Nghệ thuật đã chữa lành chúng ta như thế nào?

Dưới đây là một bài TED talk mà Khánh Linh – admin, sáng lập của Beautiful Mind Vietnam đã mang đến sự kiện TEDxUEH tại Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh vào tháng 1 năm 2017. Vì bài gốc bằng tiếng Anh nên đoạn dưới đây sẽ là phần dịch từ bản nói của bài này. Video sẽ được cung cấp ở dưới đây:

Xin chào tất cả các bạn. Mình là Linh – một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp trên đường phố hàng ngày. Mặc cho vẻ bề ngoài khoẻ mạnh và nụ cười luôn thường trực trên môi, mình đã bị OCD và rối loạn hoảng sợ trong gần 14 năm. Mình đã từng chỉ ở trong nhà và chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực. Dẫu vậy nhưng chúng vẫn là những bài học quý giá, và cũng là một trong những lí do chính khiến mình sáng lập Beautiful Mind VN – một tổ chức phi lợi nhuận nhằm cung cấp kiến thức và dịch vụ miễn phí về tâm lý học lâm sàng và sức khoẻ tâm thần cho người Việt.

Mình trưởng thành trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Ông cố của mình chính là nhà thơ Vũ Đình Liên. Với sự tiếp xúc về nghệ thuật khá lâu, mình tin rằng nghệ thuật là một điều cực kì quan trọng đối với tất cả mọi người.

Mình sẽ nói đôi chút về nghệ thuật.

Chúng ta thường coi nghệ thuật như là điều gì đó trừu tượng, đầy sâu sắc và rất phức tạp.  Nghệ thuật có thể là như vậy, nhưng đối với mình, nó là một điều rất thực tế và không hề viển vông. Leo Tolstoy, trong bài luận “Nghệ thuật là gì?”, đã miêu tả nghệ thuật trong một mối tương quan chặt chẽ: “Nghệ thuật không phải là những ý tưởng cao siêu về cái đẹp hoặc đấng tối cao; nghệ thuật cũng không phải là một trò tiêu khiển để con người trút những khối năng lượng thừa trong mình … mà nghệ thuật là cách đoàn kết con người với nhau, hướng họ đến cùng những cung bậc cảm xúc, và hướng tới sự hạnh phúc của toàn nhân loại“. Đối với mình, nghệ thuật không phải chỉ là một điều gì đó; mà còn là con đường (lối đi, cách thức). Thậm chí, là một cách tuyệt đẹp để hồi phục bản thân.

Chắc hẳn các bạn thường hay nghe mọi người nói rằng, nếu như chúng ta bị ốm, chúng ta cần phải đi gặp bác sĩ để xem những vấn đề mình gặp phải và để chữa trị chúng. Nếu như mình bị đau bụng, hẳn là có điều gì không ổn với dạ dày và ruột của mình. Nếu như ai đó bị ung thư phổi, chắc chắn họ có một khối u (một tế bào bất thường phát triển bên trong phổi)… Tương tự. sức khoẻ tâm thần cũng quan trọng như sức khoẻ thể chất vậy. Thỉnh thoảng, chúng ta có thể cảm thấy lo lắng, buồn bã hoặc giận dữ, cũng như khi ta bị cảm lạnh. Nhưng nếu bạn có vấn đề về tâm lý, khả năng cao là có điều gì đó không ổn trong não của bạn, ví dụ như, sự mất cân bằng chất hoá học, chất dẫn truyền thần kinh, vân vân…

Dưới đây là một số ảnh scan giữa bộ não người bình thường và bộ não của người mắc bệnh tâm lý.

Chúng ta có rất nhiều hình ảnh khác nhau ở đây.

Vì vậy, nghệ thuật là một cách tiếp cận để chữa trị cho tâm trí chúng ta và giúp ta có được hệ thống “miễn dịch” cho tinh thần tốt hơn.  Mặt khác, trị liệu bằng nghệ thuật cũng là một trong những cách được các chuyên gia và những nhà trị liệu khuyên dùng nhiều nhất. Nhưng hôm nay, mình sẽ chỉ nói về nghệ thuật trong đời sống hàng ngày, và cách mà nó chữa lành tâm hồn chúng ta như thế nào mà thôi.

