Nguồn: Friedman, Edward S. ‘Classification, Causes, And Epidemiology’. Handbook Of Depression. Edward S. Friedman and Ian M. Anderson. 2nd ed. London: Springer Healthcare Communications, 2014. 1–12. Print.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Hiệu đính: Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Đỗ Khả Tú, và Nguyễn Huy Hoàng
Biên tập, chỉnh sửa: Nguyễn Khánh Linh
Nhà xuất bản Springer Healthcare (Vương quốc Anh) giữ bản quyền mọi nội dung trong cuốn sách này © 2014 Springer Healthcare. Không sử dụng bản dịch này cho bất cứ mục đích nào có yếu tố thương mại. Không biên tập, chỉnh sửa bản dịch nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của dịch giả. Ghi rõ tên người dịch, người hiệu đính, người biên tập, nguồn Beautiful Mind VN và dẫn link về bài viết gốc trên trang khi đăng tải lại bản dịch này.
Trong mọi trường hợp, Beautiful Mind VN không chịu trách nhiệm về bất cứ sai sót nào có thể có trong bản dịch này, cũng như về mọi hậu quả có thể phát sinh từ việc trích dẫn nội dung và/hoặc sử dụng thông tin từ bản dịch này dưới bất kỳ hình thức nào. Gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn và có thông tin chuyên môn chính xác và phù hợp nhất.
Edward S. Friedman là Phó Giáo sư Tâm thần học tại Trường Y Đại học Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Nguyễn Huy Hoàng là dịch giả, gần đây nhất, của Mehran Kamrava, Qatar: Đất nước nhỏ, nền chính trị lớn (NXB Trẻ, sắp phát hành 2015). Nguyễn Thanh Hà đang hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Global Mental Health tại King’s College, Vương quốc Anh.
Chương 1: Trầm cảm: Phân loại, nguyên nhân, và dịch tễ học
Chương 2: Trầm cảm trong các nhóm bệnh nhân khác nhau
Chương 3: Trầm cảm: Chẩn đoán bệnh
Edward S Friedman
Các dạng trầm cảm khác nhau
Các rối loạn trầm cảm (depressive disorders) bao gồm một nhóm bệnh không đồng nhất được đặc trưng bởi các mức độ khác nhau về rối loạn cảm xúc và các biến đổi về nhận thức, thần kinh thực vật, và tâm thần vận động có liên quan. Trầm cảm hiện là chứng bệnh nghiêm trọng thứ tư trên thế giới và được dự đoán là sẽ đứng thứ hai chỉ sau bệnh động mạch vành về mức độ khuyết tật tới năm 2020 [1,2].
Các rối loạn trầm cảm
Có một phổ rối loạn trầm cảm rộng được đặc trưng bởi sự hiện diện của tâm trạng buồn chán, trống trải, hoặc cáu giận và nhiều mức độ biến đổi về thể chất và nhận thức khác [3]. Theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về các rối loạn tâm thần, ấn bản thứ 5 (DSM-5) [4], nhiễu loạn tâm trạng là đặc điểm nổi bật của các rối loạn khí sắc (mood disorders). Chúng được chia cụ thể hơn thành rối loạn trầm cảm chính[1] (major depressive disorder; MDD), rối loạn mất điều chỉnh tâm trạng muốn gây rối (disruptive mood dysregulation disorder; DMDD, đối với trẻ em đến 18 tuổi), rối loạn trầm cảm dai dẳng (dysthymia; DD), rối loạn phiền muộn tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder), rối loạn trầm cảm do chất[2] (substance-induced depressive disorder), rối loạn trầm cảm do chứng bệnh khác, cũng như các dạng rối loạn trầm cảm khác và không xác định đối với các trường hợp có triệu chứng phụ không đáp ứng đủ các tiêu chí của MDD hoặc DD. MDD được đặc trưng bởi một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm chính (major depressive episodes, MDE) – một khoảng thời gian riêng rẽ trong đó cá nhân phải trải qua những thay đổi rõ rệt về các chức năng tình cảm, nhận thức, và thần kinh thực vật ở một mức độ trung bình trong 2 tuần hoặc lâu hơn với sự suy giảm về mức độ hoạt động chức năng trước đây của chúng (xem Bảng 1.1) [4,5].

Bảng 1.1 Đặc trưng của rối loạn trầm cảm chính. MDE, giai đoạn trầm cảm chính. DSM-5, Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về các rối loạn tâm thần, ấn bản thứ 5; ICD-10, Phân loại quốc tế về các rối loạn tâm thần và hành vi, bản sửa đổi thứ 10. Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ [4] và Tổ chức Y tế Thế giới [5].
- Rối loạn cảm xúc, dễ cáu;
- Dễ cáu, giận dữ, hoặc mâu thuẫn liên cá nhân gia tăng;
- Tâm trạng trầm uất, cảm giác tuyệt vọng, hoặc suy nghĩ tự ti;
- Lo âu, căng thẳng, hoặc cảm giác “kích thích” (keyed-up); và
- Một (hoặc hơn) trong các triệu chứng:
- Mất hứng (anhedonia);[3]
- Mệt mỏi hoặc thờ ơ, thiếu năng lượng;
- Thay đổi cảm giác thèm ăn; ăn quá nhiều; thèm ăn một số thứ cụ thể;
- Ngủ quá nhiều (hypersomnia) hoặc quá ít (hyposomnia);
- Có cảm giác dễ mất tinh thần hoặc mất kiểm soát;
- Căng tức ngực, sưng, phù nề, hoặc tăng cân.
