Thời kì lo âu trong đời tôi: Sợ hãi, hi vọng, khiếp đảm và kiếm tìm bình an trong tâm trí

Tóm tắt
Quyển sách này mang đến một bức tranh trung thực và giá trị về thế giới của chứng lo âu bệnh lí (clinical anxiety). Tác giả dẫn dắt ta đi qua cuộc vật lộn của mình với nỗi lo âu cũng như đồng thời giới thiệu cho người đọc một công trình khoa học, triết học và văn học về tình trạng này và các phương pháp điều trị hiện có của nó.
 

By Hoại Băng

Những ai nên đọc bản tóm tắt này?
  • Những ai đang chịu đựng chứng lo âu.
  • Những ai hứng thú với tâm lí học.
  • Những ai có người thân hoặc bạn bè hay lo âu.
 
Ai viết quyển sách này?
Scott Stossel là một nhà báo người Mỹ, biên tập viên tạp chí Atlantic và là tác giả của quyển sách Sarge: The Life and Times of Sargent Shriver (tạm dịch: Sarge: Cuộc đời và thời đại của Sargent Shriver). Ông viết cuốn My Age of Anxiety (tạm dịch: Thời kì lo âu trong đời tôi) với hi vọng sẽ giúp bản thân thấu hiểu về nỗi lo âu của mình và tìm kiếm sự xoa dịu cho việc chịu đựng của mình.
Tôi có thể trông đợi gì từ quyển sách này: hiểu ra việc chịu đựng chứng lo âu bệnh lí thực sự là thế nào.
 
Hầu hết chúng ta thỉnh thoảng đều phải trải qua những cơn lo âu “thông thường”, như việc bồn chồn trước một sự kiện quan trọng hay trình bày trước người nghe.
 
Một số người trong chúng ta trải qua những cơn lo âu dữ dội hơn như là việc lo lắng quá nhiều hoặc có nỗi ám sợ (phobia: chứng ám ảnh sợ hãi/chứng sợ hãi thái quá). Tuy nhiên, những điều này không thường xuyên kéo ta ra khỏi sự vận hành của cuộc sống thường ngày. Trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng lo âu bệnh lí thường xuất hiện. Những ai mắc phải chứng lo âu bệnh lí đều hoảng sợ trước những thứ không thực sự gây nguy hiểm (như phát biểu trước công chúng) và có những phản ứng dữ dội đối với chúng như nôn mửa hay ngất xỉu.
 
Trong bài tóm tắt này, bạn sẽ biết được:
  • Các lí thuyết về nguyên nhân gây ra nỗi lo âu.
  • Làm thế nào những hoạt động thường nhật lại có thể trở nên gần như bất khả thi đối với những người có chứng lo âu bệnh lí.
  • Nỗi lo âu đã khiến tác giả rơi vào những tình cảnh khó xử như thế nào, như là làm ngập phòng tắm của gia đình Kennedy ?
 
Chứng lo âu bệnh lí là chứng bệnh phổ biến nhất trong những chứng bệnh tâm lí. 
 
Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng nỗi lo âu là một điều khá bình thường. Tuy nhiên, chỉ một số ít người nhận thức được rằng chứng lo âu bệnh lí thực ra là chứng bệnh phổ biến nhất trong những chứng bệnh về thần kinh. Nó xuất hiện trong các chẩn đoán thậm chí còn thường xuyên hơn cả chứng trầm cảm, cứ sáu người trên thế giới thì có một người mắc phải chứng lo âu bệnh lí ít nhất một năm trong suốt quãng đời của họ.
 
Thêm vào đó, nỗi lo âu gần như là một đặc tính bất chấp ranh giới của cả văn hóa và thời đại.
 
Ví dụ, trong tiếng Tây Ban Nha ở Nam Mỹ, nỗi lo âu được định nghĩa là “ataques denervios” [tiếng Anh: nervous breakdown – suy nhược thần kinh]. Những người thổ dân Inuit trên đảo Greenland lại gọi nó là “kayak angst” [tạm dịch: nỗi sợ ám ảnh rằng thuyền sẽ lật ngay cả khi biển lặng] trong khi với người Iran nó là “nỗi đau khổ của con tim”. Dù được đính tên lên như thế nào, những từ mô tả vừa rồi đều đi đến một trạng thái chung của nỗi lo âu.
 
Chứng lo âu bệnh lí không chỉ xuất hiện ở nhiều quốc gia và nền văn hóa, mà nó còn không hề dính chặt với thời đại đặc biệt nào, và được bàn luận đến trong nhiều tài liệu xuyên suốt quá trình lịch sử.
 
