Màng trinh và sự trinh tiết

Mình nhớ lúc còn là một bé gái nhỏ, một trong những khoảnh khắc thân mật nhất giữa mình và mẹ là khi hai người cùng tâm sự. Mẹ đã nói với mình rất nhỏ nhẹ, với rất nhiều yêu thương và lo lắng, rằng là con gái, mình sở hữu một thứ vô cùng quý báu đó là sự trinh tiết. Mẹ nói sự trinh tiết của mình được quyết định bởi “màng trinh”, một màng rất mỏng, bao bọc bộ phận sinh dục của mình, và sẽ bị “rách” khi mình quan hệ tình dục lần đầu tiên. Mẹ nhấn mạnh rằng lần đầu mình quan hệ phải là vào đêm tân hôn, nếu mình “còn trinh”, màng trinh ấy sẽ bị “vỡ”, và cho ra máu. Lần quan hệ đầu tiên sẽ rất đau, đau đến nỗi có khi làm mình khóc, nhưng vệt máu đó sẽ chứng tỏ tình yêu và sự chung thủy của mình đối với chồng, và sẽ là món quà ý nghĩa nhất bất kỳ người con gái nào có thể dành tặng chàng trai của mình.

Trong suốt quá trình lớn lên, quan niệm này đã ám ảnh mình rất nhiều. Đôi lúc trước khi ngủ, mình đã mơ màng về đêm tân hôn khi mình trao cho người yêu thứ vô cùng quý giá và linh thiêng ấy, mọi thứ sẽ bay bổng biết bao, rồi chàng sẽ yêu mình biết bao. Mình tự nhủ sẽ cố gắng chịu đau, để người yêu tương lại được hạnh phúc. Thậm chí, có lần mình buồn dai dẳng, buồn mà không dám nói ai, vì mình đã té xe đạp và tự cho rằng màng trinh của mình đã “bị rách”.

Mọi thứ đều trở nên khá buồn cười, khi mình dần nhận ra sự thật của quan niệm về “màng trinh”. Quan niệm về “màng trinh” đến nay vẫn còn rất phổ biến và được áp dụng rộng tãi, nhưng nếu xét về mặt y học và công bằng xã hội, thì quan niệm về màng trinh rất vô lý.

Đầu tiên, về mặt y học, “màng trinh” không thể nào thể hiện được một người phụ nữ có quan hệ hay không chưa. “Màng trinh” (The hymen/ The vaginal corona) hình thành từ những nếp gấp mỏng, có thể co giãn của niêm dịch da mỏng, nằm khoảng 1 hoặc 2 cm bên trong miệng âm đạo (Vaginal opening). (The vaginal corona is made up thin, elastic folds of mucous membrane located around 1 to 2 centimeters inside the entrance to the vagina.)

vag1

Nguồn: Scarleteen

Khác với quan niệm thường thấy, “màng trinh” (The vaginal corona) không bao bọc cả âm đạo, thay vào đó, nó nằm xung quanh thành âm đạo. Cũng như các bộ phận khác trong cơ thể, “màng trinh” (The vaginal corona) có nhiều hình dạng, màu sắc và kích thước khác nhau. Ở một số người, nếp gấp này có thể gấp rất lỏng, một số khác gấp nhiều hơn. Màu của nó có thể giao động từ hồng nhạt, gần trong suốt hoặc nếu nó dày hơn, nó sẽ có màu trắng đục hoặc tái nhợt.

Một số ví dụ về hình dạng của “màng trinh” (the vaginal corona).

vag2

Nguồn: Scarleteen

Vẫn chưa có tài liệu chính thức nói về công dụng của “màng trinh” (the vaginal corona) đối với cơ thể của 1 người phụ nữ. Nó được cho rằng là phần sót lại của bào thai trong suốt quá trình phát triển. Hơn nữa, khoảng 0.03% phụ nữ đã không có “màng trinh” từ lúc sinh ra.

Trong một số trường hợp hiếm, “màng trinh” có thể bao bọc cả miệng của âm đạo (vaginal opening). Những “màng trinh” như thế được gọi là “imperforate hymen” hoặc “microperforate hymen”. Những người phụ nữ sở hữu những “màng trinh” như thế sẽ cần đi phẩu thuật để kinh nguyệt có thể thoát ra khỏi cơ thể, tạo điều kiện để sử dụng tampon, và quan hệ qua đường âm đạo. Ngoài ra, những người phụ nữ khác có “màng trinh” nằm chéo qua miệng âm đạo (vaginal opening), gây cảng trở trong việc dùng tampon hay những hoạt động khác cũng có thể đi phẩu thuật để khắc phục điều này.

Trong cuộc sống của một người phụ nữ, “màng trinh” có thể bị làm mòn đi do chất thải âm đạo, kinh nguyệt, hoocmones, việc sử dụng tampons v.v… Vì thế, không thể nào xác định được rằng một người phụ nữ đã quan hệ tình dục hay chưa bằng cách xét nghiệm, trừ khi họ có STD hay STI (các bệnh và sự nhiễm trùng lây qua đường tình dục).

Do “màng trinh” không mỏng manh và dễ vỡ như được tin rộng rãi, cảm giác lần đầu kéo giãn nó (do dùng tampon, thủ dâm, hay có các dạng quan hệ qua đường âm đạo) sẽ khác ở mỗi người. Một số người sẽ không cảm thấy đau tí nào cả, một số người với “màng trinh” bao bọc nhiều hơn sẽ cảm thấy đau. Đôi lúc, nếp gấp niêm mạc (mucous folds) có thể bị trầy xước, dẫn đến một ít máu xuất hiện.

Đại đa số phụ nữ không chảy máu khi quan hệ lần đầu, bất kể “màng trinh” của họ trông như thế nào. Thấp hơn phân nửa số phụ nữ chảy máu khi lần đầu quan hệ, và khi họ chảy máu, đó không phải là do “màng trinh” bị “chọt thủng” hay bị “rách”, mà là do họ căng thẳng, lo lắng, không cảm thấy bị kích thích dẫn đến âm đạo bị khô, làm cho nếp gấp niêm mạc (mucous folds) bị trầy xước.

Ngoài ra, khi cảm giác đau và việc chảy máu có thể đến từ cảm giác lo âu, hồi hợp, và không cảm thấy có hứng thú tình dục, không nhất thiết là phải ở lần đầu tiên người phụ nữ mới chảy máu và đau. Nếu trong trạng thái tinh thần không thoải mái, một người phụ nữ vẫn có thể chảy máu và bị đau kể cả khi đang quan hệ ở lần thứ 10.

