Đối Mặt Với Đau Thương – Câu Chuyện Giữa Tâm Bão COVID-19

Dưới đây là một câu chuyện của admin Khả Tú khi đang là sinh viên Y khoa năm cuối tại Rowan Medical School, Đại học Rowan, Hoa Kỳ. Đây vừa là một tâm sự, vừa là một chia sẻ của Tú giữa tâm dịch khi làm tại đơn vị Hồi sức tích cực (ICU). BMVN rất mong chúng ta đều có đủ sức mạnh để vượt qua giai đoạn đầy mất mát này.


Disclaimer: Câu chuyện này được viết lại từ trải nghiệm của bản thân mình khi đi thực tập ở bệnh viện. Chỉ mang tính tham khảo và không phải lời khuyên chuyên gia. 

“Nhịp tim và huyết áp của bệnh nhân phòng số 6 đang hạ. Bác sĩ mau đến xem đi ạ!” 

Tiếng cô y tá hối hả vang lên, vẻ mặt khá lo lắng khiến cả nhóm tôi đang thảo luận phác đồ điều trị cho các bệnh nhân vội vã chạy về hướng phòng bệnh. Tiếng máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn vang lên dồn dập càng khiến không khí cả khu vực hồi sức tích cực (ICU) càng thêm nặng nề và nghẹt thở. 

Tôi đã không thể nhớ nổi số lần phải chạy đua cùng với tử thần như thế này trong suốt một tháng thực tập ở đây. Là sinh viên y khoa năm cuối đang thực tập khoa ICU, bệnh nhân phòng số 6 là một trong những bệnh nhân tôi phụ trách. Người bệnh nhân ấy tương tự như một nửa số bệnh nhân nằm trong khoa này; đàn ông trung niên, tạng người khá lớn, quá cân, thường ngày trông khá khỏe mạnh nên không muốn chích vaccine và rồi cuối cùng không may lại mắc COVID. Giờ đây người đàn ông to lớn chìm vào hôn mê sâu, phải dựa vào máy thở để sống qua ngày. 

“Liều thuốc tăng huyết áp ở mức nào rồi?” – Bác sĩ phụ trách chính hỏi cô y tá

“Hai loại thuốc tăng huyết áp norepinephrine và phenylephrine đều ở mức tối đa rồi” – Cô đáp lời 

“Vậy thì tăng thêm một loại nữa, dùng vasopressin đi” 

“Okay” 

Sau khi đưa ra chỉ đạo, vị bác sĩ cũng là thầy phụ trách quay sang hỏi tôi, 

“T, đây là bệnh nhân của em, tiếp theo em muốn làm gì?”

Tôi cảm thấy áp lực như núi, dù tôi đã không nhớ nổi đây là lần thứ mấy tôi được hỏi câu này, nhưng lần nào tôi cũng cảm thấy nặng nề. Dù tôi biết rằng bất cứ ý kiến nào tôi đưa ra cũng sẽ được bác sĩ chính cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho phép tôi làm theo, nhưng cái trách nhiệm với sinh mạng của một người vẫn đè nặng và đôi lúc khiến tôi không thở nổi. 

“Em nghĩ đây là lúc nên gọi người thân bệnh nhân đến để giải thích về tình trạng hiện tại của bệnh nhân và cùng bàn bạc về mục tiêu chăm sóc bệnh nhân” 

“Sao em lại nghĩ thế?” 

“Tình trạng hiện giờ của bệnh nhân không khả quan lắm. Chúng ta đã dùng hết các loại thuốc co mạch và tăng huyết áp nhưng chỉ số sinh tồn của bệnh nhân vẫn bất ổn và có thể ngừng tim bất cứ lúc nào. Giờ đã không còn phương pháp nào có thể ngăn ngừa tình trạng đó xảy ra. Lúc đó thì hô hấp nhân tạo có thể xoa bóp tim của bệnh nhân đập lại, nhưng chỉ kéo dài sự sống trong vài phút hay vài tiếng mà thôi.” Tôi ngập ngừng một chút rồi tiếp tục, “ Nếu chúng ta đã biết kết quả không thể thay đổi được, thì em muốn để bệnh nhân mình ra đi thanh thản và thoải mái nhất có thể.” 

