Câu hỏi: Làm sao tôi có thể giáo dục một người về rối loạn tâm lý mà không coi nhẹ họ?
Trả lời: Liesel Ruger
Đây quả thật là một thử thách mà tôi đã trải qua. Tôi đã mất một số người bạn vì những hiểu lầm về các khó khăn với chứng rối loạn tâm lý mà tôi mắc phải, nhưng tôi cũng có nhiều thành công trong việc giáo dục một số người bạn của tôi – những người từng coi nhẹ trầm cảm trước đó.
Những lần cố gắng nhưng thất bại của tôi có lẽ chẳng thể bao giờ thành công được, dù tôi có làm cách nào đi chăng nữa. “Người bạn” ấy có suy nghĩ hạn hẹp và cho rằng rối loạn tâm lý là cảm xúc yếu mềm và là lỗi tính cách. Anh ta nói anh chẳng cần phải nói chuyện với ai đó về những cảm xúc hay cách đối phó với những gì xảy ra trong cuộc sống. Tôi đã cố gắng giải thích trầm cảm có nguyên nhân gây ra là sự bất thường trong các chất hoá học và chính sự bất thường này gây ảnh hưởng rất lớn tới những hành vi (chúng tôi đang nói về những thôi thúc muốn cắt của tôi)…và rồi anh ta chặn tôi lại.
Cho nên, có những người mà bạn không thể nào giáo dục được để cứu giúp cuộc đời của họ (hoặc của bạn.
Nhưng tôi cũng có rất nhiều thành công với những người bạn khác. Điều quan trọng nhất là tôi làm những điều này từ từ. Bạn của tôi sẽ (và tiếp tục) nói những thứ dễ gây khó chịu hoặc đưa ra những đề nghị vô dụng. Và tôi sẽ nhân những cơ hội đó, đưa ra những kiến thức, những cách lý giải đúng trong cuộc nói chuyện.
“Thật sự thì cậu có thể dừng việc tự cắt lại được mà.” Ừm, thật sự thì không. Tôi có hàng tá lý do cho việc tự cắt, và nó cần nhiều hơn lời nói “chỉ cần dừng lại” để có thể bỏ đi thói quen gây nghiện tai hại này. Những nỗi đau tâm lý bởi sự mất căn bằng của các chất hoá học trong não bộ khiến việc vượt qua rất là khó khăn và đôi lúc tôi cảm thấy tê dại đến mức tôi cần phải cảm nhận cảm xúc nào đó.
“Cậu cần phải biết ơn với những gì mình có.” Những cơn trầm cảm và lo âu nói với tôi rằng tôi chẳng có thứ gì cả, và vì tôi không thể nào tận hưởng bất kỳ thứ gì, nên có lẽ tôi chẳng có gì để tận hưởng cả. Sự biết ơn có thể có ích với một số người, nhưng nó thật sự chẳng thể làm tôi cảm thấy khá hơn vì tôi không có khả năng hoá học để cảm nhận “tốt”
“Ngày mai sẽ tốt hơn.” Hiếm khi nào như thế với chứng trầm cảm mà tôi mắc phải và khi tôi không dùng thuốc. Nó chẳng thể tự khá hơn được bởi vì rối loạn tâm lý là một chứng bệnh – không phải lỗi của tôi.
“Cậu cần cố gắng hạnh phúc”. Tôi không có khả năng thể chất để cảm nhận hạnh phúc bởi vì tôi bị thiếu hụt một số chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cảm xúc đó.
“Làm sao cậu có thể nghĩ đến việc tự sát và bỏ lại mình? Điều đó thật là ích kỷ.” Tôi không thể làm gì được với ý nghĩ tự sát, đó là một triệu chứng bệnh. Lời nhắn này khiến tôi cảm thấy tội lỗi -> càng muốn tự sát hơn.
“Cậu cần phải cân bằng mọi thứ và quản lý cảm xúc mình tốt hơn.” Ờm, cảm ơn. Nói cứ như thể tôi chưa từng nghĩ về việc đó. Chẳng có gì để nói ở đây cả.
“Cậu không thể làm [điền nguyện vọng vào đây] vì cậu không thể nào chịu được. Cậu nên tìm thứ gì đó ít stress hơn.” Chứng rối loạn tâm lý của tôi chẳng liên quan gì tới sức chịu đựng tâm lý và sức mạnh cảm xúc cả. Rối loạn tâm lý là một thứ nằm ngoài tầm điều khiển của tôi nếu chỉ dựa vào ý chí, nó có thể đòi hỏi cả tư vấn tâm lý lẫn thuốc để có thể khống chế. Tôi cố gắng nhắc mọi người về “con người thật” của tôi.
Nói ngắn gọn lại thì có hai xu hướng chung:
1. Có những người tránh hiểu những cảm xúc của tôi và khiến tôi cảm thấy tội lỗi, hoặc bảo tôi rằng tôi không nên cảm nhận như thế. Tôi cố gắng nhắc nhở nhẹ nhàng rằng tôi không thể nào ngăn cản những cảm xúc này, tựa như những người mắc ung thư không thể ngừng có những triệu chứng. Sau đó tôi cố gắng xoay chuyển cuộc nói chuyện xung quanh về tôi cảm thấy như thế nào ở thời điểm đó và tại sao lại có những cảm xúc như vậy.
2. Những người hành xử như thể đây là sự yếu đuối. Rất khó để có thể cho những người đó thấy rằng tôi không phải là chứng rối tâm lý mà tôi mắc phải, nhưng vẫn có thể làm được. Có điều nó tốn thời gian hơn, sự sẵn sàng học hỏi ở phần của họ và sự kiên nhẫn ở phần của tôi để có thể cung cấp thông tin và nguồn về các rối loạn.
Nếu một người thật sự không biết gì cả về rối loạn tâm lý, thì rất khó để nói chuyện với họ. Đây không phải là chủ đề được hiểu rộng rãi bởi cộng đồng, thế nên có khả năng họ sẽ nhận rất nhiều thông tin mới. Miễn sao bạn không nói chuyện với họ như những đứa trẻ năm tuổi, thì bạn sẽ ổn thôi.
Dịch: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
Nguồn: https://www.quora.com/How-do-I-educate-someone-about-mental-illness-without-talking-down-to-them
Ảnh: Darja Bilyk