Rất nhiều lần, “màng trinh” vẫn hoàn toàn “nguyên vẹn” sau khi quan hệ. Một nghiên cứu đã kết luận rằng, 52% phụ nữ đã quan hệ ở tuổi vị thành niên có “màng trinh nguyên vẹn” (intact hymen)- Archives of Adolescent and Pediatric Medicine March 2004).

Vì những lý do trên, không thể nào xác định được rằng một người phụ nữ đã quan hệ hay chưa dựa vào cái “màng trinh” ấy.

Có lẽ một ngày nào đó, y học sẽ tìm ra được một biện pháp chính xác để xác định một người phụ nữ đã quan hệ tình dục chưa, nhưng điều đó hết sức không cần thiết, vì quan niệm về “màng trinh” rất có hại, đặc biệt là cho phụ nữ. Sau đây là một số lý do chính khiến quan niệm về “màng trinh” cần được bãi bỏ.

  1. Nó xem quan hệ tình dục là một thứ dơ bẩn, xấu xa, đặc biệt là với phụ nữ.

Quan niệm “màng trinh” đã ghi sâu lên văn hóa của chúng ta rằng quan hệ tình dục là một việc làm dơ bản, cấm kỵ, do vậy, những ai “chống lại được cám dỗ” trước hôn nhân là trong sạch, đáng được trân trọng. Khi quan hệ tình dục bị xem là một chuyện nhạy cảm, thì rất nhiều vấn đề sẽ đi cùng nó, tiêu biểu là việc e ngại khi bàn về vấn đề tình dục, và sự cô lập, hắt hủi đối với những người quan hệ trước hôn nhân.

Tuy gần đây, những vấn đề về tình dục đã được bàn luận một cách cởi mở, thẳng thắng hơn, nhưng sự e thẹn xung quanh nó vẫn còn, và việc xem tình dục là một điều cấm kỵ đã và đang để lại nhiều rắc rối. Một khi chủ đề tình dục chỉ có thể làm dậy lên tiếng cười hay những cái lắc đầu, lè lưỡi thì bao nhiêu vấn đề đi cùng với nó sẽ không bao giờ được giải quyết. Giáo dục giới tính của nước ta còn non nớt, và thậm chí vẫn còn một số người không đồng tình với việc dạy nó một cách cởi mở, dẫn đến một tỉ lệ phá thai cao chót vót cho Việt Nam (khoản 70 nghìn ca phá thai một năm). Ngoài ra, những vấn đề về nạn hiếp dâm, bạo hành tình dục, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, v.v… đều phải núp sau rèm của bóng tối khi đa phần mọi người đều cảm thấy thật ghê tởm khi nghe đến.

Ngoài ra, với một thứ được đề cao, thì sẽ có một hoặc nhiều thứ ngược lại bị dè bỉu và chà đạp. Khi việc không quan hệ tình dục được xem là trong sạch và liêm khiết, thì việc tận hưởng nó sẽ bị xem là sai trái, là không chấp nhận được, nhất là với phụ nữ, những người được xem là phải “giữ trinh”. Lối suy nghĩ này sẽ dẫn đến slut-shaming, hành vi chỉ trích, xúc phạm phụ nữ dựa trên đời sống tình dục của cô ấy.

Những người phụ nữ quan hệ trước hôn nhân, hay có nhiều bạn tình khác nhau, như một lẻ thường tình sẽ trở thành nạn nhân của slut-shaming. Có rất nhiều là từ ngữ được dùng để hạ thấp giá trị của họ, nào là lăng loàng, đĩ thõa, điếm v.v… và dường như không có từ nào trong ngôn ngữ của chúng ta được dùng để tâng bốc phụ nữ khi họ quan hệ cả. Thậm chí, chỉ cần phụ nữ ăn mặc hở hang, khêu gợi thì họ đã phải chịu thị phi rồi.

Quan niệm về “màng trinh” nói với phụ nữ rằng giá trị của họ sẽ tỉ lệ nghịch với số người họ ngủ cùng, và tình dục là một thứ họ phải dành tặng cho chồng của họ, chứ họ không có quyền gì để quyết định cuộc sống tình dục của họ cả.

Tình dục là hành vi hết sức bình thường của con người và những loài động vật khác, cho nên chẳng có gì đáng xấu hổ khi bàn bạc về nó một cách cởi mở cả. Quan trọng hơn, việc quan hệ tình dục hay không chả làm nhân cách của một người tốt lên hay xấu đi hết. Trừ khi họ xâm phạm tình dục, hiếp dâm, quấy rối người khác, thì chẳng có gì sai nếu họ quan hệ tình dục một cách lành mạnh, an toàn, và có sự đồng thuận (consent).

Nếu bạn muốn dành lần đầu của mình cho người yêu, thì tốt thôi, đó là quyền quyết định của bạn. Nếu bạn muốn quan hệ trước hôn nhân, điều đó cũng chẳng có gì sai. Bạn muốn sống cả đời không bao giờ quan hệ tình dục? Tốt thôi, tùy bạn. Vậy còn nếu bạn muốn có nhiều mối quan hệ tình dục khác nhau thì sao? Cũng chả sao cả, cuộc đời của bạn, cơ thể của bạn, những người xì xào không đáng để bạn quan tâm, và bạn cũng phải tôn trọng đời sống tình dục của người khác, bất kể giới tính của họ. Không thể nào đánh giá tài năng, nhân phẩm của một người dựa trên số lần họ quan hệ tình dục.

stock-photo-117902411

Tired feet by K.L.

  1. Nó xem phụ nữ như một món hàng của đàn ông.

Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, bạn ra siêu thị và mua một món hàng. Khi về mở ra thì bạn mới phát hiện món hàng đã được mở ra và sử dụng từ trước, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Tất nhiên không phải là một cảm giác tích cực rồi. Bạn có thể sẽ đem trả lại hoặc tiếp tục sử dụng, nhưng dù sao thì cảm giác hài lòng của bạn sẽ không còn như ban đầu. Cũng có thể, điều ấy chẳng hề hấn gì với bạn và bạn vẫn sử dụng nó vui vẻ như bình thường, nhưng “số phận” của món hàng vẫn phụ thuộc về bạn. Thậm chí, bạn còn có thể vứt nó thẳng vào sọt rác, và đi kể với mọi người là hãng này sản xuất đồ kém chất lượng hay siêu thị kia lừa khách hàng vâng vâng, và món hàng không thể làm gì cả. Một món hàng, càng qua nhiều người sử dụng, càng cũ và dễ hư, cho nên giá trị sẽ giảm dần.

