[Sự phụ thuộc vào rượu bia] Kỳ 2: Các giải pháp phòng ngừa, quản lý và điều trị

Kỳ trước[Sự phụ thuộc vào rượu bia] Kỳ 1: Hồ sơ bệnh án, nguyên nhân và các khuyết tật có liên quan

Phòng ngừa

Các biện pháp phòng ngừa cấp I (primary prevention) để ngăn chặn vấn đề về rượu khá đa dạng. Các biện pháp này có thể bao gồm:

  1. Can thiệp về mặt chính sách: thiết lập các điều luật điều chỉnh hành vi liên quan đến rượu bia, ví dụ tăng thuế đối với đồ uống có cồn, nâng cao độ tuổi tối thiểu được phép uống rượu, áp dụng “Luật không nhân nhượng” để giảm tai nạn gây tử vong (chẳng hạn như pháp chế làm giảm giới hạn cho phép về nồng độ cồn trong máu).
  2. Can thiệp về giáo dục và cộng đồng nhằm tác động đến thái độ và hành vi liên quan đến việc uống rượu: ví dụ như trách nhiệm của người phục vụ trong việc người phục vụ được đào tạo để giảm thiểu trách nhiệm pháp lý trong các tai nạn bằng cách khéo léo từ chối phục vụ những khách hàng đã say hoặc phục vụ những đồ uống không cồn để giảm thiểu tai nạn do uống rượu lái xe. Ngoài ra, trường học hay khuôn viên trường đại học có thể tổ chức các chương trình nhằm giáo dục học sinh/ sinh viên, cung cấp những hoạt động giải trí lành mạnh hoặc đóng vai trò là hình mẫu (role- modeling) nhằm kiềm chế tình trạng lạm dụng rượu bia.

Các bác sĩ cần nhận thức và quan sát được những điều sau đây để có thể tích cực phòng ngừa các vấn đề về rượu thông qua việc sớm can thiệp, điều trị và phục hồi sức khỏe:

  1. Phương pháp sàng lọc: Bệnh nhân có nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến rượu nếu tiêu thụ rượu bia hơn 14 “ly” mỗi tuần hoặc 4”ly” mỗi dịp đối với nam giới; và 7 “ly” mỗi tuần hay nhiều hơn 3 “ly” mỗi dịp đối với phụ nữ; hoặc đưa ra câu trả lời là “có” cho một hoặc nhiều hơn các câu hỏi trong bộ câu hỏi CAGE.

Bộ câu hỏi CAGE bao gồm:

  • Có bao giờ bạn cảm thấy nên cắt giảm (Cut) việc uống rượu bia?
  • Có bao giờ bạn cảm thấy bực mình (Annoyed) khi có người chỉ trích việc bạn uống rượu bia?
  • Có bao giờ bạn cảm thấy tồi tệ hay tội lỗi (Guilty) về việc uống rượu bia của mình?
  • Có bao giờ bạn bắt đầu buổi sáng bằng việc uống một ly để ổn định thần kinh hoặc để chấm dứt tình trạng nôn nao do say rượu (Eye-opener)?

(Trả lời “có” cho 2 câu hỏi hoặc nhiều hơn có thể là dấu hiệu của chứng nghiện rượu)

  1. Tư vấn về uống điều độ cho những người hiện đang uống rượu nhưng ít nguy cơ bị mắc bệnh, tức là đối với nam giới, không quá 2 “ly” mỗi ngày; đối với phụ nữ, không quá 1 “ly” mỗi ngày và cho những người trên 65 tuổi, không quá 1 “ly” mỗi ngày. Một “ly” tiêu chuẩn là khoảng một lon bia (300 ml), một ly rượu vang (120ml), hoặc một ly rượu mạnh (30 ml).
  1. Bệnh nhân cần được tư vấn kiêng khem nếu ở trong những tình trạng sau đây: khi mang thai hoặc có ý định mang thai, khi dùng thuốc có thể tương tác với rượu, nghiện rượu, và khi đang mắc bệnh không cho phép dung rượu bia (ví dụ như viêm loét dạ dày, bệnh về gan). Đối với những người mắc bệnh tim mạch vành, nếu không thường xuyên hoặc không uống rượu thì tốt nhất không nên tập uống vì việc bảo vệ chỉ đạt hiệu quả tốt nhất thông qua chế độ ăn uống thích hợp và tập thể dục.
Drunk by Dheny Patungka