Rối loạn trầm cảm dai dẳng (dysthymia; DD) hợp nhất việc chẩn đoán dysthymia và trầm cảm mạn tính (chronic depression). Các rối loạn này được đặc trưng bởi sự tồn tại dai dẳng của các triệu chứng trong ít nhất 2 năm. Các triệu chứng phải bao gồm tâm trạng trầm uất trong hầu hết thời gian trong ngày, trong hầu hết các ngày, và hai (hoặc hơn) trong các triệu chứng:
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều;
- Ngủ quá nhiều hoặc ngủ quá ít;
- Thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi;
- Thiếu tự tôn (low self-esteem); hoặc
- Cảm giác tuyệt vọng.
Rối loạn mất điều chỉnh tâm trạng muốn gây rối (DMDD) là hội chứng dễ bị kích thích và thường xuyên có những giai đoạn mất kiểm soát hành vi ở trẻ em dưới 12 tuổi.
Rối loạn trầm cảm xác định khác là cách phân loại áp dụng cho những giai đoạn trầm cảm gây ra sự đau khổ đáng kể về lâm sàng hoặc suy giảm trong các chức năng xã hội, nghề nghiệp, hoặc các lĩnh vực quan trọng khác, nhưng không đáp ứng đủ tiêu chí để được phân loại như một rối loạn trầm cảm khác. Ví dụ về biểu hiện như vậy bao gồm: trầm cảm ngắn tái phát (recurrent brief depression), các giai đoạn trầm cảm ngắn (4–13 ngày), và giai đoạn trầm cảm với các triệu chứng không đủ. Ngoài ra, các triệu chứng này phải không thể là do một rối loạn tâm thần hoặc y tế khác, tác động sinh lý trực tiếp của một chất, hoặc do mất người thân. Trong những trường hợp cá nhân thể hiện tâm trạng buồn bã và tổn hại đáng kể về mặt lâm sàng, thuật ngữ “rối loạn trầm cảm không xác định” (depressive disorder not otherwise specified) được sử dụng.
Bản Phân loại quốc tế về các rối loạn tâm thần và hành vi, bản sửa đổi thứ 10 (ICD-10) [5] mô tả đặc điểm của rối loạn trầm cảm tái phát (recurrent depressive disorder) là các giai đoạn trầm cảm lặp đi lặp lại mà không có bất kỳ tiền sử giai đoạn phấn chấn và tăng động độc lập nào. Họ phân chia dạng giai đoạn trầm cảm theo các mức độ nghiêm trọng nhẹ (ít nhất hai trong số các triệu chứng điển hình nhất và hai triệu chứng khác), trung bình (ít nhất hai trong số ba triệu chứng điển hình nhất và ba hoặc bốn triệu chứng khác), hoặc nặng (cả ba triệu chứng điển hình nhất và ít nhất bốn triệu chứng khác) (Bảng 1.1). ICD-10 cũng chấp nhận thời gian diễn ra triệu chứng ít hơn 2 tuần nếu các triệu chứng đó nghiêm trọng bất thường hoặc khởi phát nhanh chóng.
Có một số tiểu dạng trầm cảm được mô tả trong DSM-5 như những chỉ dấu phân biệt cho các rối loạn trầm cảm. [Rối loạn trầm cảm] thể suy lo âu (with anxious distress) được sử dụng khi có hai (hoặc hơn) trong số các triệu chứng:
- Cảm giác kích thích và căng thẳng; bồn chồn;
- Cảm giác bồn chồn;
- Khó tập trung do lo lắng;
- Lo sợ điều gì đó khủng khiếp sẽ xảy ra;
- Sợ mất kiểm soát.
Có 2 trong số các triệu chứng trên là nhẹ; 3 triệu chứng là trung bình; 4 đến 5 triệu chứng là trung bình nặng; và 4 đến 5 triệu chứng với kích động tâm thần vận động (motor agitation) là nặng.
[Rối loạn trầm cảm] thể hỗn hợp (with mixed features) được sử dụng khi có ít nhất 3 triệu chứng của các giai đoạn hưng cảm/hưng cảm nhẹ (manic/hypomanic) xuất hiện gần như hàng ngày trong một MDE. Các triệu chứng này bao gồm:
- Lên tinh thần/giải phóng tinh thần (elevated/expansive mood);
- Tự tôn (self-esteem) hoặc tự vĩ cuồng (grandiosity) tăng cao;
- Nói liên hồi, cảm thấy áp lực phải nói (pressured speech);
- Liên tục nảy sinh nhiều ý tưởng (flight of ideas); suy nghĩ dồn dập (racing thoughts);
- Tăng hoạt động hướng mục tiêu;
- Tích cực tham gia các hoạt động có rủi ro cao;
- Giảm nhu cầu ngủ.
Đáng chú ý, đặc tính hỗn hợp là một yếu tố nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder); sử dụng chỉ dấu phân biệt này, khi có thể áp dụng được, có thể giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị và theo dõi dược lý về khả năng thay đổi tâm trạng do thuốc chống trầm cảm.
Thể căng trương lực (with catatonia) có thể được sử dụng để mô tả một MDE khi bệnh cảnh lâm sàng bị chi phối bởi ba (hoặc hơn) trong các triệu chứng sau: ngơ ngẩn (stupor), chứng giữ nguyên thể (catalepsy), cơ thể mềm như sáp tạo hình (waxy flexibility),[4] làm thinh (mutism), từ chối cử động (negativism),[5] tạo dáng (posturing),[6] kiểu cách (mannerism),[7] cử động lặp đi lặp lại không mục đích (stereotypy), kích động (agitation), nhăn nhó, nhại lời (echolalia), và nhại động tác (exchopraxia).