Vậy hãy nghĩ đến một người phụ nữ, một người mà vào đêm tân hôn có thể sẽ mất hết tất cả mọi thứ, và thậm chí sẽ sống hết cả cuộc đời trong ô nhục nếu chẳng hiểu sao khăn giường lại trắng tinh. Khả năng rất cao là người phụ nữ đó sẽ bị chồng hắt hủi và coi thường. Nếu họ may mắn, chồng của họ sẽ không coi trọng việc đó, và vẫn yêu thương họ như thường, nhưng điều đó vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng. Nhưng nếu không, người phụ nữ ấy có thể bị đánh đập nữa, và thậm chí là giết chết vì danh dự của gia đình, của người chồng kia. Nếu họ được phép sống thị họ sẽ sống hết cuộc đời trong sự khinh bỉ, khi gia đình chồng, gia đình mình, và cả xã hội đều miệt thị, cho rằng mình là một con đàn bà “lăng loàn”,”không trong sạch”. Vì như trên, khi sự “trinh tiết” được đề cao, thì ngược lại sẽ bị khinh rẻ.

Yêu cầu một người phụ nữ phải không quan hệ tình dục trước hôn nhân, và dành sự “trinh tiết” đó cho chồng của họ chẳng khác gì đối xử với họ như một món hàng mà người mua là chồng của họ.

Như trên, đời sống tình dục của một người không phải là thang đánh giá nhân phẩm của họ. Phụ nữ cũng là con người, và một khi đã là con người, thì họ phải có quyền tự chủ với cơ thể của họ. Họ xứng đáng có được tự do để sống đời sống tình dục của mình theo cách họ muốn mà không phải chịu hậu quả từ xã hội.

  1. Nó tạo ra một tiêu chuẩn kép (Double standard) hết sức mâu thuẫn.

Tiêu chuẩn kép (Double standard) xảy ra khi 2 nhóm người khác nhau cùng làm 1 việc, nhưng họ lại bị đối xử khác nhau vì việc đó, thường thì sự khác biệt trong đối xử đó sẽ tích cực cho một nhóm, nhưng đem lại thiệt thòi cho nhóm còn lại. Có rất nhiều tiêu chuẩn kép xung quanh chúng ta, đặc biệt là giữa 2 nhóm “nam” và “nữ” (Giới tính rất đa dạng, không chỉ có “nam” và “nữ” đâu, nhưng để dễ hiểu thì chỉ xét 2 nhóm này thôi nhé). Một số ví dụ là khi nam cởi trần và lộ núm vú, đó là chuyện hết sức bình thường trong xã hội chúng ta. Nhưng nếu nữ làm thế thì, ai cũng có thể hình dung được “hậu quả”. Ngoài ra, nếu nữ mất vệ sinh, hay ăn ngồi tư thế xấu, thì họ sẽ bị cho là “mất nết”, và bị chỉ trích rất nhiều. Nhưng nếu con trai làm thế thì sẽ là “chuyện thường”, là “tánh con trai”, và sẽ không phải nhận nhiều gạch đá bằng phụ nữ.

Việc quan hệ tình dục cũng như thế, phụ nữ nếu quan hệ với nhiều người đàn ông khác nhau sẽ bị xem là “dễ dãi”, “lẵng lơ”, “lăng loàng”, “không tôn trọng mình”. Trong khi đàn ông nếu quan hệ nhiều thì được xem là “đào hoa”, “nam tính”. Thậm chí, đến tận bây giờ một quan niệm như thế này vẫn được nhiều người tán thành:

“Phụ nữ như cái ổ khóa, còn đàn ông thì như cái chìa khóa. Ổ khóa mà chìa nào cũng mở được là ổ khóa hư. Còn chìa khóa mà mở được mọi khóa là chìa khóa vạn năng..”

Việc so sánh khập khễnh giữa con người và đồ vật mới nực cười làm sao. Phụ nữ và đàn ông đều là con người, chứ không phải đồ vật (đồ vật được sinh ra với mục đích là để sử dụng, lưu trữ và loại bỏ, và đương nhiên con người thì không phải vậy).

Ngoài ra, điều này phản ánh rằng, đối với nam giới, việc quan hệ tình dục nhiều hay không cũng bị xem là thang để đánh giá sự “mạnh mẽ”, “nam tính” của mình. Nhưng thay vì tỉ lệ nghịch như ở phụ nữ, thì giá trị của đàn ông dường như được tăng thêm khi anh ấy có nhiều mối quan hệ tình dục. Thậm chí, rất nhiều bạn nam sẽ còn cảm thấy áp lực, cho mình là “yếu đuối” khi mãi vẫn không bạn nữ nào đồng ý quan hệ với mình. Nguy hiểm hơn, họ có thể cảm thấy bị xúc phạm danh dự khi bị từ chối, tiêu biểu là 2 năm trước, Ben Moynihan, 18 tuổi, đã cố gắng đâm chết 3 người phụ nữ để trả thù vì việc họ “khiến mình còn trinh hoài”.Tôi vẫn còn trinh, ai cũng đã quan hệ hết rồi. Đây là lý do bạn là nạn nhân của tôi. Tôi không thể sống như thế này nữa, tôi không có tương lai. Vậy phụ nữ, hãy nói cho tôi biết tôi phải làm thế nào!”, anh nói trong 1 video tìm được trong laptop của anh.

Một số người sẽ nói “Đàn ông quan hệ nhiều thì là đê tiện”, với hy vọng sẽ cân bằng lại sự bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, điều đó không giúp ích được nhiều vì bản chất việc đánh giá nhân phẩm người khác dựa trên số lần quan hệ của họ như được nói ở trên là vô cùng thiếu logic và khoa học, bất kể là nam hay nữ.

Do vậy, đã đến lúc lối đánh giá con người dựa trên số lần họ quan hệ tình dục hết sức phân biệt giới tính và vô lý này cần được dừng lại, bởi nhân phẩm của một con người chẳng bao giờ tăng lên hay ít đi cùng với số lần họ quan hệ cả.