Ngôn ngữ có thể khác biệt từ người này sang người khác, từ đất nước này sang đất nước khác nhưng nghệ thuật thì không như vậy. Nó là một cái gì đó mà chúng ta có thể cùng cảm nhận cùng chia sẻ. Vì vậy mình sẽ nói về một số khía cạnh của nghệ thuật như âm nhạc, nghệ thuật thị giác và văn học.

Điều đầu tiên mình muốn nói tới là âm nhạc. Không thể phủ nhận được rằng một bài hát tuy đơn giản nhưng lại có thể làm dịu đi tâm trí của một ai đó.

Johnny Cash, một ca sĩ – nhạc sĩ nổi tiếng đã từng nói: “Tôi có thể cuộn mình trong cái kén ấm áp của một bài hát và đi tới bất kì nơi đâu”. Mình tin rằng trong mỗi chúng ta, ai cũng đã từng một lần đeo tai nghe và tách mình khỏi thế giới xung quanh, chìm đắm trong âm nhạc, đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy không ổn hay muốn nghỉ ngơi một chút. Những lời nhạc ý nghĩa và giai điệu tuyệt vời có thể được bật đi bật lại trong đầu mỗi chúng ta, ở trong những thời điểm khó khăn nhất. Và mình tin rằng, âm nhạc có thể thực sự giải quyết được những mâu thuẫn trong mỗi chúng ta.

Một vài nghiên cứu khoa học chứng minh rằng âm nhạc có thể làm giảm các mức độ căng thẳng và lo âu, đồng thời có thể làm giảm các cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, nó cũng giúp cho những người mắc bệnh Parkinson và các bệnh nhân bị đột quỵ phục hồi nhanh hơn, giả dụ như họ có thể đi nhanh hơn và cư xử lại như bình thường.

Dưới đây là hình ảnh thực tế của sóng não sau khi nghe một giai điệu nhất định sau 15 phút. Nếu như hình ảnh sóng não bên trái chỉ ra rằng chúng ta cảm thấy lo lắng, kích động và hoang mang, thì sau 15 phút, chúng ta sẽ cảm thấy bình tĩnh , tự tin và thoải mái hơn.

Đối với mình, mỗi khi nghe một bài hát dễ chịu, mình cảm thấy như tất cả những cảm xúc tiêu cực đều bị ném đi thật xa. Những lời nhạc ý nghĩa đến từ những giọng ca ấm áp cũng giống như những lời thì thầm đối với mình. Mình cảm thấy rằng cuối cùng, ít nhất cũng có một người nào đó quan tâm, một người nào đó lắng nghe và thấu hiểu những gì mình đang phải trải qua.

Mình sẽ hát cho các bạn nghe một đoạn của bài hát “Somewhere over the rainbow”, mong rằng các bạn sẽ thưởng thức.

(“Somewhere over the rainbow…”)

Thứ hai, có một cách khác để làm cho mỗi chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn đó là nhìn vào những bức tranh hoặc những hình động. Đó có thể là một bức tranh vui nhộn hoặc những cảnh quan tuyệt đẹp với đại dương và những gợn sóng nhỏ, một thị trấn nhỏ hay một ngọn núi.  Hình ảnh của vật nuôi và thú cưng dễ thương cũng có thể làm ai đó thấy bình tĩnh hơn khi họ đang tức giận.

Đây là một vài hình ảnh về cô chó cưng của mình; tên của bé là Lily, bé là một cô chó thuộc giống Japanese spitz. Mình nghĩ không ai có thể kháng cự được sự đáng yêu của Lily. Mỗi khi mình cảm thấy bực bội tại nơi làm việc hay ở nhà, nhìn vào những bức ảnh của Lily mình đều cảm thấy bình tĩnh hơn. Vì thế nên mình nghĩ rằng đây cũng là một cách khá đơn giản mà trong chúng ta, ai cũng có thể làm được.