Thể u sầu (with melancholic features) mô tả một tình trạng mất hứng (anhedonia) đặc biệt nghiêm trọng – gần như hoàn toàn mất hứng thú và thiếu phản ứng với các hoạt động ưa thích thông thường. Ngoài ra, phải có ba hoặc hơn trong các đặc điểm sau trong giai đoạn bệnh nặng nhất:
- Có tâm trạng trầm uất khác với kiểu cảm giác theo sau một mất mát;
- Trầm cảm nặng hơn vào buổi sáng;
- Tỉnh sớm vào buổi sáng;
- Chậm hoặc kích động tâm thần vận động đáng kể;
- Chán ăn và/hoặc giảm cân đáng kể;
- Cảm giác tội lỗi không đáng hoặc quá mức.
Thể phi điển hình (atypical features) là sự hiện diện của phản ứng tâm trạng (tức là khả năng cải thiện tâm trạng của người trầm cảm trước các sự kiện tích cực thực tế hoặc tiềm năng), cùng với hai hoặc hơn trong số các đặc điểm sau:
- Thèm ăn (hyperphagia);
- Ngủ nhiều;
- Cơ thể nặng nề (leaden paralysis);
- Có phản ứng chối bỏ xã hội lâu dài dẫn tới tổn hại đáng kể về mặt xã hội và nghề nghiệp (một đặc điểm với khởi phát sớm tồn tại trong suốt cuộc đời).
Thể tâm thần (with psychotic features): sự có mặt hoặc vắng mặt của các đặc điểm được xác định tùy theo việc chúng có phù hợp với các chủ đề trầm cảm, gọi là “thể phù hợp với khí sắc” (mood-congruent features), ngược lại với thể không phù hợp với khí sắc (mood-incongruent features), thể này ít phổ biến hơn – như hoang tưởng bị hại (persecutory delusions), hoang tưởng tư duy bị áp đặt/đánh cắp (thought insertion/withdrawal delusions), hoang tưởng phát thanh tư duy (thought broadcasting), hoặc hoang tưởng bị kiểm soát (control delusions).
Thể cận sản (with peripartum): giai đoạn trầm cảm diễn ra trong khi mang thai hoặc trong 4 tuần sau khi sinh.
Rối loạn trầm cảm theo mùa (with seasonal features) mô tả một quá trình bệnh lý trầm cảm được đặc trưng bởi sự khởi phát và thuyên giảm liên quan đến khoảng thời gian đặc trưng trong năm. Phổ biến nhất, các triệu chứng trầm cảm biểu hiện trong mùa thu và/hoặc đông và tự thuyên giảm vào xuân hoặc hè. Để hội đủ điều kiện cho chẩn đoán này, trong hai năm trước đó phải có hai MDE thể hiện một mối liên hệ theo thời gian và cá nhân không thể có nhiều MDE không theo mùa hơn theo mùa.
Xác định [rối loạn trầm cảm] thuyên giảm một phần (in partial remission) khi các triệu chứng của MDE còn tồn tại, nhưng không còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, hoặc trong khoảng thời gian kéo dài ít hơn 2 tháng không có triệu chứng đáng kể nào sau khi MDE kết thúc.
Xác định thuyên giảm toàn phần (in full remission) khi trong 2 tháng qua không còn triệu chứng hoặc dấu hiệu đáng kể nào của MDE.
Một số kết quả đã được ghi lại để mô tả quỹ đạo điều trị của một cá nhân (xem Hình 8.1). Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm là tăng nguy cơ tự tử; ví dụ, Bostwick và Pankratz [6] đã nghiên cứu các bệnh nhân mắc rối loạn tình cảm và ước tính tỷ lệ từng tự tử trong đời ở những người nhập viện có ý tưởng tự sát là 8,6% và ở những người nhập viện không có ý tưởng tự sát là 4,0%. Tỷ lệ tự tử trong bệnh nhân nội trú/ngoại trú hỗn hợp là 2,2% và với bệnh nhân không mắc các bệnh cảm xúc thì thấp hơn 0,5%. Những dữ liệu này chứng minh nguy cơ tự tử gia tăng với sự gia tăng cường độ của ý tưởng tự sát và cho thấy nguy cơ tự tử gia tăng cùng với mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm.
Nguyên nhân trầm cảm
Các lý thuyết nhị nguyên phân chia tâm trí và não bộ đang được thay thế bằng các mô hình tích hợp hơn có xét đến những ảnh hưởng sinh học, tâm lý, và xã hội gây ra trầm cảm. Hiểu biết của Kandel về các tương tác tâm trí-não bộ cung cấp một mô hình để tìm hiểu về bản chất và các nguyên nhân khả dĩ của trầm cảm [7]; cụ thể:
- Mọi quá trình thần kinh đều xuất phát từ não bộ;
- Các gene và các sản phẩm protein của chúng xác định chức năng và các liên kết thần kinh;
- Trải nghiệm sống ảnh hưởng tới biểu hiện gene và các yếu tố tâm lý xã hội tác động trở lại não bộ;
- Biểu hiện gene bị biến đổi tạo ra sự thay đổi trong các liên kết thần kinh sẽ góp phần duy trì sự bất thường của hành vi;
- Tâm lý trị liệu tạo ra sự thay đổi hành vi dài hạn bằng cách thay đổi biểu hiện gene.