  1. Nó xem dị tính là chuẩn (Heteronormative)

Trên các trang báo, diễn đàn hỏi-đáp về sức khỏe giới tính, một thắc mắc từ lâu đã trở thành chủ đề nóng là “Nếu em quan hệ qua đường hậu môn, thì em đã mất trinh hay chưa?”

Cùng với câu hỏi đó là 1 loạt:

  •             “Nếu em quan hệ qua đường miệng thì sao?”
  •             “Thế còn khi em sử dụng ngón tay?”
  •             “ Em thủ dâm thì có tính không?”
  •             “Những người đồng tính có bao giờ mất trinh không nhỉ?”
  •             “Chuyển giới nữ thì chắc không có cái linh thiêng ấy đâu phải không?”

Các thắc mắc ấy là vô cùng có lý khi quan niệm về “màng trinh” chỉ xét 1 dạng quan hệ tình dục, đó là quan hệ dương vật trọng âm đạo (PIV sex). Quan niệm về “màng trinh” được ra đời trong một xã hội phụ hệ (patriarchal society) và xem trọng những người không chuyển giới và dị tính (cisgender and heterosexual). Do đó, quan niệm này phản ánh sự xem dị tính là chuẩn (Heteronormation) và đồng thời cũng để củng cố địa vị của những người không chuyển giới và dị tính.

Quan niệm này dường như quên mất sự tồn tại của các bạn LGBTQA+, và đương nhiên không thể áp dụng với họ. Không những thế, nó cũng thất bại trong việc xác định người không chuyển giới và dị tính là có quan hệ hay chưa, vì bất kể quan hệ qua đường miệng hay đường âm đạo, thì cũng vẫn là quan hệ và không có lý do nào khiến quan hệ dương vật trong âm đạo (PIV sex) “linh thiêng” hơn các dạng quan hệ khác.

Qua những lý do trên, chúng ta có thể kết luận rằng quan niệm về “màng trinh” vô lý cả về mặt y học và về mặt công bằng xã hội.

Tuy nhiên, nó vẫn được xem như là điều hiển nhiên, được chấp nhận như một sự thật từ trước đến nay và ảnh hướng rất nhiều đến đời sống con người, đặc biệt là đời sống của phụ nữ.

Qua những trang lịch sử, chúng ta có thể thấy được rằng, sự trinh tiết có thể quyết định danh dự, số phận, và thậm chí là sự sống còn của một người phụ nữ. Nếu một người phụ nữ “mất trinh” trước khi lấy chồng, cô ấy sẽ mất hết giá trị cá nhân, trở thành nổi nhục của gia đình, và đứng trước nguy cơ “ở giá”. Thậm chí, cô ấy có thể bị đánh đập tàn bạo, và giết chết bởi chính gia đình cô ấy hoặc gia đình nhà chồng. Ở thời Hy Lạp cổ, luật pháp đã quy định rằng phụ nữ “mất trinh” trước hôn nhân phải bị bán thành nô lệ, vì một khi đã phá hỏng danh dự của gia đình, họ chỉ đáng như thế thôi. Đối với người Roma, luật pháp cho phép cha của người phụ nữ có thể giết con gái của mình và chàng trai đã “dụ dỗ” cô ấy nếu cô ấy quan hệ trước hôn nhân. Điều tương tự vẫn được thực hiện ở rất nhiều khu vực và rất nhiều thời kỳ khác nhau.

Ngày nay, ở một số nơi trên thế giới, “tội phạm danh dự” (“honour crimes”) vẫn là chuyện thường tình và điều ấy có thể xảy ra kể cả khi cô gái bị hiếp dâm, hay chỉ vì 1 thành viên nam trong gia đình (cha, anh trai, chú,…v…v) cho rằng cô ấy “không trong sạch”. Chỉ bằng cách tìm kiếm bằng Google, mình đã có thể tìm ngay ra một tin về một người mẹ đã bắt đứa con gái 12 tuổi của mình uống nước tẩy và ngồi lên cô ấy đến khi cô tắt thở vì cô ấy đã quan hệ tình dục. Ngoài ra, tại một số quốc gia, phụ nữ phải chứng minh rằng họ “còn trinh” bằng những lần xét nghiệm, nếu không họ sẽ bị từ chối việc làm, từ chối đơn kiện hiếp dâm, hay thậm chí là bị tống thẳng vào tù.

Ở Việt Nam, quan niệm này cũng quan trọng không kém. Chúng ta có thể biết đến nó từ bài vở trên lớp, đến những cuốn truyện, bộ phim.  Ngoài ra, ở môn Giáo dục công dân, chúng ta được dạy thẳng thừng ra rằng quan hệ trước hôn nhân là xấu, là đi ngược lại với đạo đức, là không chấp nhận được. Lâu lâu chúng ta có thể nghe người khác thị phi, nào là “con đó mất trinh rồi đó, ghê chưa”, hay là “nó đi may lại ấy, trinh tiết khỉ gì”. Là một người phụ nữ, nếu bị biết đến là đã quan hệ trước hôn nhân, hay chỉ đơn thuần chỉ bị xem là đã quan hệ do ăn bận phóng khoáng hay bất kể lý do nào khác,  thì sẽ phải gánh chịu bao nhiêu là “hậu quả”. Cá nhân mình thì chưa biết có vụ xúc phạm danh dự, đánh đập, đối xử tệ bạc với phụ nữ nào thật lớn ở Việt Nam hiện nay vì quan niệm “màng trinh” không, hy vọng các bạn đọc có thể chia sẽ cho mình thêm những câu chuyện và tin tức về vấn đề này nhé. Các bạn có thể để lại comment, hoặc gửi e-mail đến chúng mình tại editor@beautifulmindvn.com

Mình hy vọng qua bài viết này, mọi người sẽ hiểu nhiều hơn về bộ phận sinh dục nữ, và đồng thời sẽ thay đổi được phần nào những định kiến, lầm tưởng về “màng trinh” trước đây. Mình hoàn toàn không kêu gọi các chị em phụ nữ hãy ra ngoài kia và quan hệ thật nhiều, mình chỉ mong họ nhận ra rằng, cơ thể của họ là của chính họ, và chỉ có họ mới có quyền quyết định với nó. Đối với các bạn nam, mình mong việc kì vọng bạn đời nữ của mình phải chưa hề quan hệ với ai khác trước mình sẽ dần biến mất. Mình tin rằng bất kỳ ai đều xứng đáng có một đời sống tình dục tự do, và được quyết định bởi chính họ.