Thầy tôi nhìn tôi một lát rồi nói “Thầy cũng có suy nghĩ như vậy. Em nghĩ mình có thể gọi điện cho gia đình bệnh nhân đến hay không? 

“Được ạ” – Tôi đáp.

Hai giờ chiều trong căn phòng họp nhỏ, vợ và hai người con trai lớn của bệnh nhân cùng tôi, y tá và bác sĩ ngồi quanh chiếc bàn. Trên bàn là hộp khăn giấy nhỏ, thứ không thể thiếu trong những buổi gặp mặt như thế này. Thầy tôi mở đầu “Như các vị đã biết mấy ngày qua bệnh tình của ông S có chuyển hướng xấu. Chúng tôi đã dùng hết các loại thuốc co mạch nhưng dù thế chỉ số sinh tồn vẫn đang có xu hướng hạ xuống và ông ấy có thể ngừng tim bất cứ lúc nào.” 

“Nếu ông ấy ngừng tim thì sẽ như thế nào thưa bác sĩ?” – Người vợ hỏi với đôi mắt đỏ hoe. 

“Lúc đó chúng tôi có thể làm hô hấp nhân tạo. Sẽ có hai kết quả xảy ra, hoặc là tim bệnh nhân sẽ đập lại hoặc là không. Và dù tim của ông ấy đập lại thì chúng tôi không biết liệu nó có thể hoạt động trong bao lâu.” 

Hô hấp nhân tạo hay còn gọi là CPR là một phương pháp khá thô bạo, dùng lực bên ngoài để co bóp tim duy trì tuần hoàn máu trong cơ thể. Do tim được bảo vệ trong khung xương sườn và một phần lá phổi nên khi làm CPR, người thực hiện phải dùng hết lực của nửa người trên nhấn xuống lồng ngực bệnh nhân để đạt được độ sâu tầm 5cm mới có thể chạm đến tim. Lực tác động này mạnh đến mức làm gãy xương sườn của bệnh nhân và nếu bệnh nhân sống sót thì quá trình hồi phục sẽ rất đau đớn. Hơn nữa thời gian làm CPR có liên quan đến khả năng phục hồi sức khỏe sau này. Khoảng thời gian từ lúc bắt đầu CPR đến khi tim bệnh nhân đập lại càng ngắn thì tiên lượng càng tốt. Nếu qua khỏi ba mươi phút mà vẫn không thể khiến tim đập lại thì những tổn thương trong não do thiếu oxy đã không thể vãn hồi được nữa. Và khả năng hồi phục lại như ban đầu gần như bằng không.  

Thầy tôi tiếp tục “Theo những gì chúng tôi chứng kiến và trải qua, tiên lượng của những trường hợp mắc COVID phải làm CPR không tốt lắm. Vì thế nên chúng ta mới có buổi gặp mặt hôm nay đề xác định mục tiêu chăm sóc ông S. Hiện giờ chúng ta có những lựa chọn sau đây; một là tiếp tục với phác đồ hiện giờ, nếu tim ngừng đập thì chúng tôi sẽ tiến hành CPR, hai là giữ nguyên phác đồ, không tiếp tục tăng thuốc co mạch hay lấy máu xét nghiệm nữa, không làm CPR nếu tim ông S ngừng đập, ba là chúng ta sẽ ngừng tất cả các loại thuốc điều trị như thuốc co mạch, giữ lại những loại thuốc an thần và giảm đau để ông ấy không cảm nhận bất cứ đau đớn gì. Chúng ta cũng có thể rút ống thở ra để ông ấy cảm thấy thoải mái hơn.” 

Khi ông kết thúc, cả phòng lặng im, không khí như ngưng lại chỉ còn tiếng nức nở của người vợ. Hai người con trai mắt đỏ hoe, cánh tay quàng qua bả vai mẹ mình nhẹ nhàng ôm lấy bà an ủi. 

