Nội dung của bài viết này nhằm giải thích một cách (rất) súc tích về bản chất của ngành tâm lý học. Mình xin phép mạo muội gọi những dòng sau là “bản chất của ngành”, nhưng dám nghĩ mình sẽ sai sót thiếu hụt khá nhiều, và vì vậy sẽ không thực sự đề cập được hết đến toàn bộ các nội dung liên quan.

By Scott Kelby
Mục đích chính khi viết những dòng này là để cảnh giác bạn đọc về những tài liệu được cho là “mang tính chất tâm lý”. Ý chính của toàn bài có thể được gói gọn trong câu “đừng tin tưởng tuyệt đối cho đến khi bạn hiểu rõ nguồn gốc và nguyên nhân”.
Ngành tâm lý học tuy gọi là một “ngành” nhưng thật chất lại bao gồm rất nhiều mô hình, giả thuyết, trường phái khác nhau. Một hiện tượng xảy ra trong ngành tâm lý học có thể được giải thích theo nhiều chiều hướng khác, hoặc thậm chí đối ngược nhau. “Hành vi” có thể được hiểu như là kết quả của tư duy, góc nhìn chủ quan và trí nhớ. “Hành vi” dưới góc nhìn khác lại là kết quả của những tác động từ môi trường tạo ra phản ứng. Nó cũng có thể được xem là kết quả của những nhu cầu và ham muốn, hoặc là kết quả của xã hội và văn hóa. Một ví dụ khác, “hành vi” lại là kết quả của quá trình thích nghi và tiến hóa. Khó có thể nói ai sai, ai đúng, và dĩ nhiên cũng rất khó để kiểm chứng nguồn gốc của “hành vi”.
Lý do khó có thể kiểm chứng nguồn gốc của khái niệm “hành vi”, là vì không như những ngành khoa học tự nhiên, ngành tâm lý học tập trung vào những khái niệm trừu tượng, không tồn tại đọc lập trong tự nhiên. Hòn đá, lực hút, nguyên tố hóa học, v.v… đều là những thứ tồn tại trong tự nhiên, độc lập với xã hội loài người. Định nghĩa của “hành vi” là gì, ngược lại, tùy thuộc rất nhiều vào xã hội, thời kỳ, góc nhìn…của một nhà tâm lý học. Tùy vào định nghĩa và góc nhìn, “hành vi” có thể là kết quả của rất nhiều nguồn gốc, nguyên nhân khác nhau. Nhân rộng ra các khái niệm trừu tượng khác được nghiên cứu trong ngành tâm lý, có thể thấy được vì sao lại hiện hữu song song nhiều trường phái khác nhau trong cùng một ngành.
Một ví dụ khá nổi tiếng về sự rắc rối và tầm ảnh hưởng của ngành tâm lý là “chỉ số IQ”. Nói một cách ngắn gọn, chỉ số IQ được tính dựa trên kết quả của một số bài kiểm tra, và chỉ số ấy thường được xem là chỉ số thông minh của một cá nhân. Việc các bài kiểm tra ấy có thật sự đo đạc được thứ gọi là “độ thông minh” không, hoặc định nghĩa của “độ thông minh” là gì, thì vẫn rất mờ mịt. Ngoài “độ thông minh” ra, điểm số của một cá nhân còn có thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, thời tiết, sức khỏe, văn hóa, mức áp lực… Chỉ số IQ tuy vậy vẫn được áp dụng khá rộng rãi, và thường được dùng tương đương với “độ thông minh” trong ngôn ngữ hằng ngày.
Ngay cả định nghĩa và nguồn gốc của ngành tâm lý học cũng thay đổi rất nhiều qua thời gian và địa điểm. Ngành từng được định nghĩa như là một ngành nghiên cứu về tâm lý của loài người nói chung (Universal human psychology), và vì thể bỏ qua hoàn toàn mảng tâm lý dị thường và tâm lý trẻ em (trẻ em, và những triệu chứng bất thường về tâm lý không được xem như là một phần của “loài người nói chung”). Vì “tâm lý học” là một khái niệm trừu tượng, định nghĩa của ngành dĩ nhiên cũng không thể xác định rõ ràng. Điều này dẫn đến nhiều tranh cãi về nguồn gốc của ngành, ví dụ như đâu là sự kết thúc của triết học, và đâu là khởi đầu của ngành tâm lý. Vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh cách hữu hiệu nhất để nghiên cứu các vấn đề tâm lý, ví dụ như dùng thí nghiệm hay dùng nội quan.