Tác giả: Đoàn Huỳnh Kim

Bài viết này đã sử dụng thông tin từ:

http://everydayfeminism.com/2013/08/losing-virginity-for-good/

http://everydayfeminism.com/2013/08/4-myths-about-virginity/

http://www.ourbodiesourselves.org/health-info/renaming-the-hymen-vaginal-corona/

http://www.scarleteen.com/article/bodies/my_corona_the_anatomy_formerly_known_as_the_hymen_the_myths_that_surround_it

http://www.scarleteen.com/article/politics/magical_cups_bloody_brides_virginity_in_context

http://www.scarleteen.com/article/bodies/20_questions_about_virginity_scarleteen_interviews_hanne_blank

https://www.youtube.com/watch?v=PM79UBTwfsg

https://www.youtube.com/watch?v=9qFojO8WkpA

Một suy nghĩ 35 thoughts on “Màng trinh và sự trinh tiết

  1. Đây là 1 bài viết rất bổ ích đấy ạ. Năm nay em học lớp 9 và cô GDCD của chúng em đã dạy rằng quan hệ trước hôn nhân là đi ngược lại với đạo đức của 1 người con gái làm em rất bức xúc và đã tranh luận với cô. Tuy nhiên trước đó em chỉ mới đọc qua 1 bài viết về việc quan hệ tình dục của chị Grace nên cũng hơi bị đuối lý. Nếu em đọc được bài này từ trước nữa thì hẳn là em sẽ thuyết phục được cô giáo 🙂 Các bạn em còn ngăn cản không cho em tranh luận vì “mệt lắm, cổ không nghe đâu”. Nhưng nếu chúng ta không có những nỗ lực để thay đổi thì làm sao con người mới hết cổ hủ được, phải không ạ?
    Một lần nữa cảm ơn Beautiful Mind VN vì bài viết này.

    Đã thích bởi 10 người

    • a hi hi mình trong lớp cũng y chan bạn vậy đó :))) cãi riết rồi cũng đuối nên kệ hết. Mình thấy muốn nâng cao nhận thức thì nên nhấm vào giới trẻ, vì họ có đầu óc mở nhiều hơn, và sẵn sàng tiếp thu hơn, hơn nữa, họ mới là thế hệ tương lai. Còn đối với người lớn hơn, mình thấy một quan niệm như 1 cái cây, càng có nó lâu, nó càng lớn lên và rễ bám càng chặt, cho nên cũng không trách họ được nếu họ không nghe. Dù sao cũng cám ơn bạn nhiều lắm nhe ^_^ Mình tin là nỗ lực của tụi mình sẽ giúp thay đổi mà xD

      Đã thích bởi 2 người

  2. Trước đây có một người bạn của mình bị chậm kinh, cô ấy (gọi cô ấy cho trang trọng) không dám đi khám vì sợ người ta phát hiện ra đã mất trinh. Cô ấy nói với mình là đã ngủ với bạn trai, lại nói thêm cô ấy tin là không chọn nhầm người. Bạn trai là người nước ngoài, bạn mình cũng rất Tây, rất cởi mở, mình đã nghĩ đến chuyện này từ trước nhưng khi chính miệng bạn mình nói ra, mình rất sốc. Mình nghĩ cô ấy đã rất tin tưởng mình nên mới thổ lộ như vậy. Lúc đó mình không có gương soi nhưng mình biết mình đã nhìn cô ấy với một ánh mắt bàng hoàng kinh hãi lắm. Sau đó mình nói: không sao không sao, tớ bảo thủ thân tớ nhưng không áp đặt người khác. Rồi mình ôm cô ấy và nói: nhất định phải đi khám nhé. Sau đó, mình và cô ấy không thân thiết như trước nữa. Thực ra là mình tránh cô ấy. Mình cứ bứt rứt mãi chuyện đó trong đầu. Mình biết bạn mình rất tốt, trinh hay không chẳng ảnh hưởng gì đến tình bạn của chúng mình cả. Nhưng nó cứ quanh quẩn trong đầu, rất khó chịu, mình không thể ngừng nghĩ đó là một hành động không tốt đẹp. Mình mất vài tháng mới có thể lấy lại bình tĩnh, thân thiết trở lại với cô ấy. Nhưng mình nghĩ tình bạn đã không còn được như xưa, có cái gì đó hỏng mất rồi. Mình buồn lắm. Nhiều lúc mình nghĩ giá mà mình có thể nghĩ thoáng hơn. Thực sự khó lắm, mình đã thử rồi, mình có thể chấp nhận cô ấy vì đó là bạn rất thân của mình, mình hiểu cô ấy, còn với những người khác, dù kiềm chế được để không xúc phạm, sâu trong lòng mình vẫn luôn bài xích quan hệ ngoài hôn nhân.

    Đã thích bởi 3 người

    • mình hiểu 1 phần cảm xúc của bạn, mặc dù mình k kì thị và cũng suy nghĩ rất thoáng, mình cảm thấy nếu thực sự yêu thì quan hệ k là vấn đề, nhưng có lẽ chưa trải qua nên mình cũng hơi chút k chấp nhận được… nhưng đọc qua bài này mình cũng thông suốt hơn một chút 😀

      Thích

    • Bạn nên tìm hiểu sâu hơn lý do tại sao bạn cho rằng quan hệ ngoài hôn nhân là xấu. Có vậy bạn mới giải toả bứt rứt được. Nếu bạn cứ cố gắng chấp nhận quan hệ ngoài hôn nhân chỉ vì “xu hướng là vậy” thì sẽ luôn có những chuyện như vậy xảy ra, bạn nói rằng bạn chấp nhận nhưng sâu trong lòng bài xích, không thể thay đổi quan niệm.

