Adrenaline

Con người – giống như những loài động vật sống khác – đều có bản năng sợ hãi. Đó là một cảm xúc và phản ứng hết sức bình thường ở chúng ta. Cũng chính nhờ bản năng đó mà tổ tiên loài người mới có thể sống sót qua những môi trường khắc nghiệt và các tình huống hiểm nguy. Nỗi sợ cũng chính là đặc trưng cho trí khôn; là một biểu hiện của sự tự bảo vệ, phát triển, và thích nghi. Sự sợ hãi, về cơ bản, là cần thiết cho chúng ta và không phải là xấu. Qua hàng triệu năm tiến hóa, chính nhờ những phản xạ đó mà loài người mới có thể tồn tại cho đến ngày hôm nay mà không bị tuyệt chủng.

Lo lắng là những cảm xúc không mấy thoải mái, có tính chất dự báo về những gì sắp xảy ra trong tương lai; còn sợ hãi, hoảng loạn là những phản ứng ngay lập tức của con người hoặc các động vật khác trước tình huống nguy hiểm tức thì. Ví dụ khi chúng ta đi vào không gian tối tăm, vắng người mà lại có cảm giác ai đó bám theo sau; tự dưng chân tay chúng ta sẽ ra mồ hôi, tim sẽ đập nhanh hơn một chút. Hoặc như việc cảm thấy bị giật mình, tim đập thình thịch – cũng chính là những phản ứng như vậy. Hay chỉ đơn giản, trước một sự kiện quan trọng ví dụ như ngày thi, ngày cưới, hoặc phát biểu trước đám đông; cũng không ít người từng trải nghiệm cảm giác tương tự như: Tay chân bủn rủn, vã mồ hôi, thở gấp, nóng người v.v… Đó là do Adrenaline (Tên khoa học là Epinephrine – mội loại nội tiết tố trong cơ thể) được tiết ra, có tác dụng tăng tuần hoàn máu, tăng thân nhiệt, làm chúng ta thở gấp hơn, các cơ bắp ở tay và chân cứng lại để chuẩn bị chạy (flight) hoặc đánh (fight). Nhưng trong một số trường hợp, cá thể sợ hãi có thể bị đứng yên (freeze). Chúng là các phản ứng riêng biệt của mỗi người trước các tình huống khác nhau trong cuộc sống.

Lo lắng và sợ hãi giúp chúng ta làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn; nhưng cũng có lúc, chúng làm cản trở chúng ta theo đuổi những gì chúng ta mong muốn. Lo sợ về tương lai, về sự không chắc chắn, về cuộc sống, về những thứ mơ hồ khác… khiến rất nhiều người không dám làm gì hoặc chỉ muốn ở trong vùng an toàn của mình. Với nhiều người, họ còn bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của sự sợ hãi (Sự kiện gây ra cơn sợ -> Cảm thấy sợ hãi -> Sinh ra Adrenaline -> Cơ thể lại càng căng thẳng -> Càng sợ hãi). Vì vậy, quan trọng nhất là chúng ta phải tìm cách nhận ra bản thân mình đang ở bước nào của cái vòng luẩn quẩn ấy.

stock-photo-190850707.jpg

Có một tựa sách nổi tiếng có tên “Daring Greatly” của Tiến sĩ Brené Brown. Cuốn sách đã được đón nhận rộng rãi vì đã chia sẻ những kỹ năng cần thiết để biến sự sợ hãi, những cảm xúc tiêu cực thành năng lượng tích cực. Tuy nhiên, chỉ một từ “tích cực” liệu có đủ để tất cả chúng ta tiếp tục sống và tồn tại trong xã hội này, với những khiếm khuyết, khó khăn của bản thân, những điểm yếu và những rào cản?

Câu trả lời sẽ là không. Không phải là Không thể, mà là Không đủ.

Với mỗi người, nỗi sợ có một hình thù riêng biệt. Có những người có thể vượt qua nỗi sợ dễ dàng hơn người khác, và với số còn lại thì vô cùng khó khăn. Vì vậy, tất cả những gì chúng ta cần nghe, cần hiểu, đó là “Hãy cứ bước đi”.

Tại sao chúng ta cần phải cảm thấy tích cực mọi lúc mọi nơi? Tại sao chúng ta cần phải gồng mình lên và cố gắng quá nhiều trong khi đôi lúc, chúng ta hoàn toàn có thể vừa đi vừa mang trong mình sự hồi hộp và lo lắng?

Sự sợ hãi là những gì chúng ta nói với cnh mình. Chúng tồn tại trong tâm trí chúng ta như những người khách trung thành, lo lắng cho chính bản thân chúng ta, nhắc nhở chúng ta nên cẩn thận. Thế nhưng không phải lời khuyên nào của những “vị khách” này cũng hoàn toàn đúng. Trước hết, hãy viết hoặc nghĩ trong đầu rằng, cái gì tồi tệ nhất có thể xảy ra được trong hoàn cảnh này, rồi tiếp tục phân tích. Làm mọi thứ rõ ràng bằng cách ngồi lại suy nghĩ hay viết ra là một phương pháp rất tốt để giải quyết vấn đề này.