Khi nhìn vào những bức tranh dưới đây, mình thường hay tưởng tượng ra sẽ thế nào nếu như mình ở trong đó, sẽ thế nào nếu như mình ở giữa những phong cảnh ấy. Sau một đến hai phút tưởng tượng, mình đều cảm thấy bình tĩnh hơn. Các bạn cũng nên thử phương pháp này.

Cuối cùng, mình cho rằng sử dụng các loại sách tô màu và vẽ, viết cũng có thể giúp đỡ bản thân ta phần nào. Mỗi khi mình cảm thấy buồn bã, mình viết vấn đề của mình ra thành từng điều nhỏ một. Thỉnh thoảng, mình biến chúng thành những câu chuyện nhỏ hoặc những vần thơ. Đọc thật nhiều thơ và truyện khiến cho mình cảm thấy tốt hơn.

Đây là một ví dụ về mình khi vẽ sách tô màu và đây là tranh của mình. Mình đã thử một vài khoá tự học ở trên mạng. Mình nghĩ nó khá là dễ đối với các bạn vì nó có chỉ dẫn từng bước một. Mình sử dụng khá nhiều màu sắc rực rỡ và tươi sáng như thế này. Vì vậy sau khi làm những điều ấy mình cảm thấy tự tin hơn. Cảm giác như là mình đã đạt được một điều gì đó.

Có một dự án tên là “How Arts heals the wound of war?” (dịch: Nghệ thuật đã làm lành vết thương chiến tranh như thế nào?”) tại Mỹ. Đó là một dự án sử dụng nghệ thuật để giúp đỡ những người lính và cựu chiến binh phục hồi sau những tổn thương não và rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD). Họ được yêu cầu làm những mặt nạ như thế này và đặt cho mỗi nỗi đau của mình một gương mặt. Nó giúp họ đến gần nhau hơn, trải nghiệm sự đồng cảm, như Melissa Walker – người sáng lập của dự án đã từng nói “những sự căng thẳng và giận dữ đã hoàn toàn biến mất. Mọi người ôm nhau và khóc. Họ đều rời đi với những cảm xúc nhẹ nhõm hơn”.  Thật đau lòng khi nhìn vào những chiếc mặt nạ ấy, nhưng mình thấy nó cũng thật tuyệt vời.

Tại BMVN, chúng mình thường nhận từ 10 – 20 emails và tin nhắn mỗi ngày, hỏi chúng mình về những vấn đề của mọi người. Có một vài trường hợp mà mình đã sử dụng nghệ thuật như một cách để hướng dẫn và giúp đỡ người bệnh sao cho họ cảm thấy tốt hơn. Sau đây mình sẽ chia sẻ về 2 trường hợp cụ thể. Nhưng trước hết, mình xin phép được thay đổi danh tính của họ.

Trường hợp đầu tiên là một cô bé 16 tuổi tên Mai, em là học sinh và em thường xuyên cảm thấy lo lắng, căng thẳng, đặc biệt là mỗi khi kì kiểm tra sắp đến. Em thường hay có những cơn đau đầu dữ dội, bị căng cơ và rối loạn giấc ngủ mỗi tối. Cuối cùng, em nói rằng “Em không thể cảm thấy thoải mái được nữa và em hoàn toàn mất hết hứng thú đối với những điều khác. Điều duy nhất em có thể nghĩ được chỉ có học và học”.

Lời khuyên của mình cho cô bé là hãy mua một quyển sổ trơn (không có dòng), và viết những rắc rối của em vào đấy. Nếu như có điều gì làm phiền em, em có thể vẽ hay thậm chí là tô màu những cảm xúc của mình (vd: đỏ là khi em giận dữ, sự sợ hãi sẽ là màu xám, buồn bã sẽ là màu xanh đậm, … bởi vì điều này giúp em có “cảm giác” về việc xác định/khách quan hóa những cảm xúc của mình và không nhìn nhận nó như một điều phiền hà). Nếu như em có quá nhiều thứ để làm trong cùng một lúc, mình gợi ý em làm từng việc một (chứ không được làm hai việc cùng lúc). Lí giải cho cách làm này là, đối với người bình thường, bộ não của chúng ta luôn luôn nghĩ lan man và có rất nhiều suy nghĩ. Nhưng đối với những người hay stress hoặc mắc chứng rối loạn lo âu, thì điều này thậm chí còn tệ hơn. Họ còn có nhiều hơn nữa những suy nghĩ chạy trong não mình. Bằng việc làm một việc duy nhất trong một lúc sẽ luyện tập cho bộ não của chúng ta trở nên tập trung hơn và không dễ bị ám ảnh bởi những suy nghĩ tiêu cực.