      Đã thích bởi 2 người

    • Cám ơn bạn nhiều lắm nha, hihi ^_^
      Về việc để reference, tất cả các link nguồn mình đều để ở cuối bài, bạn thậm chí có thể đọc những thông tin như thế này bằng tiếng Anh ấy, bạn có thể click ở dưới. Mỗi số liệu mình đều tô đậm và nếu nhấm vô bạn sẽ đi tới nguồn. Các bức ảnh mình cũng có để nguồn. Mình không biết như thế nào sẽ cụ thể hơn nữa, hy vọng bạn sẽ giải thích cụ thể hơn để giúp mình cải thiện nhé ^_^

      Thích

  3. Thật buồn cười và đáng buồn là khi tay các bạn trẻ đã nhoay nhoáy công nghệ smartphone thế kỉ 21, trong đầu họ vẫn còn vấn vương cái màng da bên trong âm đạo của một phụ nữ. Đó không phải chuyện của họ, càng không chuyện để xã hội can thiệp vào.
    Trinh tiết chỉ là một thứ khái niệm được tạo dựng nên bởi xã hội coi phụ nữ như một món hàng nhưng thích tô hồng nó lên như thể gọi họ là món đồ xa xỉ vậy, những người đàn ông muốn áp chế phụ nữ bằng cách trấn áp dục tính của họ nên mới sinh ra mấy thứ luân lý như phụ nữ đức hạnh phải thế nọ thế kia, và đáng thương nhất là những phụ nữ ngu xuẩn tuân theo cái luân lý ấy, dè bỉu những người phụ nữ khác để cảm thấy mình cao giá hơn họ một chút.
    Đối với sex, làm cho nhau thỏa mãn và gắn kết mới là ưu tiên hàng đầu.

    Đã thích bởi 5 người

  4. Pingback: Màng trinh và sự trinh tiết – IamKateDao & My Underword

  5. Bài viết chưa nói rõ được tại sao màng trinh lại xuất hiện ngay từ đầu. Việc hiểu rõ gốc gác của nó sẽ giúp cho mọi đánh giá không trở nên phiến diện, giúp cho những ai tiếp cận vấn đề không bị cực đoan, tránh tình trạng cả hai bên đều xem thường người đối diện.

    Gốc gác mọi thứ là vì phụ nữ phải sinh con và chăm con, còn đàn ông thì không. Đàn ông chỉ cần giao phối là đã hoàn thành trách nhiệm duy trì nòi giống của mình, còn phụ nữ phải làm một công việc nặng nề hơn rất nhiều để hoàn thành vai trò đó: mang thai, đẻ con, nuôi con. Lấy một ví dụ là đẻ con. Nếu các bạn từng xem cảnh đẻ con đau đến thế nào, thì các bạn mới hiểu được. Hồi mình xem clip, người mẹ đau đớn rặn từng cơn, mất tất cả 16 phút để đẻ ra hết. So sánh với cảnh hươu cao cổ đẻ con, từ lúc hươu con mới nhú ra đến lúc nó rớt xuống đất hơn cả mét rồi loạng choạng đứng lên bú mẹ mất chưa hết 5 phút, và trong lúc đó thì con mẹ thong dong ăn lá cây. Hoặc với tinh tinh (hoặc đười ươi, mình không nhớ chính xác loài nào), ngay cả khi đứa con đã nhô đầu ra ngoài rồi con mẹ vẫn có thể lăn lộn vài vòng. Có nghĩa là, chỉ ở con người mới thấy đau đớn khi đẻ con. Mà đó chỉ là chuyện đẻ con mà thôi, các bạn thử nghĩ thêm về việc mang thai hay chăm con xem. Nhớ là phải sau rất nhiều năm đứa con mới có thể tự lập được. (Mình cá rằng nhiều người trong đây vẫn chưa thể tự lập được.)

    Vì vậy, vào thời nguyên thủy, để có được một đứa con là một cực hình đối với người mẹ, và với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến thời bấy giờ, thì sự cực hình này là gần như chết chắc. Chết chắc, nếu như không có được một yếu tố mới: người cha. Nếu không có người cha trong gia đình giúp đỡ người mẹ, thì rất khó để đứa con có thể sống nổi. Người cha sẽ phải là người gánh vác mọi khó khăn từ bên ngoài môi trường, chỉ để người mẹ có đủ sức mà gánh vác một khó khăn duy nhất là nuôi con. Một người cha thành công là một người cha có một cam kết đủ mạnh mẽ để có thể vượt mọi khó khăn cùng với người mẹ. Một người mẹ thành công là một người mẹ nhìn ra được một người cha như thế.

    Nhưng vì sau khi giao phối xong người cha hoàn toàn có thể bỏ mặc người mẹ mà đi, nên người phụ nữ cần thật sự hoàn toàn tin tưởng người đàn ông của mình. Và màng trinh chính là bài kiểm tra cho sự cam kết của hai bên: nếu người phụ nữ quả thật có thể tin tưởng người đàn ông/người yêu của mình là họ sẽ luôn bên cạnh mình dù có thế nào, thì một chút đau đớn ở lần đầu quan hệ sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu so với những nỗi đau còn lớn hơn ngàn lần sau này họ sẽ có. Nhưng nó phải đau đủ để người phụ nữ không thấy chuyện tình dục là một thứ dễ dãi. Tất cả mọi chuyện chỉ là để đảm bảo rằng đứa con sinh ra có một người cha, nghĩa là đảm bảo rằng nó sẽ sống tốt. Chuyện xã hội đề cao sự trinh tiết cũng chỉ là sự mở rộng của cái màng trinh vào xã hội mà thôi.

    . . .

    Với công nghệ y học tiên tiến hiện nay, chuyện tình dục và chuyện có con giờ là hai chuyện tách biệt. Chúng ta có thể làm tình với nhau mà không sợ có con. Mà nếu có con, đứa con ấy sẽ được xã hội chăm sóc chu đáo, đầy đủ. Đứa con giờ thậm chí còn không cần có người mẹ cũng có thể lớn lên, huống chi là cần người cha? Người yêu bây giờ không còn phải gánh vai trò là cha mẹ của con mình nữa, mà chỉ cần là người bạn đồng hành của nhau.