Drunk by Dheny Patungka

Điều trị

Điều trị tâm lý xã hội (psychosocial treatment) là phương pháp điều trị chính cho những người nghiện rượu với sự bổ trợ của dược phẩm nhằm duy trì việc kiêng khem cùng với các biện pháp phòng ngừa tái phát. Mục tiêu chính của điều trị là để đạt được và duy trì lâu dài việc thuyên giảm “căn bệnh” nghiện rượu cho bệnh nhân. Trên nền tảng là bệnh nhân sẽ phủ nhận và lòng tự trọng cá nhân thấp, bác sỹ cần thể hiện sự quan ngại nhưng không nên tỏ ra phán xét, cần phải tách rời sự căm ghét của họ đối với “căn bệnh” khỏi mối quan tâm dành cho bệnh nhân. Cách tiếp cận cần cương quyết và thiết thực nhưng mang tính đồng cảm hơn là thông cảm.

Việc nhập viện cho tất cả những bệnh nhân có vấn đề về rượu bia là không cần thiết. Giai đoạn đầu tiên trong việc quản lý là đánh giá tính chất và mức độ của sự phụ thuộc và các khuyết tật, và xác định những yếu tố hoàn cảnh có khả năng làm gia tăng hoặc cải thiện các vấn đề về rượu bia. Ở những giai đoạn đầu, các bác sĩ chăm sóc chính có thể đưa ra những lời khuyên đơn giản và các biện pháp can thiệp ngắn gọn, còn các bệnh nhân nghiện rượu có thể được chuyển sang điều trị rượu chuyên khoa.

Mô hình “Các giai đoạn của quá trình thay đổi“ (Prochaska và DiClemente, 1992) đối với hành vi gây nghiện có thể điều chỉnh để áp dụng vào việc đánh giá xem người nghiện rượu sẽ phù hợp với mức độ can thiệp nào. Chu trình tuần hoàn của mô hình này ghi nhận động lực (của việc thay đổi) sẽ biến đổi chứ không giữ nguyên, với việc tái phát là một hiện tượng bình thường trong quá trình thay đổi. Nhiệm vụ của bác sĩ chuyên khoa là xác định giai đoạn của bệnh nhân (tiền dự định, dự định, quyết tâm, hành động, duy trì) để có thể khéo léo hướng bệnh nhân đến giai đoạn tiếp theo và tiến gần hơn tới giai đoạn để hồi phục. Quá trình này có thể lặp lại từ bất kỳ giai đoạn nào nếu tái phát xảy ra.

  1. Đối với những người có nguy cơ hoặc đã mắc vấn đề về rượu nhưng không nghiện rượu, những lời khuyên đơn giản bao gồm tư vấn về ảnh hưởng của rượu, giáo dục bệnh nhân và kê đơn (“cách cắt giảm việc uống rượu của bạn”). Các biện pháp can thiệp ngắn gọn khác cũng có thể được sử dụng.

Để việc can thiệp ngắn gọn có hiệu quả, chiến lược tư vấn thường được sử dụng (viết tắt là FRAMES) bao gồm 6 yếu tố tư vấn như sau:

Phản hồi (Feedbak) – xem xét lại các vấn đề gặp phải do rượu bia

Trách nhiệm (Responsibility)- bệnh nhân tự chịu trách nhiệm đối với việc thay đổi cách sử dụng rượu bia

Tư vấn (Advise) – tư vấn để giảm bớt hoặc kiêng khem

Menu (Menu) – cung cấp các lựa chọn cho việc thay đổi hành vi

Đồng cảm (Empathy) – sử dụng phương pháp tiếp cận đồng cảm

Tự hiệu quả (Self- efficacy) – Cổ vũ niềm hy vọng và lạc quan về việc thay đổi hành vi

Phương pháp sàng lọc và biện pháp can thiệp ngắn gọn thực hiện bởi các bác sĩ chăm sóc chính có thể được tóm tắt trong 4 bước: hỏi về việc sử dụng rượu, đánh giá các vấn đề liên quan đến rượu, tư vấn để hành động một cách phù hợp (thiết lập mục tiêu trong việc uống rượu bia, kiêng hoặc tiếp nhận điều trị về việc uống rượu bia) và theo dõi diễn tiến của bệnh nhân.