Ví dụ, Plato và Hippocrates đều có thuyết riêng về chứng bệnh này, Spinoza viết về nó, còn Sigmund Freud thì nhập tâm vào việc tìm kiếm và định nghĩa các cơ chế của nỗi lo âu.
 
Một lưu ý quan trọng về nỗi lo âu: nó không biểu hiện cho sự yếu kém về tính cách. Thực tế, một số người biện luận rằng nỗi lo âu thật ra đóng vai trò là cơ chế thúc đẩy những thiên tài về dân chủ, sáng tạo và phát minh.
 
Thực vậy, nhiều người được ghi nhận thành công và sức ảnh hưởng của họ gắn liền với cuộc vật lộn với nỗi lo âu như: Gandhi, Charles Darwin and Barbra Streisand. Bên cạnh những nhân cách nổi tiếng và đáng kính đó, khoảng 40 triệu người Mỹ được chẩn đoán mắc chứng lo âu.
 
Với con số thống kê đáng kinh ngạc đó, sẽ thật là lố bịch nếu gọi tất cả những người này là “điên rồ”.
 
Khác xa với một kẻ “điên rồ” không thể nào thành công trong cuộc sống, bản thân tác giả là một nhà báo và biên tập viên thành công, người có thể chu cấp cho gia đình và nuôi nấng con cái mình bất chấp chứng lo âu mãn tính (chronic anxiety) của mình.
 
Đó là bằng chứng cho thấy chứng lo âu bệnh lí là một chứng bệnh phổ biến có thể xảy đến với bất cứ ai. Vậy sống chung với chứng lo âu thì thế nào?
Chứng lo âu là một căn bệnh làm cho cuộc sống của người mắc phải trở nên khó khăn, căng thẳng và đầy lúng túng.
 
Sống chung với chứng lo âu là một cuộc chiến chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Một số người so sánh nó với việc sống chung với bệnh đái tháo đường, ở mức độ mà phải đối phó những nỗi đau đớn hằng ngày. Giống như bệnh nhân đái tháo đường phải không ngừng kiểm soát lượng đường trong máu và tiêm vào chất isulin, một người mắc chứng lo âu phải luôn canh chừng những tình huống căng thẳng và luôn sẵn sàng cho việc dùng thuốc để tự xoa dịu.
 
Buồn thay, sự tồn tại của chứng lo âu là một hạn chế nặng nề với cuộc sống hằng ngày của người mắc phải nó. Rất nhiều người mắc chứng lo âu chọn cách ở lì trong nhà để cảm thấy an toàn và để giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát.
 
Ví dụ, có một người đàn ông mắc chứng lo âu bệnh lí không thể đi bộ trong bán kính 5 km xung quanh nhà mà không nôn ra máu một cách không thể kiểm soát.
 
Một số nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của người mắc chứng lo âu là gần như không thể vẹn toàn. Ví dụ tác giả không thể lên máy bay hay phát biểu trước công chúng mà không dùng trước một lượng thuốc pha với rượu.
 
Gắn bó quá mức là một hệ quả nghiêm trọng khác với những người mắc chứng lo âu. Họ quá quyến luyến với những người họ yêu thương.
 
Ví dụ, khi còn là một đứa trẻ, tác giả chẳng thể chịu đựng được việc tách rời khỏi bố mẹ. Khi bố mẹ đi khỏi, ông sẽ gọi cho bạn bè của bố mẹ mình, thuyết phục họ rằng bố mẹ mình đã chết.
 
Một vấn đề nữa mà người mắc chứng lo âu phải đối mặt là hành vi của họ thường lúng túng và chẳng thể đoán trước được. Ví dụ, khi đi du lịch đến một thị trấn nước ngoài, tác giả ghé đến hầu hết mọi nhà vệ sinh dù không thật sự có dấu hiệu gì, vì ông đã quá lo lắng.
 
Trong một tình cảnh khác, tác giả có dịp tới thăm gia đình Kennedy. Rủi thay, do ảnh hưởng của sự căng cứng ruột do nhạy cảm (sensitive stressed-out bowels) của mình, ông đã làm tắc bồn cầu nhà họ, và khiến cả nhà tắm ngập lụt.
Nguyên nhân của nỗi lo âu có thể đã được quyết định từ thời thơ ấu.
 
Có rất nhiều lí thuyết khác nhau về nguyên nhân của chứng lo âu. Ví dụ, các nhà phân tích tâm lí tin rằng chứng lo âu bắt nguồn từ sự dồn nén những suy nghĩ cấm kị mà xuất hiện lần đầu từ thời thơ ấu.
 