    Màng trinh hay sự trinh tiết bây giờ không còn cần thiết nữa, và chúng ta có thể gác nó lại một bên và đi tiếp. Tuy nhiên mình muốn lưu ý các bạn hai điều. Thứ nhất, dù chúng ta có phát triển đến mấy thì đó vẫn là bản năng. Bản năng này không còn cần thiết nữa, nhưng chúng ta chưa có đủ thời gian để thích nghi với môi trường mới. Nên các bạn hãy khoan phê phán người khác cổ hủ lạc hậu, vì đó không hẳn là lỗi của họ. Dù có thế nào đi nữa, hãy luôn ở bên cạnh họ, đó là điều quan trọng nhất. Thứ hai, nếu các bạn thấy là đề cao sự trinh tiết là một thứ vớ vẩn cần phải bỏ đi, thì hãy nhớ rằng nhờ có nó mà giống loài chúng ta mới có được ngày hôm nay. Mình cảm thấy con người là một loài kỳ diệu, vì trong quá trình đấu tranh sinh tồn, cơ thể nó đã thay đổi rất nhiều để thích nghi với hoàn cảnh sống. Một trong những thứ đó là sự xuất hiện của màng trinh. Đừng quên là chỉ tới con người thì màng trinh mới xuất hiện, còn tổ tiên linh trưởng của chúng ta thì không. Nói theo cách nói của bạn gái mình, thì chúng ta đã thay đổi để có thể đến được với nhau.

    Kể thêm một chút về chuyện của mình. Hồi còn hai đứa mình còn “tán tỉnh” nhau, bạn gái mình có kể về cuộc tình ngày xưa của cô ấy. Mình thấy nó rất đẹp, và mình cũng đã nghĩ là chuyện gì đến sẽ đến. Nó không đến thì mới đúng là lạ. Biết vậy, nhưng khi chính miệng cô ấy nói ra, thì mình cảm thấy rất sốc, hay nói như lời của bạn gái mình, là tim mình đang tan ra từng mảnh. Tim tan ra từng mảnh, mỗi lần nghĩ lại mình lại thấy thời gian đó thật mến thương làm sao, dù lúc đó đau tê tái. Bây giờ, dù đã là người yêu của nhau, chúng mình vẫn muốn để dành chuyện làm tình lại sau khi cưới, dù cả hai vẫn hay đùa giỡn với nhau về chuyện đấy. Với cả hai đứa mình, chuyện tình dục vẫn là một thứ gì đó thiêng liêng. Nó xảy ra khi hai con người hòa hợp lại thành một. Khi hai con người cưới nhau, tức là khi họ cam kết sống chung với nhau đến suốt đời, đến lúc đó họ đã trở thành một của nhau. Đến lúc ấy, khi mình thâm nhập vào bên trong bạn gái mình, thì lúc đó tình dục không còn là bản năng nữa, mà là sự thăng hoa của tình yêu. Lúc ấy cả hai đứa hoàn toàn là một, cả thể xác lẫn tinh thần.

    Nên là mình vẫn nghĩ là nên để dành chuyện làm tình sau khi cưới. Nhưng lần này là với một tâm thế khác.

    Đã thích bởi 2 người

      • Cưới hay không không quan trọng, cũng giống như là thẳng hay là cong cũng không quan trọng, miễn là chúng ta yêu nhau. Sex sẽ thiêng liêng trong mọi trường hợp, nếu chúng mình coi nó là thiêng liêng. Chỉ là nếu cả hai cùng quyết định cưới nhau, thì đó là một dấu mốc quan trọng để kết luận rằng cả hai người thực sự muốn gắn bó làm một với nhau. Việc coi rằng nên làm tình trước hay sau khi cưới và toàn bộ phần comment sau dấu ba chấm là quan điểm cá nhân, các bạn không cần quan tâm đến cũng được

        Mục đích của cái comment trên mình cũng đã nói rõ từ đầu: “giúp cho mọi đánh giá không trở nên phiến diện, giúp cho những ai tiếp cận vấn đề không bị cực đoan, tránh tình trạng cả hai bên đều xem thường người đối diện”. Và cũng đã có kết luận đàng hoàng: “bản năng này không còn cần thiết nữa, nhưng chúng ta chưa có đủ thời gian để thích nghi với môi trường mới. Nên các bạn hãy khoan phê phán người khác cổ hủ lạc hậu, vì đó không hẳn là lỗi của họ. Dù có thế nào đi nữa, hãy luôn ở bên cạnh họ, đó là điều quan trọng nhất.”

        Đã thích bởi 3 người

    • “Thứ nhất, dù chúng ta có phát triển đến mấy thì đó vẫn là bản năng. Bản năng này không còn cần thiết nữa, nhưng chúng ta chưa có đủ thời gian để thích nghi với môi trường mới. Nên các bạn hãy khoan phê phán người khác cổ hủ lạc hậu, vì đó không hẳn là lỗi của họ. Dù có thế nào đi nữa, hãy luôn ở bên cạnh họ, đó là điều quan trọng nhất.”
      => Mình không hiểu câu này. Bản năng ở đây là bản năng gì vậy? Tại sao lại không còn cần thiết nữa? Mình cũng không phê phán ai cổ hủ lạc hậu. Chỉ có đúng và sai về mặt logic mà thôi. Trinh tiết, đối với xã hội, không quan trọng không phải vì chúng ta không còn cổ hủ lạc hậu nữa, mà là vì nó đúng là không quan trọng. Còn về mặt cá nhân, ai thấy muốn giữ gìn thì là vấn đề của riêng họ thôi.
      Thêm nữa là khoan phê phán vì không phải lỗi của họ, mình đồng ý. Không thể trách một người được sinh ra và giáo dục là “trinh tiết quan trọng” từ nhỏ lại có quan điểm thoáng với sex được. Nhưng khi anh ta đã có tiếp xúc với những tư tưởng cởi mở mà từ chối tiếp thu những lập luận mới, thì đó mới là đáng trách.
      Về việc cá nhân của bạn với bạn gái, thật sự mình không quan tâm. Chỉ là mình thấy lạ về việc bạn cảm thấy đau buồn vì chuyện bạn gái đã từng có quan hệ với người cũ – nhưng đó cũng chỉ là chuyện riêng của bạn thôi, we feel how we feel. Chúc hai bạn hạnh phúc.

      Thích

      • >Mình không hiểu câu này. Bản năng ở đây là bản năng gì vậy? Tại sao lại không còn cần thiết nữa?

        Hờ, mình viết cả đoạn dài để nói về điều đó mà.

        >Mình cũng không phê phán ai cổ hủ lạc hậu. Chỉ có đúng và sai về mặt logic mà thôi.

        Mình luôn đề cao việc phân tích đúng sai logic. Nhưng nếu bạn ngồi phân tích kỹ hơn, thì sẽ thấy muốn xây dựng được một hệ thống lý luận chúng ta sẽ phải bắt đầu từ những điều mặc định mà chẳng hiểu từ đâu nó tới. Việc chúng ta chọn lựa nó hay không chỉ là một quan điểm cá nhân mà thôi. Trong toán gọi là tiên đề.