Do đó, cả yếu tố di truyền và môi trường đều có liên quan đến nguyên nhân và điều trị trầm cảm. Tiến bộ gần đây trong nghiên cứu cơ sở di truyền của trầm cảm đã đem lại những phát hiện thú vị, chẳng hạn như tính đa hình chức năng (functional polymorphism) của gene vận chuyển serotonin, thứ có thể được sử dụng để dự đoán chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) phản ứng trong bối cảnh căng thẳng cuộc sống [8]. Từ đó, có thể hiểu trầm cảm là hệ quả của căng thẳng cuộc sống trong tương tác với các lỗ hổng di truyền về gene và tính cách sản sinh ra sự rối loạn chức năng về sinh lý và tâm lý.
Việc tiếp xúc kéo dài với căng thẳng tạo ra sự thay đổi đặc tính trong chức năng dẫn truyền thần kinh não bộ thường được mô tả như một sự “mất cân bằng hóa học.” Điều này là sự thay đổi trong các hệ thống truyền tin hóa học chịu trách nhiệm dẫn truyền thần kinh: serotonin (5HT), norepinephrine (NE), và dopamine (DA). Trầm cảm có liên quan tới sự suy giảm dẫn truyền thần kinh trong các hệ thống này và các thuốc chống trầm cảm sẵn có hiện nay được cho là có tác dụng bằng cách đảo ngược những thâm hụt đó [9]. Những thay đổi trong các hệ thống thần kinh này tạo ra các triệu chứng tâm lý và xôma đặc trưng của trầm cảm (xem Chương 3).
Các lý thuyết khác về nguyên nhân của trầm cảm xuất phát từ những góc nhìn trong lĩnh vực của chúng (ví dụ, lý thuyết liên cá nhân [interpersonal theory] nghiên cứu căng thẳng giữa các cá nhân và quá trình chuyển tiếp vai trò như những nguyên nhân của trầm cảm). Mô hình nhận thức (cognitive model) cho rằng những tư tưởng loạn chức năng dung dưỡng trầm cảm và củng cố những hành vi thúc đẩy trạng thái trầm cảm. Mô hình động lực (dynamic model) tập trung vào xung đột tâm lý vô thức với mục tiêu cá nhân đạt được sự hiểu biết sâu sắc hoặc sự hỗ trợ cần thiết. Một mô hình rất thú vị đã được Brown và các đồng nghiệp của ông đề xuất [Sơ đồ 1.2], trong đó họ mô tả các cơ chế chịu trách nhiệm cho sự khởi phát, sự kích thích, và sự duy trì của trầm cảm [10]. Một “biến cố cuộc đời nghiêm trọng” có thể làm khởi phát một MDE. Các yếu tố nguy cơ gần (proximal risk factors) ảnh hưởng đến sự khởi phát của giai đoạn trầm cảm, còn các yếu tố nguy cơ xa (distal risk factors) vừa ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ gần vừa thúc đẩy sự tồn tại của một giai đoạn bệnh mạn tính.
Ngoài ra còn có rất nhiều căn bệnh y khoa thường biểu hiện các triệu chứng của trầm cảm (Bảng 1.3), và nhiều loại dược phẩm cũng có thể tạo ra các triệu chứng trầm cảm như những tác dụng không mong muốn (Bảng 1.4). Một số bệnh tâm thần khác cũng có thể có triệu chứng của trầm cảm, trong đó có tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, và nghiện thuốc.

Sơ đồ 1.2 Mô hình khởi phát và quá trình của các giai đoạn trầm cảm. Mô hình này đề xuất các cơ chế chịu trách nhiệm cho sự khởi phát, sự kích thích, và sự duy trì của trầm cảm. Một “biến cố cuộc đời nghiêm trọng” có thể kích thích sự khởi phát của một giai đoạn trầm cảm chính (MDE). Các yếu tố nguy cơ gần (ví dụ, một mối quan hệ liên cá nhân chất lượng thấp) ảnh hưởng đến sự khởi phát của giai đoạn trầm cảm. Các yếu tố nguy cơ xa (ví dụ, bị ngược đãi thời đầu thơ ấu) vừa ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ gần (những biến cố cuộc đời và điểm dễ bị tổn thương sau đó) vừa thúc đẩy sự tồn tại của một giai đoạn bệnh mạn tính. MDD, rối loạn trầm cảm chính. Sao chép với sự cho phép từ Brown et al [10] © Elsevier.