Tôi lên tiếng, “Chúng tôi biết rằng gia đình cảm thấy rất khó để tiếp nhận tin tức này. Nó quá nhiều, quá buồn và quá đau đớn với sức chịu đựng của một người. Các vị không cần phải ra quyết định ngay bây giờ, chúng tôi có thể đi ra ngoài và chừa lại không gian cho các vị suy nghĩ thêm.” 

Người vợ cất tiếng trong tiếng nấc nghẹn ngào, “Chúng tôi đã đoán trước kết quả này, nhưng vẫn không thể nào tiếp nhận nổi. Tôi sợ rằng mình sẽ làm ra quyết định sai lầm, biết đâu có phép màu nào đó xảy ra và ông ấy sẽ hồi phục thì sao?” 

Cô y tá kéo hộp khăn giấy lại gần chỗ người vợ, “Tôi thường hay nói câu này với gia đình bệnh nhân khác. Không phải bà đưa ra quyết định cho chồng bà, mà là cơ thể ông ấy đã quyết định rồi. Bà chỉ là người truyền tải quyết định ấy thay ông nhà. Cơ thể ông đã nói rằng ông ấy không thể tiếp tục được nữa thông qua các chỉ số sinh tồn và diễn biến bệnh tình qua mấy ngày nay.” 

Bà S không phải là người duy nhất có những suy nghĩ này. Không ai muốn đối mặt với sự mất mát, càng không ai muốn phải làm ra quyết định thoạt nhìn sẽ cắt đứt sự sống của người thân mình. Cảm giác tội lỗi vì đã gián tiếp “gây ra cái chết” cho người thân sẽ đeo bám và ăn mòn họ cả đời. Và trong thời dịch này cái cảm giác ấy càng lớn hơn, nặng nề hơn nữa. 

Mất mát và đau thương có năm giai đoạn: phủ nhận, giận dữ, mặc cả, trầm uất và chấp nhận. Chúng ta chối bỏ và lờ đi khả năng xảy ra mất mát, rồi sau khi không thể mặc nó được nữa thì chúng ta thường cảm thấy giận dữ. “Tại sao nó lại xảy đến với mình?” “Tại sao ông trời lại bất công đến thế”… hàng loạt các câu hỏi tương tự như vậy xuất hiện với mong muốn tìm ra câu trả lời. Đến giai đoạn mặc cả, chúng ta tìm cách thay đổi tình huống. Sự mặc cả này giúp một người đương đầu với sự mất bằng cách khiến người đó có được cảm giác được nắm quyền trong tình huống như thế này. Và khi họ nhận ra mình không thay đổi được kết quả thì cảm xúc bất lực, trầm cảm ùa đến. Suy nghĩ như người thân của mình sẽ không khá lên và họ sẽ không về được nữa rất đau đớn và tuyệt vọng. Đây là một trạng thái rất bình thường với một người vừa trải qua mất mát, và là một bước cần thiết trên con đường hồi phục sau đó. Chấp nhận là khi hiểu được người thân của mình không còn nữa, chúng ta có thể không thích sự thật này hoặc trở nên “bình thường” với nó. Nhưng chúng ta chấp nhận nó và từ từ điều chỉnh cuộc sống của mình với sự thay đổi này. Chúng ta sẽ từ từ có nhiều ngày vui hơn ngày buồn, sẽ có những mối quan hệ mới, tình cảm mới. Trong quá trình này, chúng ta có thể có cảm giác như đang phản bội người thương đã mất ấy, nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng, người mất thì cũng đã mất, chúng ta không thể thay thế điều đó được. 

Con đường hồi phục từ sự mất mát cần nhiều thời gian và cảm thông không chỉ từ những người xung quanh mà còn từ chính bản thân của chúng ta. Một trong những cách hồi phục là tạo nên ý nghĩa từ sự mất mát. Cho phép bản thân hồi tưởng về những kỷ niệm xưa thông qua những bức hình thay vì né tránh nó. Chấp nhận sự khó khăn sắp tới khi không còn người đó nữa và lắng nghe cảm xúc của mình, cho bản thân mình một khoảng thời gian để chấp nhận những cảm xúc ấy và vượt qua nó.