Lấy ví dụ là thuyết Mặc cảm Oedipus của Freud. Theo Freud, bé trai có ham mê tính dục với mẹ và ghen tị với bố, trong khi bé gái ham muốn với bố và ghen tị với mẹ.
 
Những ham muốn hay ghen tị này không bao giờ biểu lộ ra, bởi trẻ sợ bị phạt vì nghĩ những điều này. Kết quả là những suy nghĩ đó vẫn còn dai dẳng và được phóng chiếu lên một đối tượng nào đó và tạo ra cảm giác lo âu ở trẻ.
 
Bản thân Freud tin rằng nỗi ám sợ của riêng mình về các chuyến tàu bắt nguồn từ việc ông từng thấy hình ảnh mẹ mình trần truồng trên tàu lúc nhỏ, và từ việc ham muốn với bà ấy.
 
Tuy nhiên, ngày nay mặc cảm Oedipus được xem là một thuyết lạc hậu.
 
Có một thuyết khác tập trung vào nghiên cứu mối quan hệ mẹ – con.
 
Cụ thể, người ta cho rằng những đứa trẻ chịu đựng sự chia cách lâu dài với mẹ mình thì sẽ có xu hướng trở nên lo âu.
 
Một nghiên cứu về những con khỉ nâu Rhesus cho thấy rằng những con bị tách khỏi mẹ chúng, ngoài việc trở nên hiếu chiến và lập dị so [với cộng đồng] ở vào tuổi trưởng thành, thì chúng còn phải chịu đựng những ảnh hưởng lâu dài như là chứng lo âu.
 
Cách người mẹ tương tác với con mình dường như có một tầm quan trọng đặc thù trong việc quyết định đứa trẻ đó sẽ lo âu tới mức nào khi ở trong các tình cảnh căng thẳng.
 
Ví dụ, thí nghiệm cho thấy một đứa trẻ có người mẹ luôn để ý, quan tâm và yêu thương thì biểu hiện ít lo âu khi ở trong những tình cảnh mới (lấy ví dụ, khi người lạ vào phòng đồng thời mẹ đi ra ngoài) hơn là đứa trẻ có một người mẹ có thái độ lửng lơ và bản thân bà cũng đầy âu lo.
 
Vậy điều gì gây nên chứng lo âu của Freud? Sự thật có thể là vì mẹ ông đã quá suy sụp sau cái chết của em trai ông và không còn quan tâm chăm sóc cho con trai lớn của mình nữa.
 
Tác giả quyển sách cũng có một người mẹ hay lo âu và bị sợ hãi quá mức và có thể chính điều này đã ảnh hưởng đến sự lo âu của ông.
 
Vì vậy, có vẻ như cách nuôi dạy một đứa trẻ có một ảnh hưởng đáng kể lên hành vi cũng như mức độ lo âu của chúng trong tương lai.
Chứng lo âu là một sự thích nghi tiến hóa và được di truyền qua gen.
 
Dù chẳng dễ gì để sống chung, nhưng chứng lo âu cũng không đương nhiên là một khiếm khuyết hay bất lợi. Thật ra nó là một sự thích nghi tiến hóa (evolutionary adaptation) có thể tìm thấy trong bộ gen của chúng ta.
 
Theo thuyết “thích giả sinh tồn”, con người chúng ta được lập trình để lo âu trước những mối hiểm nguy, bởi một người hoảng sợ trước một mối đe dọa [chẳng hạn] như một con rắn hay một vách đá cao thì sẽ có khả năng sống sót nhiều hơn so với một người chẳng sợ gì cả.
 
Bởi thế, những nỗi ám sợ này dễ dàng được phát triển bởi trong quá khứ chúng là những nỗi sợ có lợi.
 
Tuy nhiên, người mắc chứng lo âu bệnh lí thường hoảng sợ trước những thứ không thực chất nguy hiểm và những lo âu [này] của họ không tạo nên những ý nghĩa về tiến hóa.
 
Lấy nỗi ám sợ về phô mát của tác giả làm ví dụ. Rõ ràng nỗi ám sợ này là không hợp lí, và cũng chẳng có ích lợi gì.
 
Người ta nhận thấy rằng việc ngày càng gia tăng khả năng mắc phải chứng lo âu bệnh lí gắn liền với một số gen nhất định.
 
Các mức độ lo âu cao có thể quan sát thấy ở trẻ vài tuần sau khi ra đời, điều này cho thấy một khía cạnh di truyền của căn bệnh này.
 