Dịch tễ học và lịch sử tự nhiên
MDD là một rối loạn rất phổ biến. Các ước tính gần đây nhất của Mỹ về tỷ lệ mắc là 16,2% trong đời và 6,6% trong 12 tháng trước khi khảo sát. Độ tuổi khởi phát khác nhau theo từng nhóm tuổi, với một nguy cơ khá thấp cho đến tuổi vị thành niên, sau đó tăng theo kiểu tuyến tính, và dốc hơn nữa đối với nhóm tuổi gần đây [11]. Tỷ lệ mắc có vẻ thấp hơn ở bên ngoài nước Mỹ và khác nhau ở từng quốc gia, nhưng tỷ lệ toàn cầu vẫn ở mức cao, với một phân tích tổng hợp từ 23 nghiên cứu từ các nước ở châu Âu, châu Á, Bắc và Nam Mỹ, và châu Đại Dương cho thấy tỷ lệ chung là 6,7% trong đời và 4,1% trong 12 tháng trước khảo sát [12]. Rối loạn trầm cảm hiện là nguyên nhân gây khuyết tật nghiêm trọng thứ tư trên thế giới, và được dự đoán là sẽ trở thành nguyên nhân nghiêm trọng thứ hai đến năm 2020 [1,2]. Tương quan nhân khẩu học xã hội về nguy cơ gia tăng MDD ở Mỹ bao gồm độ tuổi, giới nữ, chủng tộc/dân tộc phi da trắng, tình trạng việc làm, chưa kết hôn, học vấn thấp, thu nhập thấp, và sống ở thành thị. Gần như tất cả những người được hỏi mắc MDD đều có ít nhất một số tổn hại vai trò (role impairment) và ba phần tư số người được hỏi từng mắc MDD trong đời đều báo cáo ít nhất một rối loạn y tế kèm theo [11].
Một mẫu lâm sàng đại diện gần đây cho thấy MDD thường là mạn tính, nặng, với rối loạn lâm sàng kèm theo đáng kể; ví dụ, hai phần ba số người trong nghiên cứu thực nghiệm (effectiveness study) lớn trong chương trình Các biện pháp điều trị thay thế theo trình tự để giảm trầm cảm (STAR*D) báo cáo ít nhất một bệnh lý thông thường diễn ra đồng thời. MDD thường là một rối loạn theo từng đợt với mỗi đợt diễn ra trung bình mỗi 5 năm; tuy nhiên, 20 đến 33% cá nhân phải chịu đựng một giai đoạn bệnh mạn tính và không dứt [14]. Những ai không thuyên giảm triệu chứng hoàn toàn nhiều khả năng sẽ bị tái phát [13,15]. Các giai đoạn trầm cảm càng kéo dài thì có vẻ càng khó điều trị và số người có các triệu chứng trầm cảm mức độ thấp nhiều gấp khoảng ba lần số người có các triệu chứng cấp MDD.
Khoảng 20 đến 33% bệnh nhân trải qua một MDE có một giai đoạn bệnh được xác định bằng sự khởi phát sớm và giai đoạn rối loạn trầm cảm dai dẳng (dysthymic) mạn tính [17]. Khảo sát National Comorbidity Survey trên dân số Mỹ cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng trong 12 tháng trước khảo sát (12-month prevalence) là 2,5% và từng mắc trong đời (lifetime prevalence) là 6,4%, và khoảng 3% đối với trầm cảm mạn tính [18]. Người mắc trầm cảm chính mạn tính (chronic major depression) có độ tuổi khởi phát sớm hơn, tăng bệnh kèm theo thuộc trục II (axis II), nhiều khả năng từng trải qua một lịch sử chấn thương sớm, và hệ gene gia đình mang bệnh trầm cảm, chiến lược đối phó thiếu hiệu quả hơn, căng thẳng mạn tính hơn, ít sự hỗ trợ xã hội hơn, suy giảm đáng kể trong chức năng tâm lý và hiệu suất công việc, và tăng sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế [19–21].
MDD thể u sầu thường gặp ở bệnh nhân nội trú (trái ngược với bệnh nhân ngoại trú), nhiều khả năng diễn ra hơn trong các MDE trầm trọng hơn, và nhiều khả năng hơn trong những ai có các biểu hiện tâm thần (DSM-5). Trầm cảm sau sinh là biến chứng thường gặp nhất của việc sinh đẻ và diễn ra ở 13% nữ giới sau sinh [22]. Tỷ lệ mắc trầm cảm mùa đông biến đổi với tỷ lệ tăng theo vĩ độ địa lý cao hơn và trẻ tuổi hơn; nữ giới chiếm 60–80% những người mắc rối loạn này (DSM-5) [4].
Tài liệu tham khảo
- Murray CJ, Lopez AD. Alternative projections of mortality and disability by cause 1990–2020: global burden of disease study. Lancet. 1997;349:1498-1504.
- Lopez AD, Mathers CD. Measuring the global burden of disease and epidemiological transitions: 2002–2030. Ann Tropical Med Parasitol. 2006;100:481-499.
- Remick RA, Sadovnick AD, Lam RW, et al. Major depression, minor depression, and double depression: are they distinct clinical entities? Am J Med Genet. 1996;67:347-353.
- American Psychiatric Association. The Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th edn. Washington DC: APA;2013.
- World Health Organization. International Classification of Mental and Behavioral Disorders, 10th revision (ICD-10). Geneva: WHO, 1992.
- Bostwick JM, Pankratz VS. Affective disorder and suicide risk: a reexamination. Am J Psychiatry. 2000;157:1924-1932.
- Kandel ER. A new intellectual framework for psychiatry. Am J Psychiatry. 1998;55:457-469.
- Caspi A, Sudgen K, Moffitt TE, et al. Influence of life stress on depression: moderation by a polymorphism in the 5-HTT gene. Science. 2003;301:386-389.
- Richelson E. The clinical relevance of antidepressant interaction with neurotransmitter transporters and receptors. Psychopharmacol Bull. 2002;36:133-150.
- Brown WG, Craig TKJ, Harris TO. Parental maltreatment and proximal risk factors using the Childhood Experience of Care and Abuse (CECA) instrument: a life course study of adult chronic depression – 5. J Affect Disord. 2008; 110:222-233.