Ví dụ có một người chuẩn bị nhảy việc, anh ấy rất sợ mất vị trí hiện tại mà công việc tiếp theo có thể sẽ không như ý muốn. Sự lo lắng này là hợp lý. Tuy nhiên, vì quá lo âu mà anh ta không làm tốt được công việc hiện tại mà cũng không dám phản hồi lại bên tuyển dụng ở công ty đối diện rằng anh ta nhận lời. Do đó, anh ta đã bỏ lỡ cả hai và bị sếp quở trách, trừ lương. Đây là mặt trái của sự sợ hãi khiến ta tê liệt. Điều quan trọng ở đây là thay vì di chuyển, anh ta lại đứng yên và không làm gì cả (ngoài việc lo lắng ra). Thay vào đó, anh ta có thể liệt kê những ưu điểm và nhược điểm của việc chuyển công ty, rằng anh ấy hài lòng và không hài lòng những gì ở công việc hiện tại; và trong khả năng anh ta có thể, anh ta sẽ làm thế nào để cải thiện? Và nếu nhảy việc thành công, anh ta sẽ thu lại được những lợi ích gì cho bản thân? Cùng lắm, là công việc mới này còn vất vả và ít đãi ngộ hơn anh ta tưởng. Nhưng cũng chẳng sao, vì anh ta có thể thích nghi một thời gian và chuyển tiếp sang công ty khác. Có một công việc không như ý cho lắm cũng không hẳn là điều gì đó quá kinh khủng. Trường hợp tệ nhất: Ngay cả khi anh ta mất việc, anh ta cũng có thể lựa chọn làm nghề tự do (freelance), và biết đâu, lại có cơ hội học tập và trải nghiệm nhiều hơn ngoài cuộc sống văn phòng quen thuộc vốn có? Rất nhiều người làm việc độc lập cho các công ty và khách hàng nước ngoài, vâng, tại nhà. Chỉ cần một chiếc máy tính với kết nối mạng, và chúng ta có thể tự trau dồi kỹ năng cũng như nhận việc từ bất kỳ ai. Anh ấy có thể tiếp tục mang nỗi lo sợ ấy trong lòng, nhưng điều quan trọng là hãy cứ làm cho dù có thế nào.

Thay vì nhìn nhận nỗi sợ như kẻ thù, như một thứ gì đó ám ảnh gớm ghiếc; hãy chào đón chúng và ôm chúng vào lòng, “lợi dụng” sự sợ hãi để giúp ta tỉnh táo và cảnh giác hơn trước khi hành động. Kết hợp sự sợ hãi, kiên trì, và những kinh nghiệm cá nhân được tích lũy qua thời gian; thì việc chúng ta có thể leo qua phía bên kia của nỗi sợ sẽ không còn là điều xa xôi nữa. Càng giãy dụa, chúng ta lại càng đuối sức. Càng chạy trốn, những thứ đó sẽ lại càng xuất hiện trong đầu chúng ta mạnh hơn. Chi bằng hãy coi sự sợ hãi như một người bạn, chúng ta có thể tưởng tượng rằng ta đang mời người bạn đó đến nhà, cùng uống nước và cùng phân tích một vấn đề.

Cơ thể và não bộ chúng ta là một. Khi lo lắng, hãy giãn đôi lông mày ra, để ý từng thớ cơ trên mặt xem mình có nhăn nhó ở đâu không, thả lỏng chân tay, cơ bụng (đặc biệt là vùng ở gần dạ dày) và hít thở sâu một lúc. Vì khi thư giãn, cơ thể sẽ lập tức gửi lại một tín hiệu về não bộ rằng “Mọi chuyện đang ổn. Không có gì nguy hiểm cả”; và sau đó não bộ sẽ giảm tiết ra Adrenaline và chúng ta sẽ nhận ra rằng, những điều này đều sẽ biến mất theo thời gian nếu như chúng ta biết thả lỏng mọi thứ, và cùng lúc đó – chấp nhận và ý thức được chúng ta đang cảm thấy thế nào thay vì cự tuyệt cảm xúc của chính mình.

Cảm nhận nỗi sợ và tiếp tục làm việc mình định làm, cho dù có thế nào.

Tác giả: Khánh Linh (Ai cũng có một khoảng trời giấu kín, NXB Văn Học, 2017)

Ảnh: Khánh Linh

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Adrenaline

  1. sợ hãi có khi là động lực nhưng có khi lại là gánh nặng. Thực tế cho thấy, khi con người trong tình trạng sợ hãi thường có xu hướng hành động tiêu cực, mất bình tĩnh, xử lý các tình huống khó khăn hơn nhiều, tuy nhiên kho kiểm soát được thì nó là động lực phát triển thực sự. Bài viết hay và ý nghĩa, cảm ơn bạn ^^

    Thích

  2. Sợ hãi có khi là động lực, có khi là gánh nặng. Thực tế cho thấy, khi con người đang trong tình trạng sợ hãi thường có xu hướng hành động tiêu cực, khó khăn trong việc xử lý các tình nhiều hơn. Do đó khi kiểm soát được sự sợ hãi và biết được nó bắt nguồn từ đâu thì lúc đó sự sợ hãi sẽ trở lại thành động lực giúp con người hoàn thành một việc nào đó. Bài viết hay và ý nghĩa, cảm ơn linkid ^^

    Thích

  3. Reblogged this on Thealer's world and commented:
    “Cơ thể và não bộ chúng ta là một. Khi lo lắng, hãy giãn đôi lông mày ra, để ý từng thớ cơ trên mặt xem mình có nhăn nhó ở đâu không, thả lỏng chân tay, cơ bụng (đặc biệt là vùng ở gần dạ dày) và hít thở sâu một lúc. Vì khi thư giãn, cơ thể sẽ lập tức gửi lại một tín hiệu về não bộ rằng “Mọi chuyện đang ổn. Không có gì nguy hiểm cả”; và sau đó não bộ sẽ giảm tiết ra Adrenaline và chúng ta sẽ nhận ra rằng, những điều này đều sẽ biến mất theo thời gian nếu như chúng ta biết thả lỏng mọi thứ, và cùng lúc đó – chấp nhận và ý thức được chúng ta đang cảm thấy thế nào thay vì cự tuyệt cảm xúc của chính mình.”

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s