Các nghiên cứu cho thấy chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ra đời, có 15 – 20% trẻ nhỏ đã biểu lộ nỗi lo âu cao hơn rõ rệt so với số còn lại. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ này sẽ trở nên vô cùng âu lo khi tới tuổi trưởng thành.
 
Tác giả cũng nhận ra một vài mối liên hệ có tính di truyền giữa chứng lo âu của mình và con gái ông, dựa trên việc con gái ông có những nỗi ám sợ giống ông, dù được bố mẹ nuôi nấng trong tình yêu thương, chăm sóc chu đáo.
 
Vậy bộ gen nào gây ra chứng lo âu?
 
Các nhà khoa học đã nhận diện một số gen như vậy.
 
Ví dụ, gen stathmin cung cấp khả năng để cảm thấy sự sợ hãi. Khi loại bỏ gen này ở loài chuột, chúng không còn thể hiện sự sợ hãi nữa.
 
Cũng có một mối tương quan giữa những biến thể gen có tên là RGS2 và những người đầy âu lo.
 
Vậy ta có thể thấy rằng ở một mức độ lo âu nào đó có thể đảm bảo cho sự sinh tồn của cá nhân. Tuy nhiên, một số người thì lo âu quá mức và điều này có khả năng là hình thành nên bởi bộ gen của họ.
Chứng lo âu là một sản phẩm của cơ thể và do đó có thể dùng thuốc để tác động.
 
Vậy ta đã thấy nỗi lo âu xuất hiện xuyên suốt trong quá trình tiến hóa như thế nào và nó được di truyền lại ra sao. Bây giờ hãy xem xét tình trạng [căn bệnh] này ở khía cạnh sinh lí cũng như thuốc đã tác động đến nó như thế nào.
 
Đầu tiên, ta biết rằng chứng lo âu được tạo ra trong não bộ.
 
Nhờ có việc chụp ảnh não bằng công nghệ cộng hưởng từ (fMRI), ta có thể quan sát được rằng chứng lo âu có liên quan tới sự hoạt động quá mức (hyperactivity) của những khu vực nhất định trên não.
 
Sự hoạt động quá mức này này có thể thấy được ở các thùy trước của vỏ não khi sự lo lắng về các sự kiện tương lai được kích hoạt, trái lại sự tăng cường hoạt động của vành trước vỏ não (anterior cingulate) lại liên quan đến nỗi sợ nói trước đám đông.
 
Bên cạnh việc hiểu về nơi phát sinh của chứng lo âu bệnh lí, ta cũng biết rằng nó là hệ quả của một hệ thống chất dẫn truyền thần kinh (defective neurotransmitter system) trong não.
 
Cụ thể, người mắc chứng lo âu bệnh lí sản sinh ra ít chất serotonin ([đây là] một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều hòa các cảm xúc như hài lòng, hạnh phúc) hơn so với người lo âu thông thường.
 
Vậy ta có thể làm gì với những phát hiện này? Ta có thể trông chờ vào cách điều trị bằng thuốc. Dùng thuốc là một cách để điều trị chứng lo âu, nhưng nó không dành cho tất cả mọi người.
 
Thuốc trị chứng lo âu phát huy tác dụng bằng cách tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Thuốc Xanax hoạt động bằng cách liên kết với các chất dẫn truyền thần kinh GABA để gây ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương, có tác dụng làm dịu.
 
Dùng thuốc là phương án phổ biến đối với bệnh nhân chứng lo âu. Chỉ riêng năm 2005, đã có khoảng 53 triệu đơn thuốc Ativan và Xanax được kê ra.
 
Tuy nhiên, thuốc cũng gây tranh cãi ở chỗ nó có những tác dụng phụ nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện và cũng có lí thuyết cho rằng một số loại thuốc không hiệu quả bằng giả dược (placebos).
 
Một nghiên cứu vào năm 2003 bất ngờ cho thấy rằng chỉ một trong số ba bệnh nhân thật sự cảm thấy ổn hơn sau khi dùng thuốc chống lo âu (anti-anxiety).
 
Chính tác giả đã kiểm chứng vấn đề gây nghiện. Ông từng nghiện thuốc chống-lo âu, bao gồm Xanax và Paxil. Ông thử không dùng chúng nữa, nhưng cảm thấy không thể chịu nổi, và kết quả là ông dùng thuốc trở lại chỉ sau một tuần.
Liệu pháp tâm lí cũng có thể chữa trị nỗi lo âu.
 
Ta đã thấy thuốc tác động như thế nào tới não bộ. Tuy nhiên, có một số biện pháp chữa trị thay thế khác như là liệu pháp nhận thức hành vi hay [còn gọi tắt là] liệu pháp CBT mà ta sẽ xem xét bên dưới.
 