- Kessler RC, Berglund P, Demler O, et al. The epidemiology of major depressive disorder: results from the National Comorbidity Survey Replication (NCS-R). JAMA. 2003;289:3095-3105.
- Waraich P, Goldner EM, Somers JM, et al. Prevalence and incidence studies of mood disorders: a systematic review of the literature. Can J Psychiatry. 2004; 49:124-138.
- Rush AJ. STAR*D: What have we learned? Am J Psychiatry. 2007;164:201-204.
- Mueller TI, Leon AC. Recovery, chronicity, and levels of psychopathology in major depressive disorder. Psychiatr Clin North Am. 1996;19:85-102.
- Fava M, Davidson KG. Definition and epidemiology of treatment-resistant depression. Psychiatr Clin North Am. 1996;19:179-200.
- Judd LL, Akiskal HS, Maser JD, et al. A prospective 12-year study of subsyndromal and syndromal depressive symptoms in unipolar major depressive disorders. Arch Gen Psychiatry. 1998;55:694-700.
- AHCPR Depression Guideline Panel. Clinical Practice Guideline. Number 5. Depression in Primary Care, vol 1. Detection and Diagnosis. Rockville, MD: US Department of Health and Human Services, Public Health Service, Agency for Health Care Policy and Research;1993.
- Kessler RC, McGonagle KA, Zhao S, et al. Lifetime and 12-month prevalence of DSM-III-R psychiatric disorders in the United States. Results from the National Comorbidity Survey. Arch Gen Psychiatry. 1994; 51:8-19
- Keller MB, McCullough JP, Klein DN, et al. A comparison of nefazodone, the cognitive behavioral-analysis system of psychotherapy, and their combination for the treatment of chronic depression. N Engl J Med. 2000;342:1462-1470.
- Nemeroff CB, Heim CM, Thase ME, et al. Differential responses to psychotherapy versus pharmacotherapy in the treatment of patients with chronic forms of depression. Proc Natl Acad Sci USA. 2003;100:14293-14296.
- Schatzberg AF, Rush AJ, Arnow BA, et al. Chronic depression: medication (nefazodone) or psychotherapy (CBASP) is effective when the other is not. Arch Gen Psychiatry. 2005;62:513-520.
- O’Hara MW, Swain AM. Rates and risk of postpartum depression: a meta analysis. Int Rev Psychiatry. 1996; 8:37-54.
[1] Trong phạm vi nội dung cuốn sách này, chúng tôi thống nhất gọi MDD là “rối loạn trầm cảm chính” để phân biệt với các dạng trầm cảm khác. Các cách gọi khác trong tiếng Việt có thể là “rối loạn trầm cảm,” “trầm cảm,” “chứng trầm cảm,” “bệnh trầm cảm,” “trầm cảm đơn cực,” “trầm cảm bệnh lý”… Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị dùng “trầm cảm bệnh lý” (clinical depression) để chỉ MDD trong các trường hợp thông thường, để phân biệt giữa bệnh lý trầm cảm và trạng thái cảm xúc trầm uất thông thường (depressed mood).
[2] Ví dụ, do các chất gây nghiện, rượu, hoặc do thuốc.
[3] Chính xác hơn, “anhedonia” là tình trạng mất khả năng cảm nhận niềm vui trong – và hứng thú với – các hoạt động thông trường trước đây, ví dụ như các hoạt động giao tiếp xã hội, quan hệ tình dục, âm nhạc, thể thao…
[4] “Waxy flexibility” là một triệu chứng tâm thần vận động khiến bệnh nhân giảm khả năng phản ứng với kích thích bên ngoài và có xu hướng giữ nguyên một tư thế bất động.
[5] Bệnh nhân có triệu chứng “negativism” thường từ chối cử động/chuyển động hoặc làm ngược lại hướng dẫn hay kích thích bên ngoài, ví dụ, bước sang trái khi được yêu cầu bước sang phải.
[6] Bệnh nhân tự giữ nguyên một tư thế bình thường gây khó chịu, ví dụ, nằm nhấc đầu lên (như thể gối trên một chiếc gối vô hình).
[7] Bệnh nhân làm những hành động bình thường theo cách bất thường, khác lạ.
MDD bạn nào học Y sẽ đc các thầy dạy là RL trầm cảm chủ yếu nhé bạn.
Mình thấy các bạn bỏ công sức ra để dịch rất hay, nhưng nên tham khảo hoặc tuyển các bạn sinh viên Y khoa từng học qua và đi bệnh viện Tâm thần thực tập để làm CTV, tốt nhất là giám sát của BS chuyên khoa tâm thần. Nhất là bài Tâm thần phân liệt các thuật ngữ bạn dịch không chuẩn (“negative” ban đầu là triệu chứng “tiêu cực” thay vì đúng chuyên ngành phải là triệu chứng “âm tính”… ) vì chỉ đơn thuần đọc tài liệu mà không gặp và hiểu và cảm nhận được bệnh nhân trực tiếp như thế nào. Các bạn lược dịch tài liệu y khoa cho cộng đồng, trong khi bản thân lại không làm trong một ngành chuyên sâu như vậy, nên thận trọng. Dịch Tài liệu y khoa không phải là dịch công thức làm bánh hay dịch truyện nhé. Thân
ThíchĐã thích bởi 1 người
Chào bạn,
Về bài Tâm thần phân liệt, đó là một bạn staff dịch còn đây là những bạn khác. Bạn ấy học ở Mỹ từ nhỏ nên không có nhiều vốn từ tiếng Việt và cũng đã xin lỗi và sửa sai. Còn về bài này, nếu bạn chỉ ra lỗi ở ngay bài này thì bọn mình hết sức yên tâm, nhưng thay vào đó bạn lại lôi lỗi của một bài từ trong quá khứ ra để comment.
