượng tương ứng với những khía cạnh mà họ muốn những người xung quanh. Chúng ta muốn tạo ra ảnh hưởng với người khác và đạt được những mục đích mà mình muốn. Ấn tượng tốt tạo ra những mối quan hệ mong muốn và cả vật chất. Những kết quả xã hội được tạo ra từ ấn tượng tốt có thể là sự đồng ý, tình bạn, trợ giúp hay quyền lực. Những thứ này có thể trực tiếp hay gián tiếp tạo ra vật chất như tiền lương cao hơn hay điều kiện làm việc tốt hơn.
Mục tiêu thứ hai là thể hiện bản thân. Chúng ta tạo nên hình ảnh về bản thân để tuyên bố danh tính (identity) của mình và thể hiện bản thân theo những cách tương ứng với danh tính đó. Ví dụ nếu bạn là sinh viên và bạn muốn tạo ấn tương tốt với giáo viên thế nên bạn đi học đều, xung phong trả lời câu hỏi, hoàn thành bài tập được giao, lễ phép với thầy cô…những ấn tượng này tạo nên danh tính của bạn trong mắt thầy cô là “một học trò ngoan” và ấn tượng tốt như thế sẽ giúp bạn có được những cơ hội như làm việc chung với thầy cô, hay được nương tay khi làm sai việc gì đó.
Những kỹ năng quản lý sự ấn tương bao gồm:
– Đồng thuận: Đồng ý với ý kiến của một người để nhận được sự chấp thuận của người ấy.
– Xin lỗi: Thừa nhận trách nhiệm cho những sự kiện không may xảy ra và tìm kiếm sự tha thứ.
– Tâng bốc: Khen ngợi ai đó về khả năng của họ để khiến bản thân nhìn có vẻ dễ gần và hòa ái.
– Thiện ý: giúp đỡ ai đó để nhận được sự chấp thuận của đối phương.
– Liên kết: Làm tăng thêm hay bảo vệ hình ảnh của bản thân bằng cách quản lý thông tin về ai dó hoặc thứ gì đó có liên quan đến mình. (Vd: Người xin việc nói với người phỏng vấn: “Thật là trùng hợp, sếp của anh là bạn cùng phòng với tôi hồi đại học.” )
Tuy nhiên, việc lạm dụng các kỹ năng này mà không có sự thấu hiểu hoặc những quy tắc của bản thân có thể dẫn đến những kết quả xấu như đánh mất danh tính bản thân, không biết mình là ai và trở nên bị động với môi trường. Ví dụ như vì để đạt được sự chấp thuận của người khác mà sẵn sàng làm những chuyện xấu hay đồng ý với những thứ mà bản thân biết rõ là sai. Và để bản thân không trở thành nạn nhân thì bạn phải biết rõ bản thân bạn là ai? Bạn quý trọng giá trị gì? Bạn đấu tranh vì cái gì?
Đồng thời bạn cũng cần nên suy nghĩ cho người khác và cẩn thận. Luôn dùng đầu óc khi giao tiếp với người khác. Bạn phải lắng nghe và cố gắng hiểu góc nhìn của người khác và cần phải biết những hệ quả đến từ lời nói và hành động của bản thân. Phơi bày bản thân là một cách để tạo mối quan hệ tốt với người khác. Tuy nhiên bạn cần phải giới hạn những thông tin về bản thân mà bạn cho người khác biết và luôn luôn cân nhắc phản ứng của đối phương trước những gì bạn nói cho họ.
Dịch và viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
Tham khảo:
http://www.sparknotes.com/sociology/identity-and-reality/section2.rhtml
http://www.citeman.com/4484-impression-management-techniques.html