  1. Những người nghiện rượu thường cần được điều trị chuyên sâu hơn. Điều trị chuyên gia tại nhà (residential specialist treatment) được chỉ định cho những người không phù hợp với điều trị ít chuyên sâu, mang sẵn vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hay tâm thần, hoặc sống trong môi trường xã hội hoặc gia đình bất ổn.
  1. Giải độc hay còn gọi là “drying out” thường là giai đoạn đầu của điều trị để cải thiện các triệu chứng cai nghiện với việc sử dụng các chất benzodiazepines có tác dụng dung nạp chéo và kéo dài, ví dụ như diazepam với liều lượng giảm dần trong khoảng một tuần. Ngoài ra, có thể thay bằng lorazepam cho những người có rối loạn nghiêm trọng về chức năng gan và người cao tuổi vì thuốc không có chất chuyền hóa. Vì hầu hết các bệnh nhân đều có tình trạng dinh dưỡng kém, một toa các vitamin, đặc biệt là B1 (thiamine), cũng thường được kê. Các vấn đề sức khỏe kèm theo như viêm dạ dày hoặc tăng huyết áp sẽ được điều trị đồng thời.
  1. Phục hồi cơ bản. Khi tình trạng thể chất đã được cải thiện, bệnh nhân sẽ được khuyến khích tham gia các cuộc thảo luận nhóm để tìm hiểu về ảnh hưởng của rượu đối với sức khỏe, gia đình và công việc. Phương pháp học nhóm mang lại nhiều giá trị lớn. Bệnh nhân có thể chia sẻ kinh nghiệm bản thân với các thành viên trong nhóm và cùng nhau thảo luận về cách giải quyết vấn đề, chẳng hạn như làm thế nào để duy trì tỉnh táo, đối phó với sự tức giận hoặc tìm việc. Việc giao lưu trong nhóm và cơ hội để chia sẻ có thể giúp bệnh nhân thoát khỏi cảm giác bị cô lập đồng thời đóng góp vào công tác hỗ trợ.

Tư vấn là một yếu tố quan trọng của các biện pháp quản lý. Một mối quan hệ được thiết lập dựa trên sự tin tưởng sẽ cho phép bệnh nhân thảo luận và xem xét lại các vấn đề hiện tại trong cuộc sống liên quan đến rượu và tìm hiểu các biện pháp đối phó. Bất cứ khi nào có thể, sự tham gia của các thành viên gia đình vào việc điều trị là rất quan trọng trong việc giúp người bệnh ngăn ngừa sự nhụt chí, cổ vũ thay đổi hành vi, cùng lúc làm giảm đi sự phủ nhận và tối thiểu hóa sự tiêu thụ rượu.

  1. Tiếp tục điều trị. Giai đoạn khó khăn nhất là duy trì sự điều độ sau khi kết thúc điều trị. Một số bệnh nhân thường tham gia các nhóm tự giúp đỡ như Alcoholics Anonymous, nơi họ có thể thường xuyên gặp gỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong việc kiêm khem. Tổ chức này đã giúp đỡ rất nhiều cá nhân với một tầm ảnh hưởng sâu sắc đến những người mắc vấn đề với uống rượu bia. Tổ chức này (nổi tiếng với nguyên tắc “12 Bước”) đưa các thành viên vào một cơ cấu xã hội nhằm lấp đầy khoảng trống trước đây dành cho việc uống rượu bia. Các chương trình tài trợ, các nhóm với những bước đặc biệt, các yếu tố tinh thần (nhưng không mang tính tôn giáo theo kiểu “khuất phục” trước Thiên Chúa hoặc Các Đấng Tối Cao) tạo cơ hội cho các thành viên tiếp cận với các mô hình cai nghiện và giúp cho cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn thông qua việc hướng dẫn những người khác làm tương tự. Điểm mạnh của tổ chức đặc biệt xuất phát từ niềm hy vọng của cả tập thể và sự đoàn kết sinh ra từ sự hỗ trợ và gắn kết với nhau.