Bạn có thể góp ý thế nào cũng được, nhưng mình nghĩ bạn nên bỏ dòng cuối ” Các bạn lược dịch tài liệu y khoa cho cộng đồng, trong khi bản thân lại không làm trong một ngành chuyên sâu như vậy, nên thận trọng. Dịch Tài liệu y khoa không phải là dịch công thức làm bánh hay dịch truyện nhé. Thân”. Đa phần các bạn làm BMVN đều không học ở Việt Nam mà học các trường về Y Sinh ở Mỹ, Anh, Singapore, Canada, Bỉ, Pháp, vì vậy khi chuyển ngữ về tiếng Việt có một chút khớp là chuyện hết sức bình thường. Mình với tư cách một founder, mình biết từng staff của mình như thế nào, các bạn ấy hiện tại vẫn đang công tác về chuyên ngành tâm lý lâm sàng hoặc counselling ở nước ngoài nên mình không hiểu thế nào mới là chuyên sâu theo định nghĩa của bạn? Bạn không nên assume là các bạn ấy “không làm trong một ngành chuyên sâu” trong khi chưa đọc về CV của họ như vậy.
Câu cuối, nó đụng chạm đến những người phải bỏ tiền túi ra và công sức để 1 ngày tiếp nhận hơn 10 case tư vấn, dịch và mua rất nhiều sách, và vẫn làm miễn phí đấy bạn ạ. Làm BMVN cũng không phải ngày 1 ngày 2 các bạn ấy hứng lên làm rồi bỏ đấy đâu. Bạn nên cân nhắc trước khi góp ý. Có thể các bạn staff sẽ cho qua, nhưng mình sẽ không chấp nhận kiểu góp ý như này với staff của mình đâu bạn ạ.
Thân,
KLinh
ThíchĐã thích bởi 8 người
mình thì rất quý những bài dịch thế này. cảm ơn các bạn
ThíchThích
Cũng cùng nội dung nhận xét câu chữ, mà bạn nói chuyện có tính xây dựng hơn một tí thì thì mình đã chẳng phải vào đây comment T_T
Để mình nói bạn nghe, chuyện dịch thuật từ tiếng Anh qua tiếng Việt, mỗi vùng miền Nam – Bắc – Trung đã khác rồi, quan trọng là cái mô tả và triệu chứng bệnh như thế nào. chứ không phải các thầy dạy như nào, thì ra các bạn bắt buộc phải dùng vậy nhé. MDD ở các bệnh viện tâm thần TPHCM người ta dịch là “rối loạn trầm cảm nặng” và họ là những bs đầu ngành, mình thách bạn dám nói với các bác ấy dịch sai rồi và dịch như thầy bạn mới đúng nhé. Chuyện dịch thuật tài liệu y khoa nó vô vàn lắm, nên đừng chỉ vì một đôi chữ, mà bạn nói câu cuối kiểu hết hồn như vậy.
Với cả, bạn nhận xét người ta “chỉ đơn thuần đọc tài liệu” “không gặp và cảm nhận được BN trực tiếp như thế nào” “không làm một ngành chuyên sâu” thì nói thật hơi mắc cười rồi nhe :)))))
Nhận xét người ta thì nên thận trọng. Đừng chỉ vì đọc được mấy dòng xong kết luận như đúng rồi. Bạn đang nói chuyện với ai thì nên xem CV người ta trước. Bạn đang nói chuyện với staffs BMVN chứ không phải người bán bánh nhé. Thân.
ThíchĐã thích bởi 8 người
Chào Thanh,
Cảm ơn Thanh đã góp ý. Trong khi dịch, cân nhắc hai phương án dịch MDD thành “rối loạn trầm cảm chính” và “rối loạn trầm cảm chủ yếu” (và một phương án khác tham khảo từ tiếng Trung là “rối loạn trầm cảm trọng tính“), chúng tôi cho rằng hai phương án này có thể dùng thay thế lẫn nhau, và ít có khả năng bị nhầm lẫn với các rối loạn khác. Chúng tôi cũng lưu ý rằng “rối loạn trầm cảm chính” là cách dịch chúng tôi chọn sử dụng trong phạm vi cuốn sách này, và khuyến nghị dùng “trầm cảm bệnh lý” hay “trầm cảm lâm sàng” (clinical depression) để phân biệt với tâm trạng trầm uất thông thường (depression [mood]) trong các trường hợp khác. Đồng thời, chúng tôi cũng giới thiệu một số cách gọi bổ sung, như “trầm cảm đơn cực” (unipolar depression).
Chúng tôi xin nhận lỗi về mọi sai sót và sẽ nỗ lực chỉnh sửa, bổ sung trong thời gian ngắn nhất.
Nguyễn Huy Hoàng.
ThíchĐã thích bởi 8 người
“các thầy dạy là” nghe như kiểu “Lê-nin nói là” ấy nhờ 😀
ThíchĐã thích bởi 1 người
Chào bạn,
Mình là Nguyệt, người dịch bài Tâm thần phân liệt. Nếu bạn có bất kỳ đóng góp hay chỉ trích gì với bài ấy thì mình nghĩ bạn nên qua bên kia com, chứ đừng nên vào bài của một bạn khác dịch để nói. Như vậy là hơi thiếu tôn trọng với người dịch và công sức của họ. Đây là cái thứ nhất.
