Kỳ trước: [Sự hung hăng] Kỳ 1: Hung hăng bẩm sinh
Chúng ta sinh ra với những khuynh hướng khác nhau đối với những hành vi hung hăng phụ thuộc vào giới tính, nguồn gen của chúng ta hay lượng dinh dưỡng chúng ta nhận được qua nhau thai, cũng như lượng tiêu thụ nicotine, cồn, và các loại thuốc khác trong quá trình mang thai của người mẹ. Khả năng xảy ra cho những hành vi phóng túng, chống xã hội (antisocial), hung dữ hay côn đồ của chúng ta tăng lên trong quá trình dậy thì bởi lượng hormone (nội tiết tố) Testosterone tăng. Và có sự khác biệt đáng kể về giới đối với những hành vi trên. Đàn ông thường có xu hướng giết người cao cấp 5 lần so với phụ nữ. Ngoài ra, những ca giết người trong gia đình hoặc người quen trong nam giới chỉ chiếm 20% tổng số ca, trong khi đó với phụ nữ lại là 60%. Độ tuổi mà đàn ông thường gây ra các vụ giết người thường tuân theo các đường khuôn mẫu (stereotypical curve). Vì như đã nói ở trên, lượng Testosterone tăng trong giai đoạn dậy thì, do đó các vụ giết người cũng tăng lên như vậy. Chúng đạt đỉnh điểm ở quanh độ tuổi từ 20-24 tuổi, và sau đó giảm mạnh ở độ tuổi 50-54. Mẫu tuổi giống hệt nhau ở các vụ giết người đều được tìm ra ở nhiều khu vực trên thế giới, từ Mỹ cho đến Anh Quốc, xứ Wales cho tới Canada. Sự suy giảm các hành vi tội phạm trong số những người ở độ tuổi ngoài 20 gần 30 không phản ánh sự suy giảm của Testosterone nhưng lại được quy cho sự phát triển muộn của vỏ não trước trán, giúp hạn chế sự bốc đồng và thúc đẩy các hành vi có đạo đức. Sẽ là logic nếu như chỉ áp dụng khung luật hình sự của người lớn đối với những ai có cấu trúc não bộ trưởng thành, ví dụ trong khoảng tuổi từ 23 đến 25 tuổi. Tuy nhiên, các chính trị gia không xem xét và cũng không quan tâm đến mô hình phát triển này; thay vào đó là họ tạo ra các phiếu bầu từ các cử tri sợ hãi bằng cách làm điều ngược lại – hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Chức năng của phần vỏ não trước trán bị ức chế bởi cồn – thứ có thể dẫn tới các hành vi bạo lực đột ngột, thiếu suy nghĩ chỉ sau một đêm đi chơi hoặc uống rượu. Các tổn thương gây ra cho vùng não trước trán trong những năm đầu tiên của cuộc đời có thể làm gián đoạn các hành vi xã hội và đạo đức sau này của một người.
Testosterone kích thích sự hung hăng. Một số người đàn ông có lượng testosterone cao hơn những người khác và do đó, khả năng trở nên hung dữ là cao hơn. Những người bị đi tù bởi tội hiếp dâm và những hành vi phạm tội mang tính bạo lực khác được tìm thấy có lượng testosterone cao hơn những người phạm các tội khác (các tội phi-bạo lực), và mức testosterone này cũng cao hơn ở những tù nhân, trong các doanh trại quân đội mà có xu hướng của hành vi phản xã hội so với những người khác. Mối liên hệ tương tự giữa việc có hàm lượng testosterone cao và và sự hung hăng cũng được tìm thấy ở các tù nhân nữ. Sự hung hăng được thể hiện ở các vận động viên khúc côn cầu khi đang trong trận đấu có thể dễ dàng ước lượng được bằng số lần họ va chạm bằng gậy đánh khúc côn cầu với đối thủ. Một mối liên hệ khác cũng được tìm thấy giữa sự hung hăng với lượng testosterone trong máu, do vậy đã dấy lên mối lo ngại về việc sử dụng một lượng lớn các chất Steroids trong giới thể thao (Steroid là một loại hợp chất hữu cơ có chứa một sự sắp xếp đặc trưng của bốn vòng cycloalkane được nối với nhau. Ví dụ về các steroid bao gồm các chất béo ăn cholesterol, hormon sinh dục estradiol và testosterone, và thuốc chống viêm dexamethasone – Wikipedia) được đồng hóa vào cơ thể để tăng lượng cơ – vì chất này cũng làm tăng hành vi hung hăng.
Các yếu tố môi trường cũng đóng vai trò tương tự. Những bộ phim bạo lực và các trò chơi điện tử cũng có cho thấy gia tăng hành vi hung hăng. Thú vị hơn nữa, hiệu ứng tương tự cũng được tạo ra khi đọc các đoạn Thánh Kinh có nội dung liên quan tới sự trừng phạt bằng cách giết chóc (nhưng chỉ đúng với những người theo tôn giáo đó). Hơn nữa, các hiệu ứng thực thể ví dụ như nhiệt độ hoặc ánh sáng cũng ảnh hưởng rất lớn tới các hành động của chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết rằng những ngày hè nóng kéo dài có thể châm ngòi cho những hành vi bạo lực. Điều này xuất hiện trong nghiên cứu của Gabriel Schreiber về 2131 vụ xung đột trong suốt 3500 năm trước đây, mà ông ấy đã tìm thấy như là một khuôn mẫu (pattern) xảy ra đều đặn hàng năm. Trong hàng thế kỷ, những quyết định khơi mào chiến tranh thường được tạo ra vào mùa hè ở cả bán cầu bắc và nam, ngược lại ở các vùng xích đạo thì yếu tố về mùa lại không đóng vai trò nhiều lắm.
Những yếu tố khác ví dụ như thiếu hụt về mặt giáo dục và nền tảng kém cũng hiển nhiên đóng góp cho hành vi hung hăng và côn đồ. Thật ra thì chúng là những nhân tố duy nhất được nghiên cứu ở những thế hệ trước. Khi nhà tội phạm học người Ý Cesare Lombroso (1835 – 1909) bị tố cáo về việc dành quá ít sự chú tâm vào vào những nguyên nhân xã hội của tội ác, ông ấy đã trả lời rằng điều này đã được hoàn thành bởi vô số các học giả, và không quên thêm một câu “thật là vô nghĩa khi phải chứng minh rằng mặt trời tỏa sáng”. Cho tới gần đây, Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan mới thể hiện sự quan tâm tới các nhân tố ngoài xã hội khác làm gia tăng hành vi hung hăng và khả năng phạm tội.
Dịch và chú thích: Khánh Linh
Nguồn: We are our brains – From the womb to Alzheimer’s (Dick Swaab)
Kỳ sau: [Sự hung hăng] Kỳ 3: Các rối loạn về não bộ và nhà tù
Pingback: [Sự hung hăng] Kỳ 3: Các rối loạn về não bộ và nhà tù | Những tâm hồn đẹp
Pingback: [Sự hung hăng] Kỳ 1: Hung hăng bẩm sinh | Những tâm hồn đẹp