Liệu pháp CBT dựa trên lí thuyết cho rằng các hành vi (như hành vi lo âu) chẳng thể được kiểm soát thông qua tư duy duy lí (rational thinking).
 
Cách tiếp cận phổ biến nhất của liệu pháp CBT là liệu pháp phơi nhiễm (exposure therapy). Nó đòi hỏi một bệnh nhân phải đối diện trực tiếp với thứ làm cho mình sợ cốt để hiểu được rằng chẳng có mối đe dọa thật sự nào từ đối tượng đó cả.
 
Ví dụ, chính tác giả là người mắc chứng sợ nôn mửa (emetophobia). Trong nỗ lực chữa trị chứng bệnh này, ông từng thử biện pháp liệu pháp phơi nhiễm.
 
Trong đó, ông phải uống thuốc gây nôn để kích thích sự nôn mửa. Chẳng may, việc này cuối cùng lại kết thúc một cách thảm họa, ông bị nghẹt thở thay vì bị nôn mửa.
 
Các nhà trị liệu theo thuyết nhận thức hành vi chú trương thâm nhập vào nguồn gốc của chứng lo âu và tin rằng nó luôn được ẩn giấu trong chính tâm trí người bệnh.
 
Nhà tâm lí trị liệu của tác giả đã sử dụng liệu pháp phơi nhiễm tưởng tượng (imaginal exposure), ông tin rằng có một cái gì đó hiện hữu hơn gây nên chứng lo âu của tác giả.
 
Trong quá trình điều trị, tác giả phải liệt kê ra theo thứ tự những thứ làm mình sợ, sau đó mô tả chúng và nói với bác sĩ cảm giác của mình về chúng.
 
Trong một lần, tác giả đã bật khóc mà không thật sự biết là vì sao. Tuy nhiên, vị bác sĩ tin rằng họ đã đi đúng đường trong việc tìm kiếm một sự lí giải cho chứng lo âu của tác giả.
 
Tới tận ngày nay, tác giả vẫn còn đang chống chọi với chứng lo âu nhờ vào thuốc và liệu pháp CBT.
 
Dù rằng có vẻ không có cách chữa trị phổ quát cho chứng lo âu, thì vẫn có một số cách nhất định để giảm thiểu cường độ của nó. Tác giả hi vọng rằng [việc viết ra] quyển sách này sẽ giúp ông trong điều đó (một số cách giảm thiểu cường độ của chứng lo âu).
Thông điệp then chốt trong quyển sách này:
 
Chứng lo âu bệnh lí phổ biến và nghiêm trọng hơn ta tưởng nhiều. Tuy nhiên, có nhiều cách khác nhau để giảm thiểu và điều trị tình trạng [căn bệnh] này. Điều quan trọng cần lưu ý là dù cho chứng lo âu của một người bệnh chẳng bao giờ có thể kiểm soát hoàn toàn được, thì cũng chẳng thể nói rằng việc chung sống với sự lo âu là một cuộc sống phí hoài.
 
Phạm Ngọc Hà, Lê Nhật Yến Vy dịch
Hoại Băng hiệu đính
NguồnMy Age of Anxiety: Fear, Hope, Dread and the Search for Peace of Mind – Binklist 
Ảnh: Hoại Băng 
 
 
 

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Thời kì lo âu trong đời tôi: Sợ hãi, hi vọng, khiếp đảm và kiếm tìm bình an trong tâm trí

  1. Trước tiên cho tôi cảm ơn bài viết, sau là tôi tiếc rằng tác giả Scott Stossel phải chịu đựng thời gian lâu dái, nếu ông là người Việt và treo giải thưởng cho ai giúp khỏi bệnh này, tôi nghĩ sau thời gian 1tháng ông có thể sẽ khỏi bệnh. Bằng cách nào ư? Bẳng cách thay đổi tâm thể sao cho cuộc đời chúng ta hòa nhịp cùng cuộc sống và xã hội. Tôi cũng nghĩ rằng nguồn gốc của bệnh tâm lý thậm chí bệnh của cơ thể( theo các nhà tâm lý Mỹ là hơn 90% bệnh do tâm lý mà ra) là do mầm móng nằm trong tâm thể được phát sinh từ trong quá khứ. có thê tìm ra đươc, có thể thay đổi được để khỏi bệnh.Thân chào,

    Đã thích bởi 1 người

  2. Pingback: Thời kì lo âu trong đời tôi: Sợ hãi, hi vọng, khiếp đảm và kiếm tìm bình an trong tâm trí — Những tâm hồn đẹp – epphus2sj

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s