Chúng tôi bước ra ngoài để gia đình ông S có khoảng thời gian riêng tư. Sau hai mươi phút thì bà S mở cửa phòng, trông bà như vừa mới khóc xong. Bà nói: “Chúng tôi đã quyết định dừng trị liệu lại và rút ống thở ra để chồng tôi được thoải mái nhất, cũng sẽ không làm CPR nếu tim ông ấy ngừng đập.” 

Thầy tôi gật đầu: “Bà yên tâm, chúng tôi sẽ làm hết sức để ông nhà thoải mái nhất có thể” 

Sau đó thầy về lại văn phòng mình để chuẩn bị, còn tôi thì dẫn bà S và hai người con đến phòng bệnh số 6 nơi ông S nằm. Trên con đường ngắn ngủi ấy bà bảo với tôi, “Tôi không thể diễn tả cảm xúc của mình bây giờ, tôi vừa buồn và hụt hẫng vì ông ấy sắp ra đi, đồng thời tôi cũng cảm thấy an ủi khi ông ấy sẽ không còn phải khó chịu hay đau đớn nữa” 

Sự mâu thuẫn cảm xúc này thường hay xảy ra và đó là điều thường thấy nhất khi đối mặt với việc sắp mất đi người thân, nghĩ thế nên tôi liền đáp “Bà cảm thấy như vậy không có gì sai cả. Bà buồn vì bà sắp mất đi người bạn đời thân thiết nhất, nhưng đồng thời bà cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì ông ấy nhẹ nhàng và thanh thản nhất. Vì bà yêu ông ấy nên bà không muốn ông phải tiếp tục chịu đựng đau đớn.” 

Đưa bà đến phòng xong, tôi kéo rèm lại để gia đình họ có khoảng thời gian riêng tư. Khi chuẩn bị đi ra thì người con trai lớn cất tiếng hỏi, “Bây giờ chúng tôi nói chuyện thì ông ấy có nghe được hay không hả cô?” 

“Thính giác là giác quan vẫn hoạt động đến tận cuối cùng, ngay khi cả các giác quan khác đều dừng lại. Cho nên ông ấy có thể nghe các anh nói chuyện.”

Sau đó thì thầy tôi vào rút ống thở ra, tăng liều an thần và tắt máy theo dõi để tiếng bíp bíp ấy không phá vỡ buổi chia ly này. Ba mươi phút sau, cô y tá tớ chỗ bọn tôi đang ngồi và khẽ nói “Máy theo dõi bên ngoài cho thấy tim bệnh nhân đã ngừng đập”. Tôi và thầy đứng dậy bước vào phòng và làm buổi kiểm tra cuối cùng. 

“Không nghe được nhịp tim hay hơi thở. Thời gian tử vong là 3:15’ chiều” Sau đó thầy quay qua bà S, “Thành thật chia buồn với gia đình bà” 

Bà S rưng rưng trả lời “Cảm ơn các vị đã vất vả trong mấy ngày qua” 

Bên ngoài phòng, cô y tá, anh kỹ thuật viên và bác lao công, những người góp phần chăm sóc ông S trong suốt một tuần nằm viện lặng im đứng đó để tiễn đưa ông lần cuối. Hai thầy trò tôi bước ra, khẽ gật đầu với ba người họ và nói “Cảm ơn sự cố gắng của tất cả mọi người. Các bạn đã làm rất tốt” 

Tôi xin phép thầy bước ra ngoài. Thầy cũng biết thói quen này của tôi sau một tháng làm việc chung. Khi bệnh nhân mà tôi phụ trách qua đời, tôi cần phải ra ngoài năm, mười phút để giảm đi áp lực trong lòng. Mặc dù biết cả nhóm đã làm hết sức có thể, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi sự mất mát và bất lực. Tôi phải học cách chấp nhận những cảm xúc, học cách đối mặt với những mất mát này, nhìn thẳng vào những cảm xúc, và cả những suy nghĩ đầy tiêu cực. Tôi lại nghĩ về bà S và hai người con của họ, thầm mong họ sẽ dần chấp nhận hiện thực “mới” này dù nó chẳng dễ chịu tý nào, nhưng đó cũng là cách duy nhất để có thể chữa lành những đau thương do sự mất mát đem lại. 

Khả Tú

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s