Thứ hai, nếu bạn muốn chỉ trích ai đó không chuyên ngành, xin bạn đọc qua lý lịch của họ đã. Lý lịch, nơi học và ngành học của các bạn trong BMVN đều được post dưới danh mục “Độ tin cậy” ở trên, bên trái màn hình. Chỉ tốn tầm 2 phút để đọc thôi bạn.
Thứ ba, theo như mình biết, hiện nay VN vẫn chưa có hệ thống tên gọi thống nhất về các bệnh và triệu chứng tâm thần. Đơn cử như bạn nói MDD là RL trầm cảm chủ yếu nhưng một bạn khác học ở HCM lại nói đó là RL trầm cảm nặng. Nếu bạn muốn so sánh thì mời bạn chọn ra một hệ thống ước định để so (như tâm lý ở Mỹ thì dùng APA, hoá học thì dùng hệ thống tên gọi IUPAC vậy). Lời thầy bạn không thể là chuẩn mực của cả một ngành được. Bằng chứng là có những người được học dưới tên gọi khác nhau.
Thứ tư, mình muốn hỏi là bạn đã đọc hết bài chưa? Nếu đã đọc thì trong phần footnote bọn mình đã nói rõ là dung rối loạn trầm cảm chính ở trong phạm vi của cuốn sách này. Trong trường hợp bạn đọc không hiểu, thì mình xin được nhấn mạnh rằng, CHỈ TRONG CUỐN SÁCH NÀY, thì MDD được gọi là rối loạn trầm cảm chính.
Thứ năm, chữa bệnh tâm lý không phải chỉ dùng thuốc trong Y khoa mà còn cả tư vấn trị liệu nữa nhé bạn.
Thân ái,
-Nguyệt-
ThíchĐã thích bởi 7 người
Pingback: Trầm cảm trong các nhóm bệnh nhân khác nhau | Những tâm hồn đẹp
Cảm ơn các bạn rất nhiều về bài dịch! Mình cảm thấy nó rất hữu ích!
Bạn ơi cho mình hỏi vấn đề này với. ở mục “Nguyên nhân trầm cảm” có phần “Kinh nghiệm sống ảnh hưởng tới biểu hiện gene và các yếu tố tâm lý xã hội tác động trở lại não bộ;” mình đọc nhưng ko hiểu rõ lắm về cụm “kinh nghiệm sống” cho lắm bạn có thể giải thích cho mình hiểu thêm với được ko?(có thể có thêm ví dụ thì càng tốt) Cám ơn bạn rất nhiều!
ThíchThích
Chào bạn,
Cụm từ “kinh nghiệm sống” được dịch từ bản gốc tiếng Anh là “life experience”. Mình có trao đổi với anh Hoàng, người dịch chính bài viết, thì được biết ý định của anh là dịch là “trải nghiệm sống”, nhưng có lẽ trong quá trình đánh máy và hiệu đính, bọn mình đã bỏ sót lỗi này. Xin lỗi bạn và các bạn độc giả khác rất nhiều, cũng xin cảm ơn bạn đã thắc mắc để chúng mình chỉnh sửa.
Đây là nguyên tắc thứ 3 trong mô hình của Kandel tóm tắt nhận thức hiện nay của các nhà sinh học về quan hệ giữa trí óc và bộ não (“A new intellectual framework for Psychiatry”, 1998). Theo như Kandel, các yếu tố về xã hội hay phát triển (social or development factors) có thể tác động lên bộ não thông qua việc phản hồi tới não, làm thay đổi biểu hiện gene và chức năng của các tế bào thần kinh.
Về ví dụ thì, có một nghiên cứu của đại học Wisconsin nhận thấy stress trong thời thơ ấu có thể gây ra những thay đổi gene làm cho trẻ sau này trong đời bị giảm khả năng đương đầu với stress. Cụ thể là các nhà nghiên cứu nhận thấy những đứa trẻ bị đối xử tồi tệ có ít biểu hiện của gene NR3C1- loại gene mã hóa cho tế bào tiếp nhận glucocorticoid (glucocorticoid receptors) trong khi đây là một yếu tố quan trọng trong cơ chế đương đầu với stress của cơ thể. Nếu như muốn tìm hiểu kĩ hơn, bạn có thể đọc bản gốc ở đây: http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/cdev.12270/epdf hay bài đăng trên tạp chí tóm tắt dễ hiểu hơn: http://www.healthline.com/health-news/childhood-stress-affects-genes-for-life-072914#3
Có một số nghiên cứu khác thì nhìn vào rối loạn tâm lý của mẹ khi mang thai và biểu hiện gene ở con, như là trầm cảm của mẹ khi mang thai và biểu hiện gene liên quan đến stress của đứa trẻ.
Hy vọng comment của mình có ích cho bạn ạ :”D
ThíchThích
Pingback: Trầm cảm: Chẩn đoán bệnh | Những tâm hồn đẹp
Pingback: Ở nam giới, trầm cảm có khác biệt? | Những tâm hồn đẹp
Pingback: ‘Bạn không nhìn thấy không có nghĩa là chúng không tồn tại’ – Nina Diep Tran
Tiếc là trong 3 phần này ko có phần quan trọng nhất: Cách điều trị.
ThíchĐã thích bởi 1 người