Các loại thuốc được dùng để hỗ trợ kiêng khem và giảm thiểu tái phát. Có ba loại thuốc được tin dùng nhất để hỗ trợ kiêng khem. Thuốc đầu tiên, một dạng thuốc đối nghịch (aversive medication), là disulfiram (antabuse), được kê hàng ngày, có thể phản ứng với bất kỳ loại đồ uống có cồn nào khi tiêu thụ và tạo ra một cảm giác khó chịu nôn nao và buồn nôn do sự tích tụ của acetaldehyde. Tuy nhiên, phản ứng này có thể gây nguy hiểm đối với những người bị đau tim nặng, đột quỵ, cao huyết áp nghiêm trọng hoặc tiểu đường. Hơn nữa, cách điều trị này vấp phải nhiều nghi vấn trong tính hiệu quả trừ khi việc sử dụng được theo dõi chặt chẽ.

Trong lĩnh vực điều trị nghiện rượu, còn có hai loại thuốc khác. Naltrexone (Trexan), phổ biến ở Mỹ, được kê một lần mỗi ngày, được các nghiên cứu chứng minh về tính hữu dụng trong việc làm giảm sự thèm muốn và ngăn chặn tác dụng gây hưng phấn của rượu lên não. Nếu không xảy ra phản ứng xả (flush reaction) do tiêu thụ rượu, có thể dễ dàng kê thuốc này với điều kiện chức năng gan được kiểm tra là hoạt động bình thường. Tác dụng phụ của thuốc thường nhẹ và hạn chế như đau đầu và buồn nôn ban đầu. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng naltrexone khi kết hợp với liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive- behaviour therapy) và trị liệu tâm lý hỗ trợ (supportive psychotherapy) sẽ đem lại kết quả tốt hơn. Tác dụng của sự kết hợp như vậy là giúp cho một số người nghiện rượu nhất định có thể kiểm soát tốt hơn sự thèm muốn hay việc uống quá nhiều, góp phần ngăn chặn một sự “trượt ngã” hay “sai sót” có khả năng phát triển thành sự tái phát hoàn toàn.

Loại thuốc thứ ba, gần đây đã đăng ký tại Singapore là Acamprosate (Campral) hoặc canxi acetylhomotaurinate, dùng ba lần mỗi ngày, đã được sử dụng rộng rãi ở châu Âu để duy trì việc cai nghiện rượu. Nó không có tác dụng tương tác với rượu và khá an toàn để sử dụng. Các tác dụng phụ thường nhẹ và tự giới hạn, chủ yếu bao gồm nhức đầu và tiêu chảy. Cần nhiều nghiên cứu khác để xác nhận những tác dụng ban đầu sẽ chuyển biến sang các tác dụng khác ngay cả sau khi đã ngừng uống thuốc.

Không thuốc nào trong số thuốc này có thể mang lại một phương pháp chữa trị thần kì cho chứng nghiện rượu. Tuy nhiên, việc sử dụng từng loại thuốc bổ trợ này có thể mang lại hiệu quả khi gắn liền với một chương trình phục hồi chức năng tâm lý xã hội toàn diện. Các loại thuốc này giúp người nghiện rượu kiêng cữ trong thời gian họ tiếp thu những phương pháp cần thiết cho việc ngăn ngừa hoặc ít nhất giảm thiểu tối đa sự tái phát. 

Việc những người nghiện rượu sớm tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp và thường xuyên tham dự các cuộc thảo luận nhóm để được hỗ trợ hồi phục là rất quan trọng.