        Khả năng giải thích thế giới của bạn được quyết định bởi hệ tiên đề bạn chọn. Tiên đề yếu, khả năng giải thích bị giới hạn. Tiên đề mạnh, nó có thể giải thích được nhiều thứ hơn. Mình cảm thấy các bạn chỉ mới nhìn thấy một tiên đề (chúng ta là con người hiện đại, sống bằng lý trí) mà bỏ đi một tiên đề khác cũng quan trọng không kém (chúng ta là kết quả của hàng triệu năm tiến hóa). Mình chỉ muốn giới thiệu cho các bạn thấy một góc nhìn khác thôi.

        Nếu chúng ta không có hàng triệu năm tiến hóa, chúng ta đã chẳng có tình yêu. Có thể chê trách bố mẹ mình là cổ hủ, nhưng cũng cần phải cảm ơn họ vì đã cho mình có mặt trên đời. Ý mình là thế.

        >Nhưng khi anh ta đã có tiếp xúc với những tư tưởng cởi mở mà từ chối tiếp thu những lập luận mới, thì đó mới là đáng trách.

        Từ chối hay không là quyền của họ. Bạn không có quyền trách. Bạn sẽ rất cảm thấy khó hiểu khi tại sao một người lại có thể “ngu si” đến vậy. Có rất nhiều lý do cho việc này. Hoặc chỉ đơn giản là họ chưa có thời gian để làm quen với những điều mới. Hoặc họ cảm thấy điều mới đó không phù hợp với con người họ. Bạn không có quyền trách, nếu như bạn chưa thật sự hiểu được những gì họ đang nghĩ. Mà nói rộng ra, có khi chính những người tân tiến phải cảm ơn họ, vì họ đang làm một công việc quan trọng: giữ gìn sự đa dạng của thế giới. Bạn yên tâm, nếu thật sự những thứ bảo thủ là vô ích, tự động chúng sẽ bị đào thải mà thôi.

        >Chỉ là mình thấy lạ về việc bạn cảm thấy đau buồn vì chuyện bạn gái đã từng có quan hệ với người cũ

        Mình cũng không gọi đó là đau buồn nữa. Hoặc ít nhất là buồn. Đau, ghen, tiếc, thất vọng, nhục nhã, mình liệt kê cả đống từ để chọn mà vẫn không biết nên liệt nó vào dạng cảm xúc nào. Cách đây vài ngày thì mình nghĩ gọi nó là thất vọng thì có vẻ đúng nhất, nhưng rồi sau đó lại cảm thấy hình như không phải. Gọi nó là *tim tan ra từng mảnh* thì có vẻ đúng nhất, nhưng mà lại thấy nó chung chung quá. Mình vẫn đang đi tìm từ phù hợp dành cho nó.

        >Chúc hai bạn hạnh phúc.

        Cám ơn bạn.

        Đã thích bởi 1 người

    • cảm ơn bạn đã góp 1 góc nhìn thú vị về màng trinh : sự quan trọng của màng trinh là sự bảo chứng rằng người cha sẽ ko bỏ rơi người mẹ và đứa con sinh ra ( một cách đau đớn).
      tuy nhiên mình có thể tranh luận vấn đề này và bổ sung 3 điều khác :
      1. bản năng của con đực là để lại nòi giống : có 2 chiến lược là giao phối càng nhiều vs con cái càng tốt và chung thủy, dồn nguồn lực để chăm sóc đứa con của mình. và trong giai đoạn nguyên thủy thì con người quan hệ rất lang chạ, loạn luận, tuổi thọ của họ cũng rất thấp. như vậy ngay từ thời khi sơ khởi thì chiến lược đó ko thích hợp vs loài người.
      thế nên bạn cho rằng ngay từ đầu phụ nữ giữ trinh để đàn ông có trách nhiệm thì ko hợp lý.

      2. trinh tiết quan trọng vì việc mất trinh cũng đồng nghĩa với có thai và việc sinh đẻ rất nguy hiểm thời đó do y tế lạc hậu, thế nên việc phụ nữ ý thức giữ trinh tiết và biện pháp trừng trị họ cũng như kẻ làm chuyện bậy đó bằng bạo lực hay áp bức tinh thần là cần thiết.

      3. trinh tiết ko phải là món hàng hóa mà là “tem” dán trên hàng hóa, vào thời xưa bản thân phụ nữ là món hàng ( nô lệ, nguồn sinh sản, trao đổi tiền bạc, chiến lợi phẩm)
      và trinh tiết đảm bảo tính “cao cấp” của món hàng. thế nên đàn ông áp đặt phụ nữ phải giữ trinh và coi thường, ghê tởm ai ko làm được.

      4. phụ nữ là món hàng những cũng là con người và họ cũng cạnh tranh với nhau để có đc sự chú ý và bảo vệ của nam giới. các cô gái xinh đẹp và lẳng lơ sẽ hấp dẫn đàn ông. nếu như thế thì phần lớn nhóm phụ nữ bình thường sẽ ko bao giờ có cơ hội. việc đưa ra khái niệm trinh tiết đảm bảo sự công bằng cho tất cả mọi phụ nữ đều có cơ hội, thế nên họ là người tích cực nhất ủng hộ quan niệm đó 1 cách vô thức.

      nói chung quan điểm trinh tiết nên bị xóa bỏ, lý do thì như tác giả đã đề cập ở trên.

      Thích

  6. Cảm ơn bạn về bài viết này. Bài viết đã khai sáng những kiến thức mới và làm thay đổi rất nhiều quan điểm trước giờ của mình. Thiết nghĩ những nội dung này nên được đưa thẳng vào trong giáo dục căn bản, vì còn nhiều người VN quan niệm cổ hủ lắm, nhất là những thế hệ trước.

    Đã thích bởi 2 người

  7. Tác giả ơi, nội dung phần màng trình bị rách thì không chảy máu là không đúng với những gì bọn mình được học trong sách y cả quốc tế và tiếng việt. Màng trinh bản chất là niêm mạc và có chứa mạch máu li ti nên đương nhiên khi rách và bị tổn thương thì nó sẽ rỉ máu. Chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Còn các nội dung khác thì mình hoàn toàn đồng tình 🙂

    Thích

  8. Pingback: Draft giáo dục, chuyện nước non – Be nice

Gửi phản hồi cho Alice Hủy trả lời