Nói đến ngành tâm lý dị thường, và các bệnh tâm lý, cũng có rất nhiều trường phái và góc nhìn khác nhau. Các bệnh tâm lý có thể được định nghĩa, phân nhóm, và liệt kê theo các triệu chứng của chúng. Bác sĩ sau đó có thể dùng những định nghĩa và phân nhóm này để chẩn đoán, dựa vào cường độ hoặc tính nghiêm trọng của triệu chứng. Tuy nhiên, quan trọng cần phải hiểu rằng phân khúc giữa “bệnh tâm lý” và “tâm lý bình thường” được quyết định bởi một số cá nhân và tập thể nhầm mục đích chẩn đoán và chữa trị. Ví dụ triệu chứng A có thể được xem là bệnh nếu cường độ vượt trên 5, nhưng hoàn toàn bình thường nếu dưới 5. Việc thay đổi chỉ tiêu cho cường độ có thể dẫn đến việc một cá nhân được xem là bình thường được chẩn đoán là “bệnh” sau khi chỉ tiêu thay đổi (“vượt trên 3 là bệnh” chẳng hạn), dù cho cường độ triệu chứng vẫn không thay đổi. Vì lý do này, nhiều nhà tư vấn tâm lý cho rằng một phần các “bệnh” tâm lý không nên xem là “bệnh”, mà chỉ là “không khỏe”.
Cần phải nhấn mạnh rằng tính chất chủ quan trong việc định nghĩa, phân khúc và chẩn đoán là cần thiết trong việc điều trị các vấn đề về tâm lý. Việc định nghĩa và gán tên cho các bệnh giúp việc giao tiếp về một vấn đề cụ thể dễ dàng hơn trong cộng đồng tâm lý học. Tầm quan trọng của giao tiếp các bệnh thật chính xác có thể thấy rõ nhất khi xét rằng một triệu chứng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh hay rối loạn tâm lý khác nhau. Một cá nhân có thể được chẩn đoán nhiều rối loạn tâm lý, với một vài triệu chứng chung. Ngoài ra, bệnh tâm lý cũng có khả năng dẫn đến những bệnh tâm lý khác.
Bài viết của mình tuy viết về ngành tâm lý, nhưng cũng đề cập đến khá nhiều khái niệm khác có thể được áp dụng rộng rãi hơn. Lấy ngành làm ví dụ, rất nhiều khái niệm mang tính chất chủ quan hơn vẻ bề ngoài của chúng, và thay vì chấp thuận hay bất đồng một cách hấp tấp (ví dụ như khái niệm “bệnh tâm lý”), chúng cần được xem xét và suy nghĩ cẩn thận trước khi kết luận. Hướng giải thích “dễ hiểu dễ nhớ” tuy hấp dẫn, nhưng chúng cũng thường dẫn đến những kết luận và hiểu biết sai lệch.
Tác giả: Spec, hANA
Biên tập: KLinh
(Lưu ý: Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về nguồn gốc và bản chất của ngành tâm lý, hoặc không thể chịu đựng cách viết thô kệch của mình, Kurt Danziger theo mình là một nhà tâm lý và tác giả tuyệt vời cho chủ đề này)
Cho tôi cám ơn câu nói của bạn là: “tâm lý học bao gồm rất nhiều mô hình, giả thuyết, trường phái khác nhau”. Tôi cũng có giả thuyết riêng theo đó có thể xác định “hành vi” có nguồn gốc từ trog nội tâm, thậm chí có thể thay đổi nếu thay đổi được nguyên nhân gốc. Tất nhiên nếu những hành vi của chúng ta tốt thì ta để sử dụng,
ThíchThích
Thank for your post.
ThíchThích