Điều cuối cùng mình khuyên em là hãy nghe một bài hát mà em tự lựa chọn. Khi nghe nhạc, em có thể mát xa, thả lỏng tay, chân và toàn bộ cơ thể. Bằng việc làm những điều trên sau một tuần, em cảm thấy khá hơn và có thể học tập hiệu quả hơn. Mình đã khuyên em nên làm như thế kể từ giờ trở đi.

Trường hợp thứ hai là một chàng trai 26 tuổi Thanh. Anh bị ám ảnh bởi suy nghĩ trở thành “một người tốt hơn”, và anh cũng có vấn đề trong việc điều khiển cơn giận dữ của chính mình. Anh được khuyên để nghe tiếng mưa rơi và một số nhạc cụ có thanh âm cao như sáo hoặc đàn hạc (Orfeu Buxton, một phó giáo sư về sức khoẻ hành vi sinh học tại ĐH Pennsylvania đã chỉ ra rằng “Những tiếng nhạc rì rầm, chậm rãi này là những âm thanh của sự an toàn, và đó chính là lí do mà chúng được sử dụng để kiềm chế mọi người lại. Cảm giác như chúng đang nói :”Bạn đừng lo lắng, đừng lo lắng, đừng lo lắng””.)

Những thanh âm đơn giản có thể khiến cho anh ấy tập trung vào hiện tại nhiều hơn là nghĩ quá nhiều về những điều phức tạp. Mình khuyên anh chỉ cần sử dụng 15 phút mỗi ngày chỉ để nghĩ về suy nghĩ đã ám ảnh anh ấy mà không cố để đẩy nó ra khỏi suy nghĩ. Một điều nữa mà anh có thể làm là nằm và tập thở khi đang nghe nhạc. Bởi vì anh ấy có vấn đề với việc điều khiển cơn giận dữ của mình, anh cũng đã từng mắc cáo buộc về việc có những hành động bạo lực đối với người khác. Vì vậy, mỗi khi anh cảm thấy rằng mình sẽ đánh người khác hoặc đập phá đồ đạc, mình đều khuyên anh “thay thế” những hành động đấy bằng một hành động đơn giản: nhảy. Việc nhảy sẽ khiến cho anh ấy chuyển đổi những cảm xúc tiêu cực sang những cảm xúc tích cực và lành mạnh hơn.

Chắc hẳn các bạn đều biết về tình trạng của mình. Từ khi mình áp dụng nghệ thuật cùng với các loại thuốc khác dưới sự hỗ trợ của bác sĩ, mình gần như đã bình phục đến 90%. Sự bình phục không đến quá nhanh, nhưng lại chắc chắn và vững vàng. Có khá nhiều những dự án khác cũng sử dụng nghệ thuật và các hoạt động của cơ thể để cải thiện trạng thái và xây dựng tinh thần lành mạnh hơn, ví dụ như Life Art.

Đây là một dự án tên là “Who am I?” (Tôi là Ai?). Trong đó, họ sử dụng khá nhiều những hoạt động để tương tác với nhau và hiểu bản thân họ rõ hơn.

Cuối cùng thì, mình tin rằng nghệ thuật là một phương pháp hiệu quả để giúp chúng ta bình phục từ những căn bệnh tâm lý và giúp chúng mình có sức khoẻ tâm lí tốt hơn. Mình tin rằng trong tương lai, sẽ có nhiều những lớp học và workshop mà rẻ, hay thậm chí là miễn phí để tất cả mọi người đều có thể được tham gia.

Xin cảm ơn các bạn!

Dịch bởi: Nguyễn Trà My – Beautiful Mind Vietnam

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Nghệ thuật đã chữa lành chúng ta như thế nào?

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s