Via tattooedgirls on Instagram

Via tattooedgirls on Instagram

Uống rượu trong tầm kiểm soát. Một số bệnh nhân mong muốn được uống rượu trong tầm kiểm soát hoặc uống điều độ sau khi điều trị. Việc này có thể khó khăn và không phù hợp cho những người có biến chứng nghiêm trọng về thể chất hoặc tâm thần. Kiêng cữ vẫn là tốt nhất. Đối với những người không nghiện rượu, chế độ uống rượu vừa phải có thể thực hiện theo hướng dẫn sau: Đàn ông – không quá 2 “ly” mỗi ngày, phụ nữ – không nhiều hơn 1 “ly”mỗi ngày, Trên 65 tuổi – không có nhiều hơn một “ly” mỗi ngày.

Đối với những người mắc hội chứng phụ thuộc vào rượu, kiêng cữ là phương pháp cho việc điều độ lâu dài. Việc phục hồi đòi hỏi một kế hoạch thực hiện suốt đời, sự tự hiểu biết và hỗ trợ về xã hội lâu dài. Sự hỗ trợ từ gia đình và một công việc ổn định là rất quan trọng. Sau khi kết thúc việc chữa trị chính thức ở bệnh viện, bệnh nhân cần học cách áp dụng các kỹ năng đối phó, thái độ và hành vi vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Việc tiếp tục nhận hỗ trợ và hướng dẫn là rất cần thiết để củng cố những điều đã đạt được và duy trì sự phục hồi. Một số bệnh nhân có thể cần tiếp tục được chăm sóc trong những ngôi nhà trung chuyển (halfway house- những ngôi nhà mà người nghiện rượu hoặc ma tuý có thể ở lại để được ổn định và được bao quanh bởi những người tương tự) (ví dụ như trong 1-2 năm) sau khi điều trị cấp tính; đặc biệt là những người thiếu nguồn lực xã hội, lạm dụng nhiều chất kích thích cùng lúc hoặc có những vấn đề cá nhân đòi hỏi chương trình chữa trị lâu dài và có hệ thống nhưng ít nghiêm trọng hơn, kết hợp với việc rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp và xã hội trước khi họ có thể chuyển đến những cộng đồng sống độc lập hơn.

Trong một nghiên cứu theo dõi 70 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đại học Quốc gia và Bệnh viện Singapore General, khoảng 60% bệnh nhân duy trì kiêng khem sau một năm và 30% tái phát việc uống nhiều. Bệnh nhân trẻ (từ 20-39 tuổi) với lịch sử uống nhiều rượu hơn có kết quả kém hơn (Kua EH et al, British Journal of Addiction 1990, 85, 1261-1264).

Trong việc quản lý và phục hồi chức năng dài hạn, các mục tiêu của điều trị cho người nghiện là:

  1. Thừa nhận vấn đề uống rượu của mình và xu hướng tái phát.
  2. Thay đổi để có một lối sống không rượu bia và các chất gây nghiện khác.
  3. Duy trì trạng thái sức khỏe đã được cải thiện này. Việc này đòi hỏi duy trì công tác giáo dục, động viên và tư vấn cho cá nhân và gia đình.

Sau khi phương pháp sàng lọc và can thiệp ngắn gọn thích hợp đã được thực hiện, bệnh nhân cần được xem xét chuyển đến chuyên gia để xác định căn bệnh nghiện rượu hơn là chỉ điều trị triệu chứng và biến chứng.

(Hết)

Tham khảo:

1. Kua E.H. One Too Many – Overcoming alcoholism. Singapore: Armour Publishing, 1995.

2. A Lee. Alcoholism – Treating the Disease. Singapore Medical Journal, 1997; Vol 38 (5): 214-216.

3. Paton A. Handbook on Alcoholism for Health Professionals. UK: Heinemann, 1985.

Nguồn: Ghi chép và nghiên cứu của bác sĩ Kua Ee Heok / Lee Arthur, Singapore

Người dịch: T.Hà – Anh Đào (Vù Vù)

Biên tập: Khánh Linh

Một suy nghĩ 1 thoughts on “[Sự phụ thuộc vào rượu bia] Kỳ 2: Các giải pháp phòng ngừa, quản lý và điều trị

  1. Pingback: [Sự phụ thuộc vào rượu bia] Kỳ 1: Hồ sơ bệnh án, nguyên nhân và các khuyết tật có liên quan | Những tâm hồn đẹp

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s